Phó Thủ tướng: Nợ công 62%, gần đụng giới hạn cho phép

(Dân trí) - Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho hay, tỷ lệ nợ công đang tăng cao hơn tốc độ tăng GDP và hiện nay đã đến 62% GDP, gần đụng giới hạn Quốc hội cho phép là 65% GDP.

Nợ công đang tăng nhanh hơn tốc độ tăng trưởng GDP.
Nợ công đang tăng nhanh hơn tốc độ tăng trưởng GDP.

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:

* 13 sự thật khó tin về Arab Saudi

* 20 tỉ USD nhập siêu từ Trung Quốc: Sự thật và ẩn số

* 100 nghìn tỷ đô la không mua được vé xe bus

* Báo động tình trạng “xỏ mũi” người tiêu dùng qua truyền hình

* Euro giảm giá vì vấn đề Hy Lạp

* IMF: “Nếu cải cách tốt, Việt Nam sẽ có một tương lai xán lạn”

Trong phiên chất vấn sáng 13/6, đề cập tới vấn đề nợ công, Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TPHCM) cho biết, Thủ tướng đã có giải trình chi tiết về nợ công nhưng cử tri vẫn hết sức lo lắng về an toàn nợ công còn đại biểu Quốc hội thì thậm chí “lo âu, lo ngại, lo quá đi". 

“Chính phủ nói nợ công tăng cao, tăng nhanh nhưng vẫn nằm trong giới hạn an toàn. Tuy nhiên, người dân vẫn lo lắng. Tại sao lại có độ vênh trong nhận thức về đánh giá nợ công giữa người dân và Chính phủ? Chính phủ đã và đang triển khai giải pháp gì để đem lại sự an toàn, sự an dân trong vấn đề an toàn nợ công?”, ông Ngân đặt vấn đề. 

Trả lời câu hỏi của Đại biểu Ngân, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho hay, tỷ lệ nợ công đang tăng cao hơn tốc độ tăng GDP và hiện nay đã đến 62% GDP, gần đụng giới hạn Quốc hội cho phép là 65% GDP. Do đó, Chính phủ cũng rất thận trọng trong việc mở rộng quy mô nợ công. 

Tuy nhiên, theo Phó Thủ tướng, điều quan trọng là đánh giá khả năng vay và trả nợ như thế nào chứ không nên chỉ nhìn vào khoản vay. Phó Thủ tướng dẫn chứng như tại Nhật Bản, tỷ lệ nợ công còn lên tới 300%, cao hơn nhiều so với Việt Nam. 

Phó Thủ tướng cũng cho biết, nhằm kiểm soát nợ công, Chính phủ sẽ tăng cường quản lý chi tiêu công; cơ cấu lại nợ công, tăng vay trong nước, giảm vay nước ngoài, vay ODA lãi suất thấp, tăng vay dài hạn, giảm vay ngắn hạn, tăng dần tỷ lệ cho vay lại, giảm dần tỷ lệ thất thoát. Đồng thời, tiếp tục duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, môi trường đầu tư kinh doanh tốt để kích thích sản xuất. 

Trong khuôn khổ kỳ họp thứ 9 Quốc hội khoá XIII đang diễn ra, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã có báo cáo gửi Quốc hội về tình hình nợ công. Dữ liệu do Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cung cấp cũng cho thấy, nợ công tăng nhanh, từ 51,7% GDP năm 2010 lên ước khoảng 59,6% GDP vào cuối năm 2014.

Bộ trưởng Dũng cũng thẳng thắn chỉ ra những tồn tại tạo nên gánh nặng nợ công như: Chưa giải quyết dứt điểm tình trạng một số chủ đầu tư được Chính phủ bảo lãnh thực hiện đúng quy định bố trí đủ mức vốn chủ sở hữu tối thiểu bằng 20% tổng vốn đầu tư. Ngoài ra, tình trạng điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư so với phê duyệt ban đầu, điều chỉnh các hợp đồng diễn ra khá phổ biến.

Phát biểu tại buổi họp báo diễn ra tuần trước, một lãnh đạo từ Bộ Tài chính, ông Hoàng Hải - Phó Cục trưởng Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại cũng cho hay, theo ước tính của Bộ Tài chính, nợ công hiện vào khoảng hơn 2,3 triệu tỷ đồng, tương đương 59,6% GDP.  

Tuy nhiên, ông Hải nhấn mạnh đây chỉ là con số ước tính. Dự kiến tháng 8 tới, Bộ Tài chính sẽ phải trình Chính phủ chính xác số liệu nợ công và nợ quốc gia trên cơ sở đã kiểm chứng, đặc biệt là số liệu nợ vay nước ngoài và nợ có bảo lãnh của Chính phủ, nợ của chính quyền địa phương. 

Theo ông Hải, Việt Nam hiện đang là nước có mức thu nhập trung bình. Dự kiến tới năm 2017, Việt Nam sẽ phải tiếp cận các khoản vay kém ưu đãi hơn từ thế giới trong bối cảnh vay trong nước ngày càng khó khăn. Do đó, Bộ Tài chính cũng đang xây dựng chương trình tiếp cận trái phiếu quốc tế sau khi huy động thành công 1 tỷ USD trái phiếu quốc tế vào năm ngoái.

 Phương Dung

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”