1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Nỗ lực thoái nợ, đại gia tìm chốn yên thân

Thời điểm này, nhiều doanh nhân đã tự tin hơn về triển vọng của DN mình. “Bóng ma” phá sản ám ảnh giới đầu tư cũng dần biến mất. Sự may mắn và tầm nhìn dài hạn đã giúp không ít doanh nhân tránh bờ vực thẳm.

Thoát khỏi vùng nguy hiểm

 

Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông lấy ý kiến bằng văn bản của Hoàng Anh Gia Lai - HAGL (HAG) công bố hôm 9/10 cho biết, cổ đông DN đã thông qua việc trả cổ tức năm 2012 với 5% bằng tiền mặt (tương đương 500 đồng/cp). Việc chi trả được thực hiện trong quý IV/2013.

 

Với gần 720 triệu cổ phiếu đang niêm yết, tổng số tiền HAG bỏ ra trả cổ tức lên tới 360 tỷ đồng - ngang quy mô DN tầm trung - cao trên TTCK. Một tin vui đối với các cổ đông của HAG - vốn đã lâu không được trả cổ tức bằng tiền mặt; cũng chứng tỏ tình hình tài chính của HAG không còn quá chênh vênh và ở tâm bão như trước.

 

Đó là thời điểm cuối 2012, giới đầu tư khá lo ngại với con số chục nghìn tỷ nợ nần của HAGL - con đẻ của ông trùm BĐS, cao su Đoàn Nguyên Đức, hay "bầu Đức". Khi đấy, vốn chủ sở hữu của HAG ở mức gần 9.800 tỷ đồng song vay nợ cao hơn nhiều lần. Tới cuối quý II/2013, vốn chủ sở hữu của HAG đã tăng vọt lên gần 12.700 tỷ đồng, và nợ cũng giảm đáng kể.

 

Sóng gió khủng hoảng đã qua với bầu Đức?
Sóng gió khủng hoảng đã qua với bầu Đức?

 

Những tin xấu dồn dập liên quan tới gánh nặng nặng nợ, chậm thuế, vụ Global Witness... xa dần. Thay vào đó, HAGL đón khá nhiều tin tốt liên quan tới tình trạng sức khỏe tài chính của DN, sự thành công trong bóng đá (U19) của bầu Đức, kết quả tốt đẹp khi tăng vốn, phát hành trái phiếu cũng như hàng loạt các vụ thoái vốn khỏi lĩnh vực thủy điện...

 

Chưa biết kết quả tái cấu trúc của HAGL sẽ ra sao, tập đoàn hồi phục và phát triển lên mức nào nhưng rõ ràng, DN của ông chủ Học viện Bóng đá HAGL Arsenal đã vượt qua thời điểm bão tố nhất. Doanh thu của HAG đang được cải thiện, lợi nhuận tăng mạnh so với cùng kỳ và kế hoạch 1.100 tỷ đồng của năm 2013 nhiều khả năng sẽ đạt được.

 

Khá tích cực giống HAGL, Ô tô Trường Hải vừa ghi nhận kết quả kinh doanh ấn tượng với lợi nhuận ròng quỹ quý II/2013 đạt 257,2 tỷ đồng, tăng gấp 5 so với cùng kỳ, cao hơn lợi nhuận cả năm 2012 (240 tỷ đồng). Một thông tin tốt lành sau khi Trường Hải phải vật lộn với khó khăn và phải xin gia hạn 1.200 tỷ đồng tiền thuế nhập khẩu.

 

Sự phục hồi về doanh thu và lợi nhuận của HAGL, Trường Hải gần đây đang rấy lên hy vọng về sự hồi phục, giống như hàng loạt các DN khác đang nỗ lực tái cấu trúc, rút chân khỏi bờ vực khủng hoảng và ổn định sản xuất kinh doanh như VCG, HQC, SCR, ITC, LCG, VID, ITA...

 

May mắn hay sự thức tỉnh

 

Khó khăn mà rất nhiều DN Việt vấp phải trong khoảng 2 năm gần đây, cũng là lý do khiến không ít công ty phải đóng cửa, phá sản chính là tình trạng mất thanh khoản, dòng tiền eo hẹp, nợ nần chồng chất trong khi không thể xoay được tiền mặt để duy trì hoạt động.

 

Với HAG, bầu Đức luôn duy trì một lượng tiền mặt vài nghìn tỷ để đảm bảo hoạt động. Trên thực tế, đây luôn được coi là một trong DN có lượng tiền mặt dồi dào nhất sàn. Song, con số 2.000-3.000 tỷ đồng tiền mặt của HAG lại trở nên nhỏ bé so với khối nợ nần hàng chục nghìn tỷ đồng đã được dùng cho rất nhiều dự án lớn.

 

Với VCG, HQC, SCR... cũng vậy, các DN này cũng gánh những khoản nợ khổng lồ do đầu tư quá dàn trải.

 

Có điểm chung đang diễn ra ở rất nhiều DN là hoạt động thoái vốn khỏi nhiều dự án, thu gọn hoạt động, tập trung vào lĩnh vực then chốt, có thể mạnh. Gần đây, bầu Đức đã bán hàng loạt dự án thủy điện và rút dần ra khỏi BĐS.

 

Tương tự, Vinaconex đã bán thành công rất nhiều khoản vốn góp vào các dự án, như 51% vốn XMC, 5% VCS, Park City; VCN,VC3, VC6, và đang thoái vốn tại Splendora, Xi măng Cẩm Phả...

 

Địa ốc Hoàng Quân (HQC) trong tháng 7 đã kịp cải thiện tình hình nợ/vốn thông qua vụ phát hành riêng lẻ 18 triệu cổ phiếu, thu về 180 tỷ đồng. Rất nhiều DN khác đã hoặc lên kế hoạch tăng vốn để củng cố lại sức khỏe tài chính, tìm dòng tiền hay rút khỏi đa ngành để phục hồi DN, mà SD5, QCG, NBB, Mai Linh, THV, GMD, HSG, SAM... là những ví dụ cụ thể.

 

Có thể thấy, thời gian gần đây, nhiều ông chủ DN đã nhận thấy sự nguy hiểm của cái bẫy tăng trưởng nóng. Họ đang tìm mọi cách đưa công ty trở về mô hình phát triển bền vững hơn. Trong số khá nhiều DN có dấu hiệu thoát khỏi vùng nguy hiểm thì không ít nơi vẫn bế tắc, tương lai u ám như trường hợp Thái Hòa, Sông Đà Thăng Long... Dường như có ông chủ vẫn trông mong vào sự may mắn và phép thần kỳ nào đó.

 

Theo Huấn Tú

VEF

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm