1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Nỗi buồn quán "vùng xanh": Thực phẩm tăng giá, cả sáng bán được 2 bát bún

An Chi

(Dân trí) - Dù được phép mở cửa, phục vụ bán mang về nhưng không ít quán ăn ở vùng xanh Hà Nội vẫn buồn hắt hiu do tình hình kinh doanh không mấy khả quan, có khi cả sáng chủ hàng chỉ bán được 2 bát bún.

Từ 12h trưa 16/9, Hà Nội cho phép mở hoạt động kinh doanh, dịch vụ ăn uống bán mang về tại 19 quận, huyện "vùng xanh", song nhiều quán ăn vẫn "ngủ đông", cửa đóng then cài.

Những quán mở cửa trở lại thì cũng buồn hắt hiu do theo phản ánh, lượng khách đến quán giảm sâu, chỉ bằng 1/4 so với trước. Không những thế, giá thực phẩm, nguyên liệu đầu vào hiện tăng cao trong khi nhiều quán lại không dám tăng giá bán.

Nỗi buồn quán vùng xanh: Thực phẩm tăng giá, cả sáng bán được 2 bát bún - 1

Nhiều quán ăn ở vùng xanh Hà Nội vẫn "ngủ đông", cửa đóng then cài.

Đến 10h sáng 17/9, chị Huyền, chủ một quán bún riêu trên đường Tô Hiệu (Cầu Giấy, Hà Nội) mới bán được 2 bát cho khách mang về. Chị cho biết ngày 16/9 chưa kịp mở bán do phải đến dọn dẹp và chuẩn bị nguyên liệu. Tuy nhiên, sự háo hức sau 2 tháng trở lại của chị lại không tốt như kỳ vọng. Nếu tình hình này vẫn tiếp diễn, khả năng cao, chị sẽ lại đóng cửa "ngủ đông".

"Giá thực phẩm, nguyên liệu đầu vào hiện tăng cao, gấp 1,5 - 2 lần so với trước đây, trong khi đó, quán thì không dám tăng giá bán sợ mất khách. Nhưng cứ thế này, tôi nghĩ mình không trụ nổi bởi tiền thuê nhân công, mặt bằng, tiền điện nước tính ra quá tội", chị nói.

Nỗi buồn quán vùng xanh: Thực phẩm tăng giá, cả sáng bán được 2 bát bún - 2

Theo quy định, các quán ăn chỉ được mở bán mang về.

Ngoài ra, chị Huyền còn cho biết, hiện nay, việc gọi nhân viên đi làm rất khó khăn do người đã về quê, người thì đang ở "vùng đỏ". Với tình hình kinh doanh giảm sút như thế này, chị cũng không dám thuê người mà tự làm để giảm bớt chi phí, giảm bớt gánh nặng.

"Giờ được mở cửa, quán không bán cũng dở, mà bán cũng dở. Vì quán cứ đóng cửa suốt thì khách sẽ lãng quên và tìm ngay một địa chỉ mới, còn mở ra thì khó cả trăm bề. Tôi dự định sẽ mở thí điểm trong tuần đầu, nghe ngóng tình hình thì tính tiếp, còn nếu xấu quá thì phải đóng cửa quán, trả lại mặt bằng", chị tâm sự.

Nỗi buồn quán vùng xanh: Thực phẩm tăng giá, cả sáng bán được 2 bát bún - 3

Chủ quán kiểm tra lại đơn hàng trước khi giao cho shipper.

Chị Liên, chủ một bánh đa cá rô ở Cầu Giấy (Hà Nội) cũng lo lắng. Do bởi, 2 ngày nay, lượng khách đến quán chị giảm mạnh, chỉ bằng 1/4 so với trước. Không những thế, việc nhập thực phẩm, nguyên vật liệu ở quán cũng rất khó khăn.

"Cụ thể, bánh đa là nhà tôi nhập chuyên ở Hải Phòng, giờ không lấy hàng được thì phải chuyển sang nhà khác ở Hà Nội, giá thì cao hơn mà hàng không chuẩn bằng. Còn một số mặt hàng như cá, rau thơm, gia vị đều tăng. Trong đó, giá cá từ 60.000 đồng/kg đã lên 80.000 đồng/kg, chưa kể tiền phí vận chuyển cũng nhảy vọt", chị cho hay.

Từ góc nhìn chủ quan, chị Liên cho rằng, túi tiền của người tiêu dùng đang dần cạn kiệt khi suốt 2 tháng qua phải đóng cửa ở nhà. Cho nên, các chi tiêu, mua sắm không cần thiết của mọi người đều được tiết giảm tối đa.

Mở cửa từ 12h trưa 16/9, quán bún bò Huế của chị Hương (Nguyễn Phong Sắc) cũng ghi nhận tín hiệu không mấy khả quan. Cả ngày 16/9, chị mới bán được 100 bát bún cho khách mua mang về. Dự kiến, số lượng hàng bán ra ở quán ngày hôm nay sẽ chỉ còn 70 - 80 bát.

"Giá nguyên liệu tăng vù vù, còn giá bán ở quán thì vẫn giữ nguyên vì mình có bán đắt quá thì người ta cũng không mua. Bởi dịch cứ triền miên thế này, mọi người không đi làm, không có tiền thì tiền đâu mua sắm, ăn uống như trước", chị nói.

Còn chủ một quán cơm gà ở Tô Hiệu (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, dù quán thuộc diện được mở bán mang về nhưng vẫn "ngủ đông" là do khó khăn trong việc mua nguyên liệu, thực phẩm.

"Giá nguyên liệu đầu vào tăng cao hơn trước đây mà lượng khách thì có xu hướng giảm nên tôi chưa muốn mở cửa. Tôi xác định làm thì phải có lãi còn không thì thôi, vì làm cầm chừng rất mệt mỏi", chủ quán nói.

Người này còn khẳng định, quán chỉ mở cửa khi mọi thứ bình thường trở lại, kinh tế lưu thông, việc nhập hàng hóa từ các tỉnh dễ dàng hơn.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm