Nợ nần của WonderBuy: chờ toà quyết!
WonderBuy đã gặp khoảng 80 nhà phân phối và khách hàng để giải đáp những băn khoăn về vấn đề trả nợ. Các chủ nợ đã đề xuất nhiều cách thu hồi nợ nhưng ông Phan Thanh Hà, chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ công ty Hợp Nhất công bố: “Chờ phán quyết của toà”!
Công nhân: lấy hàng trừ lương
Công ty cổ phần Hợp Nhất (với thương hiệu WonderBuy) đã thực hiện những thủ tục tuyên bố phá sản theo pháp luật tại toà án hôm 24/5/2011. Nếu suôn sẻ, sau 90 ngày kể từ ngày nộp đơn sẽ có phán quyết cuối cùng của toà án về việc Hợp Nhất có được quyền phá sản hay không.
Trao đổi với báo chí, ông Hà tin rằng, hồ sơ phá sản sẽ được toà án giải quyết vì hiện nay WonderBuy không có khả năng thanh toán được các khoản nợ đến hạn khi chủ nợ có yêu cầu. Mặt khác, báo cáo kiểm toán được thực hiện xong trong khoảng thời gian mười ngày tới.
Các biện pháp phục hồi kinh doanh như: giảm diện tích kinh doanh, tiết kiệm chi phí bằng cách giảm nhân viên, mời các đối tác tham gia để có vốn kinh doanh công ty cũng thực hiện đầy đủ tuyên bố sẽ làm thủ tục phá sản… Ông Hà cho biết, theo quy định của luật Phá sản, ưu tiên đầu tiên phải giải quyết là các chế độ cho người lao động, kế tiếp là các khoản nợ có bảo đảm.
Trước khi tuyên bố phá sản, WonderBuy có 140 lao động đang làm việc. Theo ông Hà, công ty đã giải quyết các chế độ cho người lao động như tiền lương, trợ cấp thất nghiệp, bảo hiểm xã hội bằng hình thức trả sản phẩm hiện có hoặc những thiết bị làm việc đang được sử dụng trong siêu thị.
Sau khi tuyên bố với người lao động về quyết định phá sản của công ty, ông Hà thẳng thắn nói với người lao động là sẽ không đủ tiền mặt để trả cho người lao động. Do vậy, tuỳ theo khoản tiền mà người lao động đáng lẽ được nhận sẽ được quy đổi sang sản phẩm theo yêu cầu của chính người lao động.
Một nhân viên bán hàng nói: “Chúng tôi làm công ăn lương nên cần tiền, nhưng tình hình của công ty đang gặp nhiều khó khăn nên phải chấp nhận hình thức đó. Mà có muốn lấy tiền, công ty cũng không còn tiền để trả”.
Được biết, đến nay WonderBuy vẫn còn bốn nhân viên đang làm việc. Họ thuộc nhóm bảo hành, đang chờ trả hàng bảo hành cho khách hàng. Ông Huỳnh Văn Sang, một trong bốn nhân viên này cho biết, họ đã được trả lương (bằng tiền mặt) cho đến hết ngày 13/6/2011. Những ngày còn lại, “làm ngày nào sẽ được trả lương ngày đó”, ông Sang nói thêm.
Chủ nợ: chờ toà quyết!
Theo công bố của ông Hà, hiện nay WonderBuy còn nợ khoảng 20 tỉ đồng hàng hoá của các nhà phân phối, ước chừng 2 tỉ đồng của các khách hàng tham gia chương trình khuyến mãi Susu (chưa đến thời hạn phải thanh toán). Theo tìm hiểu riêng của phóng viên, WonderBuy còn nợ khoản tiền quảng cáo trên các báo và các chương trình tiếp thị khác khoảng 1 tỉ đồng.
Nhưng vấn đề làm “đau đầu” ban giám đốc WonderBuy chính là cách giải quyết công nợ cho các nhà phân phối cung cấp hàng hoá. Nếu tính toán đầy đủ theo sổ sách, hiện WonderBuy còn khoảng 15 tỉ đồng, gồm từ nguồn hàng tồn 3,2 tỉ đồng, 5 tỉ đồng khấu trừ thuế VAT, 6,8 tỉ đồng tiền đặt cọc mặt bằng.
Như vậy, cân đối với số tiền mà Wonderbuy đang nợ các nhà cung cấp là 20 tỉ đồng thì số nợ còn lại không phải quá lớn nhưng hiện nay, theo lời ông Hà, dù đã có ý định bán 12 tỉ đồng cổ phần và vay ngân hàng nhưng cả hai giải pháp trên đều thất bại.
Tại buổi gặp mặt hôm 13/6, nhiều nhà phân phối đề nghị được lấy lại hàng tồn (do họ phân phối) trong kho của WonderBuy để trừ dần vào số nợ hiện có. Có nhà phân phối đề nghị nên thanh toán trước cho những khoản nợ có giá trị thấp, chừng vài chục triệu đồng…
Trước những ý kiến trên, ông Hà cho rằng, khi doanh nghiệp đã nộp hồ sơ ra toà xin phá sản, phần phân chia công nợ cho các chủ nợ do toà giải quyết sẽ “hợp lý và công bằng”. “Để chứng minh đầy đủ tính hợp pháp của công nợ, nhà cung cấp phải đối chiếu công nợ với công ty để hợp pháp các thủ tục khi nộp hồ sơ lên toà án để giải quyết vấn đề công nợ. Các chủ nợ có thể uỷ quyền cho các pháp nhân khác, như công ty thu hồi nợ để giải quyết vấn đề nợ hiện nay với công ty”.
Theo Gia Vinh
SGTT