Bị "nhốt sàn" vì đua lệnh cổ phiếu "nóng": Bất lực nhìn tài khoản "bốc hơi"
(Dân trí) - Đây là trải nghiệm rất tồi tệ trong đầu tư chứng khoán, chính xác hơn là đầu cơ. Người mua bị hấp dẫn bởi diễn biến tăng trần liên tiếp nhưng một khi các cổ phiếu này lao dốc thì không thể bán nổi.
Không thể "thoát hàng" IDI, SJF, TNI
Trong phiên hôm nay (2/12), cổ phiếu IDI của Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Đa quốc gia I.D.I giảm sàn phiên thứ 3 liên tiếp.
Cổ phiếu SJF của Công ty Cổ phần Đầu tư Sao Thái Dương và TNI của Công ty Cổ phần Tập đoàn Thành Nam đều giảm sàn phiên thứ 4 liên tiếp.
Cổ phiếu KHP của Công ty Cổ phần Điện lực Khánh Hòa cũng có phiên thứ hai giảm kịch biên độ trên sàn HSX.
Đây đều là những mã cổ phiếu từng gây ấn tượng trên thị trường do có chuỗi tăng trần liên tiếp giữ nhiều nhà đầu tư "ăn bằng lần", "nhân tài khoản".
Tuy nhiên, sau khi tăng nóng thì một số phiên gần đây, các mã này đều đã "quay xe" và lao dốc rất mạnh. Ngay khi mở đầu phiên giao dịch thì các mã này đều đã giảm sàn, lệnh bán sàn chồng chất khiến cơ hội "thoát hàng" đối với nhà đầu tư lướt sóng là rất hạn chế.
Cụ thể, IDI giảm sàn về mức 20.450 đồng/cổ phiếu, chỉ khớp 391.300 đơn vị nhưng dư bán sàn còn 15,6 triệu cổ phiếu; TNI giảm sàn về 10.350 đồng/cổ phiếu, khớp lệnh 215.000 đơn vị nhưng dư bán sàn gần 11 triệu cổ phiếu; SJF giảm sàn về 18.100 đồng/cổ phiếu, khớp 129.300 cổ phiếu nhưng dư bán sàn còn 11,8 triệu cổ phiếu.
Với đà giảm như trên thì những nhà đầu tư mua vào cổ phiếu ở vùng đỉnh giá đã bị thiệt hại nặng nề. Bình quân mỗi phiên giảm sàn trên HSX khoảng 7%, theo đó, khi cổ phiếu đủ thời gian T+3 để về tới tài khoản nhà đầu tư thì giá trị tài khoản đã "bốc hơi" hơn 20%.
Ngoài ra, cùng với lệnh dư bán giá sàn ở mức "khủng" thì các nhà đầu tư mua cổ phiếu vào giá sàn ở phiên hôm nay có thể rơi vào tình huống "bắt dao rơi" thay vì "bắt đáy" nếu như những phiên tới tình hình không cải thiện.
"Lên nhanh, giảm sốc" - quy luật này thường gặp trên thị trường chứng khoán. Đối với cổ phiếu "nóng", nếu nhà đầu tư không tiết chế lòng tham và mua bất chấp thì khi cổ phiếu lao dốc sẽ dễ rơi vào hoàn cảnh bị "nhốt sàn" như các trường hợp đã đề cập ở trên.
Thanh khoản giảm mạnh, "cú đánh úp" bất ngờ cuối phiên
Cũng hôm nay, một số nhà đầu tư lỡ "đua lệnh" ở những nhịp tăng trong phiên cũng sẽ khó tránh khỏi cảm giác bất an, lo lắng do diễn biến quá bất ngờ của VN-Index vào cuối phiên.
Theo đó, từ sau 14h, chỉ số VN-Index đột ngột "quay xe" từ trên vùng 1.490 điểm và đóng cửa ở mức thấp nhất phiên là 1.482,05 điểm, ghi nhận giảm 3,14 điểm tương ứng 0,21%. VN30-Index giảm 8,93 điểm tương ứng 0,58% còn 1.540,88 điểm. Nhiều mã đang tăng giá tích cực thì ở đợt khớp lệnh ATC bị bán mạnh.
Trong khi đó, HNX-Index tăng 2,42 điểm tương ứng 0,53% lên 458,23 điểm; UPCoM-Index chỉ sụt nhẹ 0,03 điểm tương ứng 0,03% còn 114,55 điểm.
Trước đó, trong suốt phiên giao dịch, các chỉ số giằng co, rung lắc nhưng vẫn chủ yếu biến động trên vùng tham chiếu. Chính vì vậy, nhiều nhà đầu tư vẫn "đặt cược" vào cửa tăng của VN-Index.
Thanh khoản sàn HSX xuống rất thấp với giá trị giao dịch toàn phiên chỉ đạt hơn 23.000 tỷ đồng; khối lượng giao dịch gần 764 triệu đơn vị. Điều này thể hiện sự thận trọng khi VN-Index tiến gần đến mốc cản tâm lý 1.500 điểm.
HNX có 124 triệu cổ phiếu giao dịch, tổng giá trị giao dịch 3.067 tỷ đồng và con số này trên UPCoM là 100 triệu cổ phiếu tương ứng 1.962 tỷ đồng.
Tuy vậy, xét trên quy mô toàn thị trường thì số lượng mã tăng vẫn đang chiếm ưu thế. Có 565 mã tăng, 72 mã tăng trần so với 501 mã giảm, 15 mã giảm sàn.
Nguyên nhân kéo sụt chỉ số chính đến từ nhóm bluechip trong rổ VN30. Có 17 mã trong rổ này giảm giá, bao gồm VPB giảm 2,4%; SSI giảm 2,2%; STB giảm 2%; HDB giảm 1,6%; MBB giảm 1,4%; MWG giảm 1,4%; TCB giảm 1,3%...