1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Những yếu tố nào đang kích giá vàng tăng?

An Chi

(Dân trí) - Ngoài căng thẳng địa chính trị giữa Nga và Ukraine, các quyết định của Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đang đẩy vàng tăng giá nhanh hơn.

Cập nhật lúc 8h45 sáng 14/2, doanh nghiệp lớn tại Hà Nội niêm yết giá vàng miếng SJC tại 62,05 - 62,77 triệu đồng/lượng (mua - bán), tăng 150.000 đồng/lượng ở chiều mua và 50.000 đồng/lượng ở chiều bán so với phiên 13/2.

Tại TPHCM, giá thu mua tương đương Hà Nội nhưng chiều bán ra là 62,75 triệu đồng/lượng, tăng 150.000 đồng/lượng ở chiều mua và 50.000 đồng/lượng ở chiều bán.

Trên thị trường thế giới, lúc 7h45 sáng nay 14/2 (giờ Việt Nam), giá vàng giao ngay trên Kitco tăng 1,1 USD lên 1.860 USD/ounce.

Những yếu tố nào đang kích giá vàng tăng? - 1

Ngoài yếu tố căng thẳng địa chính trị giữa Nga và Ukraine, các quyết định của Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đang đẩy vàng tăng giá nhanh hơn (Ảnh minh họa: Tiến Tuấn).

Ông Neils Christensen từ Kitco cho biết, giá vàng thế giới bắt đầu tăng cao vào thứ 6 tuần trước khi chính quyền của Tổng thống Joe Biden kêu gọi công dân Mỹ ở Ukraine rời đi "ngay lập tức" do lo ngại nguy cơ xảy ra xung đột với Nga.

Ngay khi thông tin này được phát ra, thị trường chứng khoán đã có một phiên rung lắc đáng kể khi kết thúc phiên giao dịch chỉ số Dow Jones giảm 500 điểm. Trong đó, giá vàng cùng ngày tăng hơn 1% ở mức 1.863,80 USD/ounce.

"Tôi không phải là người ủng hộ việc mua vàng như là một kênh trú ẩn lúc căng thẳng địa chính nổ ra. Vì khi căng thẳng dịu bớt, vàng sẽ là thứ đầu tiên được bán ra", ông Neils Christensen nói.

Tuy nhiên, nhà phân tích từ Kitco cũng thừa nhận, căng thẳng chính trị giữa Nga và Ukraine đang khiến thị trường vàng thăng hoa. Trong khi, thị trường chứng khoán và lợi suất trái phiếu đang hạ nhiệt.

"Vàng trở nên hấp dẫn hơn khi giới đầu tư có nhiều nỗi sợ trên thị trường. Bên cạnh đó, một nỗi sợ khác luôn hiện hữu là Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và các ngân hàng trung ương trên thế giới sẽ đối phó với lạm phát ra sao", nhà phân tích từ Kitco nhấn mạnh.

Tuần trước, Bộ Lao động Mỹ cho biết, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) ở Mỹ trong tháng 1 tiếp tục tăng 7,5% so với cùng kỳ năm 2021. Đây là con số cao nhất trong vòng 40 năm qua tại quốc gia này. 

Hiện tại, các nhà đầu tư không chỉ lo sợ lạm phát gia tăng mà họ còn bắt đầu lo lắng về việc Fed sẽ xử lý áp lực giá cả tăng như thế nào.