1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Nợ công sẽ chạm ngưỡng 64% GDP vào cuối năm 2015

(Dân trí) - Theo Bộ Tài chính, kinh tế thế giới hiện trong bối cảnh tăng trưởng chậm và nợ công đang là mối quan tâm lớn của nhiều quốc gia trên thế giới. Việc đảm bảo tính bền vững, lường trước và quản lý các rủi ro nợ công là những thách thức của tất cả các quốc gia.

Bộ Tài chính dự kiến nợ công đến cuối năm 2015 sẽ ở mức 2.869 nghìn tỷ đồng, bằng 64% GDP.
Bộ Tài chính dự kiến nợ công đến cuối năm 2015 sẽ ở mức 2.869 nghìn tỷ đồng, bằng 64% GDP.

Thông tin từ Bộ Tài chính cho biết, Quốc hội đã có Nghị quyết số 10/2011/QH13 quy định trần nợ công đến năm 2015 không quá 65% GDP. Chính phủ đã ban hành Chiến lược quản lý nợ công giai đoạn 2011- 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, trong đó quy định nợ công đến năm 2020 không quá 65% GDP và nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ không quá 25% tổng thu ngân sách Nhà nước hàng năm.

Về nguyên nhân nợ công tăng nhanh trong giai đoạn vừa qua được Bộ Tài chính lý giải là do trong giai đoạn 2011- 2015, kế hoạch phát hành trái phiếu Chính phủ là 335 nghìn tỷ đồng, gấp hơn 2,5 lần giai đoạn 2006- 2010 (đã phát hành 250 nghìn tỷ đồng và năm 2015 sẽ phát hành thêm 85 nghìn tỷ đồng).
Đồng thời, một nguyên nhân khác nữa là do Chính phủ đang đẩy mạnh giải ngân vốn ODA, vốn vay ưu đãi và bảo lãnh vay để đầu tư phát triển, xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội quan trọng, thiết yếu. 

Số liệu cụ thể cho thấy, tính đến cuối năm 2013, dư nợ công bằng 54,2% GDP và ước tính đến cuối năm 2014, dư nợ công khoảng 60,3% GDP, vẫn trong giới hạn Quốc hội cho phép (nợ công không quá 65% GDP).

Theo lý giải từ Bộ Tài chính, từ năm 2008, cả thế giới đối mặt với khủng hoảng kinh tế tài chính và suy thoái. Trong điều kiện nền kinh tế khó khăn, tăng trưởng kinh tế chậm lại, cân đối ngân sách cùng lúc phải sắp xếp để thực hiện các Nghị quyết Đại hội Đảng XI, nhiều Nghị quyết Trung ương và Quốc hội đặc biệt là phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, chuyển đổi cơ cấu kinh tế... dẫn đến vay nợ của Chính phủ bắt đầu tăng từ năm 2009.

"Các khó khăn của nền kinh tế toàn cầu và Việt Nam tiếp tục kéo dài kể từ năm 2010 đến nay, Chính phủ phải huy động một nguồn lực lớn thông qua phát hành bổ sung trái phiếu Chính phủ cho đầu tư phát triển. Bên cạnh đó, đồng Việt Nam trong giai đoạn 2009 – 2011 bị mất giá, bội chi ngân sách nhà nước tăng, cùng với việc đẩy nhanh giải ngân ODA đã làm cho dư nợ công tăng nhanh (2011 ở mức 50,0%GDP; 2012 ở mức 50,8%GDP;  2013 ở mức 54,2% GDP và năm 2014 ở mức 60,3% GDP)", theo Bộ Tài chính.

Với các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô và dự toán ngân sách nhà nước năm 2015 vừa được Quốc hội thông qua, Bộ Tài chính dự kiến nợ công đến cuối năm 2015 sẽ ở mức 2.869 nghìn tỷ đồng, bằng 64% GDP, vẫn trong giới hạn Quốc hội cho phép (nợ công không quá 65% GDP).

Trong tuần trước, trả lời chất vấn trước Quốc hội về nợ công, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, điều quan trọng nhất của nợ công chính là khả năng vay và trả nợ như thế nào và hiệu quả khoản vay rất quan trọng chứ không phải chỉ đơn thuần ở vào tỷ lệ nợ công. 
“Trong thời gian qua do nhu cầu phát triển, đặc biệt là phát triển hạ tầng, chúng ta đã có mức tăng tỷ lệ nợ công cao hơn tăng tỷ lệ GDP, đến nay tỷ lệ nợ công ở mức 62% GDP và giới hạn mà Quốc hội cho phép là 65% GDP. Cho nên, trong điều kiện kinh tế chưa phục hồi một chủ trương lớn đặt ra đó là Chính phủ rất thận trọng trong việc mở rộng các khoản này. Chính vì vậy Thủ tướng Chính phủ đã ký Chỉ thị số 02 vừa qua với một số biện pháp để đảm bảo nợ công”, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc báo cáo trước Quốc hội.
Theo Phó Thủ tướng, Chỉ thị 02/CT-TTg với nhiều giải pháp như tăng cường quản lý chi tiêu công, nhất là các khoản vay mới gắn với dự án cụ thể, cơ cấu lại nợ công theo hướng tăng vay dài hạn, giảm áp lực trong ngắn hạn, tăng vay trong nước, giảm nợ nước ngoài, vay ODA ngoài nước với lãi suất thấp…
Đồng thời, quản lý chặt chẽ các khoản vay có bảo lãnh của Chính phủ, tăng dần tỷ lệ cho vay lại, giảm dần tỷ lệ cấp phát và đặc biệt là thu đủ nợ. “Điều rất lớn, rất quan trọng là Chính phủ tiếp tục duy trì, ổn định kinh tế vĩ mô, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đây là căn cơ nhất. Vì có tăng trưởng tốt thì mới có khả năng trả nợ và tăng thu ngân sách, môi trường đầu tư tốt, sản xuất kinh doanh có hiệu quả tạo nên môi trường đầu tư tốt, hệ số tín dụng cao thì vay mới dễ được. Cho nên, những giải pháp như vậy trước mắt sẽ tạo ra điều kiện tốt để chúng ta kìm chế nợ công”, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.
 Phương Dung 
 

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm