1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Nợ công đã chạm trần

(Dân trí) - Tỷ lệ nợ công vẫn ở dưới mức cho phép nhưng đã chạm mức trần. Uỷ ban Tài chính - Ngân sách cho hay, điều này phản ánh tình hình nợ công đang ở mức rất khó khăn.

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:

* Ủy ban Tài chính Ngân sách: Nợ công đã chạm trần!

* Sân bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất tệ nhất châu Á: Đánh giá thiếu khách quan?

* Thủ tướng Nhật bối rối vì hai nữ bộ trưởng cùng từ chức

* 12 quan chức Bộ Tài chính nộp lại quà tặng

* Cửa hàng siêu dẹt, giá siêu đắt chỉ có ở Việt Nam

* Trung Quốc không hứa, nhưng thống nhất không mở rộng hiện trạng trên biển Đông

Báo cáo trước Quốc hội trong phiên khai mạc sáng 20/10, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cho biết: Nợ công tăng nhanh. Tỷ lệ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với tổng thu ngân sách năm 2014 khoảng 14,2% (theo quy định của Chiến lược nợ công là không quá 25%) nhưng nếu tính cả vay để đảo nợ và trả nợ vay về cho vay lại thì khoảng 26,2%.

Theo đó, một trong những nhiệm vụ của thời gian tới, theo Thủ tướng là tăng cường quản lý ngân sách nhà nước; tập trung chống thất thu, nợ đọng thuế, chuyển giá; triệt để tiết kiệm chi ngân sách, không tăng chi thường xuyên ngoài lương; bảo đảm bội chi theo kế hoạch. Kiểm soát chặt chẽ, nâng cao hiệu quả sử dụng và bảo đảm nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia trong giới hạn an toàn theo quy định.

Còn tại báo cáo về tình hình thu chi ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2014 và kế hoạch 2015, trong phiên họp chiều 20/10, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết: Chính phủ đề nghị Quốc hội cho giữ mức bội chi ngân sách nhà nước năm 2014 bằng 5,3% GDP (tương đương 224 nghìn tỷ đồng) để có thêm nguồn thanh toán nợ ngân sách nhà nước.

Do năm 2015, nhu cầu tăng chi lớn để trả các khoản nợ ngắn hạn, đáp ứng các nhiệm vụ quốc phòng, an ninh trong tình hình mới…, nên Chính phủ đề nghị mức bội chi ngân sách nhà nước là 5% GDP. Khi đó, dư nợ công năm 2015 sẽ vào khoảng 64,5% GDP trong phạm vi quy định.

Nợ công đã chạm trần.
Nợ công đã chạm trần.

Theo đồng hồ nợ công toàn cầu do Tạp chí The Economist công bố, tính đến thời điểm 9h30 sáng 1/10/2014, tổng nợ công của Việt Nam xấp xỉ 84,32 tỷ USD, chiếm 47,3% GDP, tăng 10,6% so với cùng kỳ. Và với dân số 90,96 triệu người, mỗi người dân Việt Nam hiện đang phải “gánh” 930,43 USD nợ công.

Chiếu theo số liệu này, sau 1 năm, nợ công trên đầu người của Việt Nam đã tăng thêm 83,77 USD (gần 1,8 triệu đồng), tăng xấp xỉ 9,9%.

Đánh giá về vấn đề nợ công, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển cho rằng, nếu cộng với 85 nghìn tỷ đồng trái phiếu Chính phủ thì mức bội chi đã là 7% GDP, có nghĩa không hoàn thành chỉ tiêu phát triển kinh tế, xã hội 5 năm đã được Quốc hội quyết định (4,5% GDP). Do đó, Uỷ ban Tài chính Ngân sách đề nghị Chính phủ cần có lộ trình giảm bội chi, đảm bảo an ninh tài chính quốc gia.

Tương tự đối với vấn đề nợ công, theo báo cáo của Chính phủ năm 2015 ước đạt 64,5% GDP, dưới trần nợ công mà QH cho phép là 65%GPD.

“Tỷ lệ nợ công vẫn ở dưới mức cho phép nhưng đã chạm mức trần. Điều này phản ánh tình hình nợ công đang ở mức rất khó khăn vì nghĩa vụ trả nợ so với tổng thu ngân sách Nhà nước vẫn ở mức cao, vẫn phải đảo nợ và số đảo nợ ngày càng tăng. Một số khoản nợ chưa được phản ánh đầy đủ vào nợ công, như vậy áp lực trả nợ đến ngân sách Nhà nước rất lớn”, ông Hiển đánh giá.

Đối với việc tăng lương tối thiểu, ông Hiển cho hay, một số ý kiến trong Ủy ban TCNS đề nghị bố trí nguồn để tăng lương theo lộ trình đảm bảo đời sống cho người về hưu và cán bộ công chức có thu nhập thấp. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng trong bối cảnh NSNN còn khó khăn, bộ máy còn cồng kềnh, năng suất lao động còn thấp nên cần phải cân nhắc.

Uỷ ban TCNS cũng đề nghị, năm 2015 Chính phủ cần tăng cường quản lý không để xảy ra tình trạng phụ thu, lạm bổ vốn đã xảy ra ở một số địa phương. Đồng thời, tiết kiệm, cắt giảm các khoản chi không cần thiết, trong đó không bố trí kinh phí cho mua sắm trang thiết bị đắt tiền; giảm mạnh chi cho khánh tiết, hội nghị, hội thảo, chi cho khởi công, khánh thành các công trình.

Còn về bội chi ngân sách, đa số các ý kiến trong Ủy ban TCNS cho rằng, trong điều kiện nguồn tăng thu NSNN được xử lý như trên nên đề nghị Quốc hội giữ mức bội chi NSNN ở mức 5,3% GDP. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng tăng thu mà không giảm bội chi là không hợp lý, đề nghị dùng nguồn tăng thu để trả nợ, giảm bội chi.

Nguyễn Hiền
 

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm