1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Nợ của Vinalines tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam sẽ được cơ cấu lại

(Dân trí) - Chính phủ đã thống nhất với đề xuất của Bộ Tài chính về giải pháp tái cơ cấu các khoản nợ của các công ty thành viên của Vinalines tại VDB, song yêu cầu các doanh nghiệp sau khi được cơ cấu nợ phải có khả năng phục hồi sản xuất kinh doanh.

Tình hình cân đối tài chính của Vinalines được đánh giá là khó khăn
Tình hình cân đối tài chính của Vinalines được đánh giá là khó khăn

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết phiên họp thường kỳ tháng 12/2015. Tại bản Nghị quyết này, Chính phủ thống nhất với đề xuất của Bộ Tài chính về giải pháp tái cơ cấu các khoản nợ của các công ty thành viên của Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB), bảo đảm tuân thủ các quy định pháp luật hiện hành.

Tuy nhiên, Chính phủ cũng yêu cầu, các doanh nghiệp sau khi được cơ cấu nợ phải có khả năng phục hồi sản xuất kinh doanh.

Theo yêu cầu của Chính phủ, Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải và các cơ quan liên quan dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về giải pháp tái cơ cấu các khoản nợ của các công ty thành viên của Vinalines. Trên cơ sở đó, hướng dẫn Ngân hàng Phát triển Việt Nam thực hiện giải pháp tái cơ cấu các khoản nợ.

Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo Vinalines và các công ty thành viên xây dựng phương án tổng thể về chiến lược, kế hoạch phát triển sản xuất kinh doanh và tính khả thi của phương án tái cơ cấu nợ tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất 6 tháng đầu năm 2015 được Vinalines công bố, tính đến 30/6, tuy nợ phải trả giảm hơn 14.700 tỷ đồng song hệ số nợ phải trả trên tổng tài sản vẫn ở mức cao. Theo đó nợ phải trả gấp 1,14 lần tổng tài sản.

Vay ngắn hạn ngân hàng tại thời điểm 30/6 của Vinalines gần 2.340 tỷ đồng, vay dài hạn ngân hàng là 22.677 tỷ đồng.

Trong khi đó, chỉ sau nửa năm, tổng tài sản của Vinalines đã sụt giảm tới 12.385,7 tỷ đồng, tương ứng “bốc hơi” 21%. Thời điểm 30/6/2015, tổng tài sản của Vinalines đạt 46.566 tỷ đồng.

Trước đó, Kiểm toán Nhà nước cho biết, tình hình tài chính của Vinalines còn một số khó khăn do bảo lãnh cho các đơn vị nhận bàn giao từ Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin) và các đơn vị thành viên vay số tiền hơn 6.204 tỷ đồng, 151,8 triệu USD và 69,2 triệu EUR. Thực trạng tài chính của các đơn vị được bảo lãnh yếu kém và khó có khả năng thanh toán.

Bích Diệp

 

Nợ của Vinalines tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam sẽ được cơ cấu lại - 2

 

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm