“Nợ” tiền doanh nghiệp: Bộ Tài chính không công bằng và sòng phẳng?

(Dân trí) - Doanh nghiệp chỉ cần nộp thuế chậm vài ngày là bị phạt nặng trong khi Nhà nước không thực hiện đúng nghĩa vụ, cam kết của mình trong thời gian dài thì không làm sao cả, thiệt hại cuối cùng vẫn là ở doanh nghiệp.

Trong một cuộc đối thoại giữa 500 doanh nghiệp với Bộ Tài chính về vấn đề thuế và hải quan tại TP.HCM vừa qua, tranh thủ giờ giải lao, một lãnh đạo doanh nghiệp đã tiến thẳng đến bàn của Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn để trao đổi và đòi... 21 tỉ đồng tiền hoàn thuế.

Xung quanh những bất cập quanh vấn đề hoàn thuế nói riêng và cải cách hành chính trong ngành thuế nói chung, phóng viên Dân Trí đã có cuộc trao đổi với ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng Ban pháp chế - Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).


Ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng Ban pháp chế VCCI

Ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng Ban pháp chế VCCI

Vẫn còn nhiều định kiến, thiếu niềm tin

Từ vụ việc một doanh nghiệp đã phải đòi nợ (tiền hoàn thuế) Bộ Tài chính ngay tại một cuộc đối thoại mới đây, ông có bình luận gì về tiến độ cải cách hành chính trong lĩnh vực thuế tới thời điểm hiện nay? Có phải cánh cửa đến cơ quan chức năng vẫn còn quá nhiều chông gai với doanh nghiệp không, thưa ông?

Thời gian qua quá trình thay đổi pháp luật chính sách thuế đã có những chuyển biến tích cực, được các doanh nghiệp ghi nhận và đánh giá cao. Tuy nhiên so với yêu cầu của doanh nghiệp mức độ thuận lợi của thủ tục hành chính thuế vẫn đang còn một khoảng cách lớn. Đặc biệt khoảng cách này càng lớn nếu so sánh giữa Việt Nam và các nước tiên tiến.

Đặc điểm của quan hệ giữa doanh nghiệp và cơ quan thuế là bất cân xứng về quyền lực nên dù khó khăn, dù không vừa lòng nhưng họ không dễ để phản ánh hay đưa ra những vấn đề của mình.

Vẫn còn có những định kiến của doanh nghiệp với ngành thuế, tình trạng thiếu lòng tin giữa cơ quan thuế và doanh nghiệp. Còn không ít doanh nghiệp đang suy nghĩ rằng thuế đồng nghĩa với phức tạp, nhiêu khê, là mệnh lệnh, là cưỡng ép, là nơi tiếng nói doanh nghiệp ít được lắng nghe…

Cho nên hành trình cải cách ngành thuế sắp tới tôi cho rằng phải nỗ lực xoá bỏ định kiến này, làm cho ngành thuế ngày càng thân thiện hơn và tạo được quan hệ đối tác tin cậy, bền vững giữa ngành thuế và doanh nghiệp.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho biết, vướng mắc về hoàn thuế tại TP.HCM đang ở mức độ nghiêm trọng. Qua quá trình làm việc với doanh nghiệp thông qua khảo sát PCI, theo ông đây có phải là câu chuyện của riêng TP.HCM và vướng mắc của doanh nghiệp liệu có chỉ là vấn đề hoàn thuế?

Đúng là vấn đề hoàn thuế là vấn đề nóng và khiến nhiều doanh nghiệp bức xúc. Nhiều doanh nghiệp trả lời điều tra của VCCI hay tại các diễn đàn mà VCCI tổ chức cho biết, số tiền thuế mà họ chưa được hoàn theo quy định rất lớn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Có những khó khăn mà doanh nghiệp phản ánh như thủ tục hoàn thuế còn nhiều khó khăn, hồ sơ phức tạp, đặc biệt là thời gian chờ hoàn thuế còn dài. Nhiều doanh nghiệp đánh giá rằng quy định mới về thời gian hoàn thuế khấu trừ lên tới 12 tháng liên tục là quá dài, gây bất lợi cho doanh nghiệp…

Đặc biệt hiện nay, dù nhiều doanh nghiệp đã hoàn thành thủ tục hồ sơ hoàn thuế nhưng không thể nhận được tiền hoàn thuế đúng thời hạn và không nhận được câu trả lời là khi nào.

Doanh nghiệp cho rằng đây là vấn đề không công bằng và sòng phẳng vì doanh nghiệp chỉ cần nộp thuế chậm vài ngày thuế là bị phạt nặng trong khi đó Nhà nước không thực hiện đúng nghĩa vụ, cam kết của mình trong thời gian dài thì không làm sao cả, thiệt hại cuối cùng vẫn là ở doanh nghiệp.

Vấn đề khó khăn trong hoàn thuế không phải là vấn đề riêng của TP.HCM mà còn ở nhiều địa phương khác trên cả nước.

“Nợ” tiền doanh nghiệp: Bộ Tài chính không công bằng và sòng phẳng? - 2

Cán bộ thuế ngại trách nhiệm, sợ rủi ro

Một số nhận xét cho rằng, việc doanh nghiệp chậm nhận được tiền hoàn thuế là do chưa "bôi trơn", lại quả... Theo đánh giá của ông, tình trạng tham nhũng, tiêu cực trên thực tế thời gian qua đã giảm hay chưa, hay là ngày càng biến tướng sang những biểu hiện, hình thức khác tinh vi hơn?

Đúng là có việc phản ánh có tình trạng tham nhũng, tiêu cực trong quá trình hoàn thuế, điều này được phản ánh rõ qua kết quả điều tra doanh nghiệp về thuế mà VCCI tiến hành đầu năm nay.

Bên cạnh đó, việc chậm nhận được tiền hoàn thuế tôi cho rằng có thể còn có những lý do khác.

Một số Cục Thuế địa phương cho biết, việc quỹ hoàn thuế chưa có kịp thời khiến công tác hoàn thuế cho doanh nghiệp gặp khó khăn và đây không phải lỗi của các cơ quan thuế ở cơ sở. Hay những vụ việc lừa đảo chiếm đoạt tiền hoàn thuế quy mô lớn gần đây khiến các cơ quan nhà nước thận trọng hơn, thắt chặt và cẩn trọng quy trình.

Lý do khác là chất lượng quy định, chính sách chưa được đảm bảo khiến công tác hoàn thuế gặp khó khăn. Nhiều quy định chưa rõ, trách nhiệm của người ký hồ sơ hoàn thuế rất lớn, nên với những hồ sơ hoàn thuế có giá trị lớn nhiều lãnh đạo Cục Thuế và cán bộ thuế rất ngại trách nhiệm, sợ rủi ro nên hành xử thận trọng.

Trong cải cách hành chính, ngành thuế đang phấn đấu ngang bằng với ASEAN 4, ông đánh giá như thế nào về mục tiêu này? Việt Nam cần làm gì để đạt được mục tiêu trên?

Đây là mục tiêu mà Nghị quyết 19 năm 2015 về cải thiện môi trường kinh doanh quốc gia mà Chính phủ đã đặt ra, thời điểm đạt được là cuối năm 2016. Mốc thời gian này không còn dài.

Đặt ra mục tiêu cụ thể, so sánh được với các nước là cách tiếp cận phù hợp, Việt Nam không chỉ so sánh chính mình với trước đây mà còn phải so mình với thế giới, với các nước khác.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp kỳ vọng rằng, thành tích này không chỉ nằm ở con số giờ trong các báo cáo, trình bày tại các hội thảo mà cần chuyển tải ra thực tiễn rõ ràng hơn. Kết quả cải cách cuối cùng là điều mà các doanh nghiệp được hưởng thụ, có thể cảm nhận được rõ khi giải quyết thủ tục hành chính thuế trên thực tiễn.

Tại diễn đàn Quốc hội vừa qua, nhiều đại biểu cho rằng, đang có thực trạng "trên bảo dưới không nghe", tức là chính sách thì tốt nhưng thực thi chính sách lại chưa tốt, tình trạng quan liêu, nhũng nhiễu của bộ phận công chức nhỏ vẫn còn nhiều. Nguyên nhân theo ông xuất phát từ đâu? Có phải là do cơ chế trả lương còn thấp, quản lý bộ máy lỏng lẻo trong khi quy mô bộ máy lại cồng kềnh?

Đúng là thách thức lớn nhất trong quá trình cải cách thủ tục hành chính ở Việt Nam là thu hẹp khoảng cách giữa chính sách và thực tiễn, rút ngắn sự khác biệt giữa chỉ đạo của người đứng đầu và hành xử của công chức cụ thể.

Từ quan sát thực tiễn, tôi cho rằng để giải quyết điều này cần có một hệ thống chính sách tốt, một quy trình thủ tục vận hành minh bạch, đội ngũ cán bộ chuyên nghiệp và một hệ thống giám sát hiệu quả.

Muốn có hệ thống chính sách tốt thì cần đầu tư nhiều hơn vào quá trình ban hành chính sách, không để tồn tại tư duy cát cứ, cục bộ bộ ngành, tiện cho nhà nước mà phiền hà cho doanh nghiệp trong xây dựng chính sách.

Quy trình thủ tục tốt cần lấy sự tiện dụng của doanh nghiệp làm trung tâm, tăng cường áp dụng công nghệ thông tin và khuyến khích hệ thống hỗ trợ bên ngoài (sự vận hành hiệu quả của hệ thống đại lý thuế…)

Vấn đề con người thì ai cũng nói rồi, nó là trung tâm của trung tâm. Trong hệ thống chỉ số đánh giá về ngành thuế mà VCCI thực hiện và công bố vừa qua thì nhóm chỉ số về mức độ hỗ trợ của công chức thuế đang được đánh giá thấp nhất.

Tôi cho rằng muốn cải cách thành công bền vững thì thiết kế cơ chế để mỗi công chức ngành thuế không cần tham nhũng, không dám tham nhũng và không thể tham nhũng.

Hệ thống giám sát cũng rất quan trọng, đánh giá kịp thời được điều làm được, chưa làm được để ngành thuế điều chỉnh .

Xin cảm ơn ông!

Bích Diệp (thực hiện)

 

“Nợ” tiền doanh nghiệp: Bộ Tài chính không công bằng và sòng phẳng? - 3