Bình Định:
Nợ “đầm đìa” Đường Bình Định hứa trả lương tháng 3 cho công nhân
(Dân trí) - Trong vòng vây nợ nần, Giám đốc Cty CP Đường Bình Định (Bisuco) vừa có văn bản hứa sẽ trả lương tháng 3 cho công nhân vào ngày 25/4 để giảm bớt căng thẳng với người lao động.
Theo số liệu do chính Bisuco đính kèm văn bản xin kéo dài hoạt động đến hết niên vụ 2017 - 2018, tổng số nợ của doanh nghiệp hiện lên tới 70 tỷ đồng. Trong đó, nợ nông dân 46,6 tỷ đồng; nợ thuế 8,2 tỷ đồng; nợ lương người lao động 4 tỷ đồng; nợ Bảo hiểm xã hội 3,5 tỷ đồng; nợ thủy lợi phí 4,1 tỷ đồng; nợ vật tư và các khoản khác 5,2 tỷ đồng. Ngoài ra, doanh nghiệp còn tồn kho 4.000 tấn đường.
Đặc biệt, sau lệnh “cấm” hoạt động từ chính quyền Bình Định do chưa đảm bảo những tồn tại về môi trường, Cty CP Đường Bình Định còn chịu nhiều áp lực từ chủ nợ, cũng như nông dân bán mía cho nhà máy.
Qua tìm hiểu, những ngày này, rất đông chủ nợ là nông dân trực tiếp bán mía hoặc các đại lý cung ứng nguyên liệu ở huyện Tây Sơn (Bình Định) và thị xã An Khê (Gia Lai) đến chực chờ tại cổng nhà máy đặt tại xã Tây Giang (huyện Tây Sơn, Bình Định) gây sức ép đòi nợ. Nhiều chủ nợ, cực chẳng đã đành chấp nhận lấy đường trừ nợ.
Ông Trần Văn Vân (43 tuổi, ở xã Thành An, thị xã An Khê, Gia Lai), làm ăn với Bisuco mấy năm nay, dù đã lấy đường trừ nợ nhưng vẫn còn bị Bisuco nợ cả trăm triệu đồng. Theo ông Vân, nhà ông có 10 ha đất trồng mía, vụ nào được mùa, sản lượng mía thu hoạch đạt cả 1.000 tấn mía cây. Từ tháng Chạp năm trước đến nay, ông Vân đã bán cho Bisuco tổng cộng hơn 400 tấn mía, với tổng số tiền hơn 400 triệu đồng. Tuy nhiên, Bisuco mới thanh toán được 100 triệu đồng, còn 300 triệu đồng đến nay chưa trả.
“Tôi đành lấy đường để trừ nợ nhưng không biết thủ tục liên hệ làm việc với nhà máy để lấy đường nên đành giao hết cho đại lý làm giúp. Nhà máy “cấn” đường cho tôi là 10.800 đồng/kg, nhưng đại lý thu mua có 10.300 đồng/kg, tính ra cứ 100 triệu tôi mất thêm 5 triệu đồng. Đã vậy còn chưa trừ được hết nợ, hiện Bisuco vẫn còn nợ tôi 100 triệu đồng”, ông Vân cho hay.
Trong khi đó, từ ngày 9/4, khi Cty bị buộc tạm dừng hoạt động thì phần lớn trong số 301 lao động hiện hữu rơi vào tình cảnh bị đánh mất công ăn việc làm.
Ngày 14/4, một tập hợp kiến nghị của công nhân lao động liên quan đến việc nợ lương, nợ bảo hiểm xã hội, nợ các chế độ chính sách khác được công đoàn cơ sở (CĐCS) Cty CP Đường Bình Định gửi lên lãnh đạo.
Ngày 16/4, Giám đốc người Ấn Độ Bhogavilli Anantha Sreenivasa Rao và đại diện Ban Chấp hành CĐCS đã có một thông báo được phát ra.
Theo đó, trong thời gian nghỉ việc chờ Cty xử lý môi trường, người lao động được hưởng 55% lương theo hợp đồng lao động; lương tháng 3/2018, Cty sẽ chi trả vào ngày 25/4.
Về tiền bảo hiểm các loại, ngoài 781,5 triệu đồng đã nộp trong các tháng 3 và 4/2018, Cty sẽ sử dụng toàn bộ tiền bán mật rỉ (khoảng 2,6 tỷ đồng) trả nợ cho BHXH huyện Tây Sơn. Phần còn lại sẽ trả bằng tiền bán đường và bã mía. Thời gian thực hiện trong tháng 4 và tháng 5/2018.
Về các khoản khác của người lao động như tiền sữa, tiền thêm giờ, tiền chuyển bình, thông ống... ông Rao cam kết cũng sẽ được chi trả trong khoảng thời gian trên.
Tại buổi đối thoại, Giám đốc BISUCO hứa sẽ cố gắng đưa nhà máy hoạt động trở lại, trả hết nợ cho nông dân, cho người lao động. Đồng thời, kêu gọi tập thể công nhân bình tĩnh, chia sẻ khó khăn với Cty.
Cho đến cuối giờ chiều hôm nay (17/4), theo CĐCS Bisuco, người lao động vẫn chưa có ý kiến gì về nội dung thông báo nói trên.
Doãn Công