Nợ công chạm ngưỡng nguy hiểm

Theo thông lệ quốc tế, trần trả nợ công được giới hạn là 25% thu ngân sách nhưng tỉ lệ này của Việt Nam đang là 25,9% và dự kiến lên mức 31,9% năm 2015.

Số liệu mới nhất của Chính phủ cho thấy nợ công tính đến hết năm 2014 dự kiến lên đến mức 60,3% GDP và đến cuối năm 2015 đạt mức 64% GDP.

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:
* Samsung rót vốn vào Vũng Áng
* Mất thêm gần 5 điểm, mốc 600 của VN-Index lung lay
* TPHCM: Tạm giữ hơn 900 thùng trái cây không rõ nguồn gốc
* Sở hữu chéo vẫn “làm méo” ngân hàng
* Ngân hàng nhỏ đang “khát” vốn?
* Mở rộng "bản đồ" các quốc gia mới nổi

 

Vẫn an toàn hay báo động?

 

Tại báo cáo của Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội (QH) đầu tháng 10, Chính phủ cho biết mức nợ nói trên được tính toán trên cơ sở bội chi ngân sách nhà nước không vượt chỉ tiêu QH giao là 5,3% và chưa tính hết các khoản nợ của ngân sách. Nếu tính đủ các khoản nợ như quỹ hoàn thuế, nợ cấp bù chênh lệch cho bảo hiểm xã hội… thì nợ công đã chạm mức 65% - ngưỡng quy định an toàn nợ công QH cho phép.

 

Đầu năm nay, Bộ Tài chính báo cáo tổng số dư nợ công đến ngày 31-12-2013 ở mức 1.913 ngàn tỉ đồng, bằng 53,4% GDP. Dư nợ Chính phủ ở mức 1.488 ngàn tỉ đồng, bằng 41,5% GDP, đều thấp hơn giới hạn cho phép là nợ công dưới 65% GDP, nợ Chính phủ dưới 55% GDP.

 
Dự án cải tạo mở rộng Quốc lộ 1 bằng nguồn vốn vay nước ngoài. Ảnh: Thế Dũng
Dự án cải tạo mở rộng Quốc lộ 1 bằng nguồn vốn vay nước ngoài. Ảnh: Thế Dũng

 

Từ trước đến nay, trong các báo cáo của Chính phủ luôn khẳng định nợ công vẫn ở ngưỡng an toàn dù những năm gần đây áp lực trả nợ có tăng lên và khả năng trả nợ là khó khăn. Tuy nhiên, giới phân tích đều lo ngại khi cho rằng nợ công đã đến mức báo động.

 

Vì bản chất của nợ công không chỉ nằm ở tỉ lệ nợ công/GDP mà quan trọng là cơ cấu nợ, khả năng trả nợ và hiệu quả sử dụng các khoản vay (đầu tư công). Cho nên, có những quốc gia nợ công lên đến 200% GDP vẫn an toàn, trong khi có nơi chỉ quá 50% GDP đã vỡ nợ.

 

Theo thông lệ quốc tế, trần trả nợ công được giới hạn là 25% thu ngân sách nhưng tỉ lệ này của Việt Nam đang là 25,9% và dự kiến lên mức 31,9% năm 2015. Đặc biệt, từ năm 2012, Việt Nam bắt đầu phải thực hiện vay để đảo nợ, tức là phải dành một phần vốn vay mới để trả nợ cũ.

 

Mức đảo nợ ngày càng lớn, năm 2014 Chính phủ phải vay hơn 70.000 tỉ đồng để đảo nợ thì năm 2015 dự kiến tăng gần gấp đôi, đạt mức 130.000 tỉ đồng. Số tiền lãi phải trả nợ hằng năm cũng đang tăng rất nhanh.

 

Số liệu của Viện Chiến lược và Chính sách tài chính (Bộ Tài chính) cho thấy năm 2010, ngân sách phải trả cả gốc và lãi 1.323,65 triệu USD và gần 24.503 tỉ đồng thì đến năm 2012 đã phải trả 2.673,75 triệu USD và hơn 50.520 tỉ đồng. Riêng quý I/2014, số tiền trả nợ đã gần 30.000 tỉ đồng.

 

Rủi ro lớn

 

Theo chuyên gia kinh tế Đinh Tuấn Minh, khi nợ công của một quốc gia đến mức báo động đỏ, khả năng trả nợ khó khăn mà không thể cắt giảm vốn vay thì sẽ lâm vào tình trạng chủ nợ không cho vay nữa hoặc cho vay lãi suất rất cao.

 

Khi đó người dân sẽ phải gồng mình trả nợ, ngân sách làm ra đồng nào trả nợ đồng ấy, không còn tiền dành cho đầu tư phát triển hay chi cho các mục tiêu an sinh xã hội, đẩy nền kinh tế lâm vào tình trạng trì trệ.

 

Ở góc độ vĩ mô, nợ công gia tăng sẽ làm giảm uy tín của Chính phủ trong vấn đề cải cách nền kinh tế. Việc vay mượn nhiều cũng khiến nhà đầu tư nước ngoài lo ngại khi quyết định rót vốn.

 

Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh phân tích khi nợ công đã vượt ngưỡng an toàn sẽ phải xem xét khả năng không vay nợ nữa. Tuy nhiên, giải pháp này đối với Việt Nam là khó vì hiện nay chúng ta đã đến mức phải vay để đảo nợ, không vay nữa sẽ không có nguồn trả nợ cũ đến hạn.

 

Bên cạnh đó, còn có một loạt dự án “khủng” đang chờ bố trí vốn đầu tư mà phải có đầu tư công mới có tăng trưởng. Một giải pháp khác là tăng GDP nhanh hơn tỉ lệ vay nợ cũng khó thực hiện vì đây là giải pháp dài hạn.

 

Theo các chuyên gia kinh tế, Việt Nam cần kiểm soát tốt nợ công, không nên chỉ đặt vấn đề tỉ lệ nợ công trên GDP ở mức bao nhiêu mà phải xem xét tính bền vững của nợ công, khả năng trả nợ và tốc độ gia tăng.

 

Bình quân nợ công là 933,41 USD/người

 

Theo đồng hồ nợ công toàn cầu (Global debt clock) trên trang The Economist.com, tính đến 9 giờ ngày 14-10, nợ công của Việt Nam ở mức trên 84,607 tỉ USD. Bình quân nợ công theo đầu người là 933,41 USD/người. Nợ công chiếm 47,3% GDP, tăng 10,6% so với năm 2013.

 

Theo Tô Hà

Người Lao động
 

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”