1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Nở rộ dịch vụ "đi chợ giúp bạn" thời đại dịch covid

(Dân trí) - Dịch bệnh kéo dài, bà nội trợ ngại ra đường, các trang bán hàng online, các dịch vụ đi chợ giúp bạn bùng nổ đáp ứng nhu cầu của mọi gia đình.

Khi dịch bệnh Covid-19 ngày càng có nhiều diễn biến phức tạp, người tiêu dùng có xu hướng ít ra ngoài để mua sắm hơn.

Mua sắm online trở thành giải pháp tối ưu giúp đáp ứng nhu cầu hằng ngày của người tiêu dùng mà vẫn đảm bảo an toàn trong mùa dịch. Việc này cũng được UBND TPHCM kêu gọi trong tuần qua. 

Nở rộ dịch vụ đi chợ giúp bạn thời đại dịch covid - 1
Chỉ cần lên facebook, google search “đi chợ hộ bạn” sẽ ra hàng loạt website, fanpage cung cấp dịch vụ này

Nielsen và Infocus Mekong Mobile Panel phối hợp khảo sát tại TPHCM, Hà Nội và Đà Nẵng mới đây cho thấy hơn 50% giảm tần suất đến siêu thị và các cửa hàng tạp hóa. Tỷ lệ này đối với chợ truyền thống thậm chí lên đến hơn 60%.

Chị Thùy Trang (29 tuổi) ngụ Quận 3, TPHCM cho biết, trước đây cuối tuần chị thường đi siêu thị hoặc chợ để mua thức ăn cho gia đình cả tuần. Bây giờ, đến những chỗ đông người cảm thấy không yên tâm chút nào. Vì vậy, chị chuyển qua mua thực phẩm online, 2 ngày đặt hàng một lần, mỗi lần khoảng 500-700 ngàn.

Nhu cầu cao của các bà nội trợ cũng góp phần làm sôi động thị trường chợ... online.

Anh Chí nhân, chủ 1 vựa hải sản trước đây chỉ bán tại chỗ thì nay đã chuyển sáng bán online 100%. Anh cho biết, do gần chợ đầu mối nên ngoài hải sản anh nhận luôn dịch vụ đi chợ giúp khi khách có nhu cầu.

Anh Nhân trang bị cho nhân viên khẩu trang, đồ bảo hộ, nước rửa tay cẩn thận nên mỗi ngày gom đơn hàng cho nhân viên sáng sớm ra chợ mua để giao cho khách. "Tôi chỉ nhận giao đến cổng nhà, chung cư cho khách, không giao lên căn hộ để đảm bảo sức khỏe cho nhân viên”, anh Nhân nói.

Nở rộ dịch vụ đi chợ giúp bạn thời đại dịch covid - 2
Một tài khoản Facebook chuyên "đi chợ dùm".

Chỉ cần lên facebook, google search “đi chợ hộ bạn” sẽ ra hàng loạt website, fanpage cung cấp dịch vụ này. Các ông lớn trong ngành thực phẩm như Vinmart, Coop mart, Big C… cũng đẩy mạnh dịch vụ giao hàng tận nơi đồng thời tăng nguồn cung hơn 40% so với ngày thường.

Cụ thể, các đơn vị này sẽ đăng tải thông tin, giá cả các loại thực phẩm (bao gồm tươi sống, khô, đông lạnh không sơ chế hoặc có sơ chế, sản phẩm chế biến sẵn) trên website bán hàng.

Nếu có nhu cầu đặt hàng, người tiêu dùng sẽ ấn trực tiếp vào sản phẩm trên website, cho vào giỏ hàng. Người tiêu dùng cũng có thể đặt hàng qua app, nhắn tin qua tổng đài hay gọi điện trực tiếp, nhắn tin qua Facebook.

Sau khi nhận được đơn hàng, đơn vị, cá nhân cung cấp dịch vụ sẽ xác nhận bằng điện thoại, tin nhắn; gửi hóa đơn qua email để người tiêu dùng kiểm tra loại thực phẩm cũng như tổng chi phí phải trả. Đơn hàng thường sẽ được chốt vào khoảng 21 - 22h mỗi ngày. Đơn hàng sẽ được bắt đầu giao cho người tiêu dùng từ 8h sáng tới 18h ngày hôm sau tùy yêu cầu.

Chị Nguyên Hằng, nhân viên ngân hàng chuyên mua đồ online cho biết, điểm yếu của dịch vụ này là không tận mắt lựa chọn nên đâu đó có thể gặp những trường hợp không mong muốn như rau không được tươi, trái cây chưa chín đều…

Đồng thời, khi mua ít thì sẽ tốn phí ship khá cao và thường thì đơn hàng từ 200-300 ngàn trở lên mới được ship nên nhiều khi dù không có nhu cầu nhiều khách hàng vẫn phải mua thêm vài thứ linh tinh mới đủ số tiền được ship tận nhà.

"Tuy nhiên, tiết kiệm được thời gian, đảm bảo được sức khỏe trong thời gian này là lựa chọn hàng đầu của các gia đình và bà nội trợ. Nên tôi chọn đi chợ online, nhất là thời điểm mùa dịch bùng phát", chị Hằng nói.

Theo TikiNOW Smart Logistics, có những thời điểm ước tính sàn phát sinh 4.000-5.000 đơn hàng/phút, nhiều mặt hàng phải nhập kho liên tục. Các sản phẩm thiết yếu khác như thực phẩm, hàng tiêu dùng… đang nhận được sự quan tâm lớn.

Nở rộ dịch vụ đi chợ giúp bạn thời đại dịch covid - 3
Nhân viên giao hàng phải được đo thân nhiệt và rửa tay thường xuyên

Làm gì để đảm bảo an toàn giao hàng khi giao hàng là điều mà cả người giao và người nhận lúc này rất quan tâm.

Theo khảo sát, nhân viên làm việc tại các trung tâm vận hành, trung tâm trung chuyển và phân loại hàng hóa bắt buộc đo thân nhiệt trước và sau mỗi ca làm việc. Các dịch vụ giao hàng cũng buộc nhân viên sử dụng nước rửa tay diệt khuẩn thường xuyên trong suốt quá trình làm việc tại kho...

"Với nhân viên giao hàng, thường xuyên đi ra ngoài và tiếp xúc trực tiếp với khách hàng, bắt buộc mang khẩu trang. Điều này không chỉ giúp khách hàng an tâm khi nhận hàng mà còn bảo vệ sức khỏe của chính nhân viên giao nhận", bà Vũ Thị Nhật Linh, Phó TGĐ Quản lý một sàn thương mại khuyến cáo.

Quế Sơn