Nợ xấu tăng "sốc" để chuẩn bị cho cú "sốc" lớn hơn?
(Dân trí) - Những ngân hàng có thay đổi đột ngột về nợ xấu lên tới 9-10% thời gian vừa rồi có thể là đang dự liệu cho tình huống Thông tư 02 ban hành vào tháng 6/2014, tránh gây "sốc" lên bảng cân đối kế toán và bớt ảnh hưởng đột biến đến lợi nhuận.
Trong chiều 1/12, PV Dân trí đã có cuộc trao đổi với ông Alain Cany - nguyên Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) và ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).
Ông Alain Cany (ảnh BD).
Chính phủ đừng suy đoán về chuyển giá, hãy hành động!
Thưa ông Cany, trong thời gian vừa qua, tình trạng doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) dính vào nghi án chuyển giá, trốn thuế rất nhiều, chỉ một số ít bị cơ quan thuế phát hiện. Là đại diện cho tiếng nói của cộng đồng doanh nghiệp có vốn đầu tư tại Việt Nam, ông nhìn nhận vấn đề này như thế nào?
Ông Alain Cany: Quan điểm của chúng tôi là Chính phủ phải công bằng chứ đừng đưa ra suy đoán. Rất khó để phân định về vấn đề này, liệu rằng một doanh nghiệp không có lợi nhuận để nộp thuế thì có phải là họ đang chuyển giá và lừa dối hay không?
Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA: |
Tất nhiên, với những doanh nghiệp thực sự chuyển giá kinh doanh không minh bạch và gian dối thì chắc chắn họ cần phải bị trừng phạt nặng, chúng tôi ủng hộ quan điểm đó.
Song, trong bối cảnh hiện tại thì đây luôn là vấn đề gây tranh cãi. Một bên luôn khẳng định không chuyển giá và một bên giữ mối hoài nghi doanh nghiệp có dấu hiệu chuyển giá.
Bản thân tôi rất thông cảm với Chính phủ Việt Nam. Tôi đồng ý là Chính phủ nên xem xét kỹ lưỡng để tránh tình trạng doanh nghiệp chuyển giá nhưng cũng phải thật công bằng. Bởi trên thực tế, có những doanh nghiệp FDI mới chỉ thành lập và hoạt động tại Việt Nam 3-5 năm, song trong khoảng thời gian này, nền kinh tế Việt Nam lại gặp nhiều khó khăn. Hoặc cũng có thể họ cũng đã đánh giá chưa đúng về tiềm năng đầu tư và họ đánh giá vào thời điểm trước đó khi thị trường còn rất hứa hẹn, nhưng khi đi vào hoạt động thì thị trường lại đi xuống. Chính vì vậy, trong vòng 3-5 năm họ chưa thể có lãi được. Nên nếu vội kết luận họ chuyển giá thì sẽ không công bằng, và sẽ gây ra hậu quả bất lợi cho doanh nghiệp.
Liệu ông có khuyến nghị cho Chính phủ Việt Nam làm thế nào để vừa giữ được môi trường đầu tư hấp dẫn, vừa có thể buộc các doanh nghiệp FDI phải thực hiện nghĩa vụ thuế một cách đầy đủ?
Với những doanh nghiệp mà xác định được chắc chắn là doanh nghiệp đó có chuyển giá thì tôi ủng hộ việc trừng phạt phải thật thích đáng. Tôi đại diện cho những doanh nghiệp ở châu Âu và rất may là thời gian vừa qua chưa có doanh nghiệp ở châu Âu nào làm ăn ở việt Nam mà có hành vi chuyển giá. Tuy nhiên, điều đó trên thực tế hoàn toàn có thể xảy ra.
Chúng tôi sẽ tư vấn cho Chính phủ rằng, nếu đã có nghi ngờ như vậy thì phải có những có chế đánh giá khoa học và áp dụng theo những chuẩn mực quốc tế, cần mời chuyên gia nước ngoài vào đánh giá, và đánh giá với điều kiện ngang bằng. Giống như những doanh nghiệp thành lập ở Việt Nam hoạt động ở nước ngoài thế nào, tương tự thì đánh giá các doanh nghiệp nước ngoài hoạt động ở Việt Nam.
Phải dựa trên điều kiện kinh doanh của doanh nghiệp ở nhiều quốc gia để đưa ra nhận định, tránh việc cứ nhìn thấy doanh nghiệp FDI ghi nhận lỗ là cho rằng họ chuyển giá, làm ăn không đứng đắn.
Ranh giới này không dễ gì vạch ra được nên cần phải có chuyên gia, phải có các tổ chức chuyên môn như PwC, KPMG, E&Y... Tôi được biết là vừa qua Chính phủ cũng đã mời các chuyên gia bên ngoài vào để hỗ trợ các cơ quan thuế, tài chính tìm hiểu sâu hơn, xây dựng nhiều kiến thức hơn trong vấn đề này.
Cũng liên quan đến lĩnh vực thuế, năm 2013 này chúng ta đã chứng kiến rất nhiều vụ truy thu thuế quy mô lớn đối với những doanh nghiệp được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp của 3-5 năm trước. Là Chủ tịch VCCI- đơn vị kết nối giữa doanh nghiệp và Nhà nước, ông Vũ Tiến Lộc có đánh giá như thế nào về vấn đề này? Liệu rằng, ngay cả với những chính sách ưu đãi hiện tại thì doanh nghiệp cũng có quyền hoài nghi, có thể 5 năm sau họ lại phải chịu một cú "sốc" truy thu tương tự?
Ông Vũ Tiến Lộc: Một trong những hướng mà chúng tôi đề nghị với Bộ Tài chính cũng như Chính phủ đó là phải nâng cao trình độ của đội ngũ thuế, hải quan để làm sao họ nhận thức, thực hiện các quy định của Nhà nước về hải quan và thuế một cách nhất quán.
Ở đây, trong việc thực hiện các chính sách ưu đãi thuế tại một số doanh nghiệp, thời gian trước nằm trong diện ưu đãi, nay lại truy thu, tôi cho là cũng có trường hợp do nhận thực hạn chế của cán bộ thuế, hải quan. Trong quá trình thực hiện, cán bộ thuế đã thực hiện không nhất quán và không đầy đủ, sau này doanh nghiệp lại phải gánh chịu hậu quả.
Thế nhưng, do đây quy định của pháp luật, khi áp thuế sai hoặc thực hiện ưu đãi không đúng thì vẫn phải chiếu theo luật pháp mà thực hiện truy thu. Điều này sẽ gây thiệt hại cho doanh nghiệp nhưng trong khuôn khổ pháp luật hiện hành thì không có cách nào khác.
Tôi muốn nhắc lại, điều có thể làm ở đây chỉ là phải nâng cao trách nhiệm của ngành thuế, cơ quan thuế và nâng cao trình độ của cán bộ thuế trong khi áp dụng chính sách với doanh nghiệp, tránh lặp cái câu chuyện hôm nay.
Còn với những trường hợp cụ thể thì chúng tôi đã trao đổi trực tiếp và cung cấp thông tin đầy đủ cho cơ quan thuế và hải quan để họ xem xét xử lý từng trường hợp một - Tất nhiên là theo quy định pháp luật nhưng cũng phải có lý có tình!
Ông Alain Cany: Tôi xin bổ sung, ở đây có một nguyên tắc rất quan trọng đó là nguyên tắc bảo vệ đầu tư. Nếu một doanh nghiệp đã thành lập và hoạt động, được Nhà nước, được luật pháp cho những ưu đãi về thuế thì chừng nào doanh nghiệp vẫn còn đáp ứng được những điều kiện để hưởng ưu đãi thuế đó thì các quy định này không được phép thay đổi trừ phi doanh nghiệp có làm trái hoặc làm sai như không chịu đóng thuế, trốn thuế, thì đó lại là câu chuyện khác.
Nhưng tôi muốn nhấn mạnh rằng, chính sách thuế và thực hiện chính sách thuế cần phải thống nhất, bởi chỉ có làm như thế thì chúng ta mới có thể khuyến khích được các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài. Nếu họ cảm thấy không được bảo vệ an toàn và ổn định trước pháp luật thì họ sẽ mất lòng tin.
Khuyến nghị về chính sách thuế chúng tôi sẽ tiếp tục đưa ra và phân tích rõ hơn tại kỳ VBF sắp tới.
Ông Vũ Tiến Lộc.
Thưa ông Cany, từng là Tổng giám đốc HSBC Việt Nam, ông đánh giá như thế nào về hiện tượng tại báo cáo tài chính một số ngân hàng trong quý I và quý III, nợ xấu bất ngờ tăng lên rất cao, đột biến đến 9-10%. Liệu có phải do điều kiện kinh doanh xuống đốc quá nhanh, do cơ chế kế toán của các ngân hàng thương mại Việt Nam có vấn đề hay do áp lực của Thông tư 02 về phân loại nợ theo tiêu chuẩn mới sẽ áp dụng vào tháng 6/2014?
Ông Alain Cany: Đối với những ngân hàng có thay đổi đột ngột trong kết quả báo cáo tài chính vừa rồi, theo tôi, đó là những ngân hàng đã dự liệu về Thông tư 02 nên đã làm trước để đến tháng 6/2014 không gây "sốc" cho bảng cân đối kế toán, bớt đột ngột và không ảnh hưởng đột biến đến lợi nhuận.
Khi áp dụng Thông tư 02 và phải phân loại nợ theo chuẩn quốc tế thì chi phí dự phòng nợ xấu của ngân hàng sẽ tăng lên rất mạnh và nếu chỉ làm với 1 bước thì sẽ giảm lợi nhuận xuống rất nhanh. Có lẽ vì lý do này nên họ đã làm trước.
Nếu bạn để ý thì có một số ngân hàng từ đầu 2013 họ đã thực hiện tăng dự phòng, do vậy, báo cáo lãi cuối năm của họ chắc chắn sẽ giảm xuống. Những ngân hàng làm điều này tôi cho là phải có lực và phải tính trước đường dài. Bạn hay tiếp tục quan sát, theo dõi các ngân hàng đó, tôi tin rằng tới 2015, tình hình cân đối tài chính của họ sẽ khá hơn.
Vậy còn với những ngân hàng đang có diễn biến khá êm đềm trong các BCTC thời gian này thì như thế nào thưa ông?
Đối với những ngân hàng đến nay vẫn chưa tăng được dự phòng thì Báo cáo tài chính sẽ không cho thấy được sự thay đổi nhiều so với các kỳ trước. Theo tôi, những ngân hàng này sẽ yếu lực hơn khi Thông tư 02 đi vào thực tiễn, lúc đó buộc phải phân loại nợ theo chuẩn quốc tế thì sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến kết quả kinh doanh của họ.
Tôi cũng được biết rằng, Ngân hàng Nhà nước cuối năm ngoái và đầu năm nay cũng đã thực hiện các cuộc thanh tra với các Ngân hàng thương mại và đã đưa ra khuyến nghị, các ngân hàng nên thực hiện trích lập dự phòng theo quy định tại Thông tư 02 từ sớm.
Tôi tin rằng một số ngân hàng đã làm theo khuyến nghị của Ngân hàng Nhà nước và việc trích lập dự phòng của họ đã thực hiện theo lộ trình của thông tư 02 mặc dù Thông tư này chưa chính thức áp dụng.
Đây cũng chắc chắn là việc mà các ngân hàng khác sớm muộn cũng sẽ phải làm khi Thông tư 02 ban hành ra thực tế.
Được biết, tại VBF, nhóm công tác ngân hàng sẽ trình kiến nghị lên Ngân hàng Nhà nước và Chính phủ phải công khai minh bạch tài sản mà các ngân hàng thương mại đã chuyển giao cho Công ty quản lý tài sản (VAMC) khi bán nợ xấu. Tại thời điểm hiện tại khi VAMC đã đi vào hoạt động và đã thực hiện một số thương vụ, ông có nhận định nào về những rủi ro tiềm ẩn cho tương lai?
Tôi nghĩ vẫn còn quá sớm để đưa ra những đánh giá về hiệu quả hoạt động của công ty này vì VAMC mới chỉ đi vào hoạt động chính thức một thời gian ngắn, từ cuối tháng 10 họ mới bắt đầu mua vào một số nợ xấu.
Tuy nhiên, những điều mà bây giờ chúng tôi có thể đánh giá đó là, đây là một công cụ tốt và cho thấy quyết định đúng đắn của Chính phủ. Qua một vài tháng hoạt động vừa rồi của VAMC, chúng tôi cho là công ty đã đi đúng hướng.
Tuy nhiên, cần phải đảm bảo sự minh bạch về quy trình hoạt động của VAMC, để các bên quan tâm đều nắm rõ được, quy trình hoạt động như thế nào và có được sự minh bạch thông tin, để đảm bảo rằng, việc mở ra VAMC không phải là mở ra một cánh cửa nữa cho những "ngọn gió độc" đi qua và tạo ra cơ chế cho những nhóm lợi ích lạm dụng, có những hành vi trục lợi, tạo ra cơ chế đối xử công bằng giữa các ngân hàng với nhau.
Do vậy, cần có một cơ chế đánh giá tài sản công bằng, minh bạch và rõ ràng. Theo tôi, Chính phủ có thể thuê những tổ chức định giá độc lập từ bên ngoài và xây dựng được một quy trình cung cấp thông tin minh bạch.
Vẫn còn thời gian và tôi nghĩ Chính phủ cũng không nhất thiết phải vội vàng bán thống bán tháo tài sản thông qua mô hình ấy. Chúng ta cần đợi xem một thời gian nữa mới kết luận được về tính hiệu quả của cơ quan này. Điều mà chúng tôi luôn muốn nhấn mạnh ở đây là phải đảm bảo được tính minh bạch cho VAMC.
Xin cảm ơn hai ông!
Bích Diệp thực hiện