Những thương hiệu Việt bị đánh cắp

Đã có rất nhiều thương hiệu Việt nổi tiếng bị nước ngoài "đánh cắp" nhưng chỉ có một số ít DN thành công trong việc đòi lại thương hiệu, có rất nhiều những thương hiệu Việt đã bị mất trắng.

Không chú trọng bảo vệ thương hiệu, đến khi bị mất việc đòi lại là vô cùng gian nan.
 
Những thương hiệu bị "đánh cắp"

Năm 1998, một số DN phát hiện sản phẩm kẹo dừa Bến Tre bị một đối tác làm nhái và đăng ký độc quyền nhãn hiệu này ở Trung Quốc. Chủ nhãn hiệu kẹo dừa Bến Tre đã rất vất vả mới đòi lại được thương hiệu.

Năm 2001, hàng loạt DN như Vinataba, Trung Nguyên, Vifon... phát hiện thương hiệu của mình bị đăng ký tại nhiều quốc gia.

Nước mắm Phú Quốc, nước mắm nhĩ Phan Thiết của Việt Nam nhiều năm nay liên tục công ty nước ngoài đăng kí nhãn hiệu.

Từ những năm 1970, nhãn hiệu nước mắm Phú Quốc đã bị các công ty tại Thái Lan sử dụng trên các sản phẩm nước mắm của họ xuất khẩu sang Mỹ và châu Âu. Năm 1982, Công ty Viet Huong Fishsauce tại Mỹ đã được cơ quan đăng ký nhãn hiệu tại nước này cấp nhãn hiệu nước mắm Phú Quốc. Sau đó, công ty này lần lượt đăng ký nhãn hiệu "Nước mắm Phú Quốc" ở châu Âu và Úc... Nước mắm nhĩ Phan Thiết cũng chung hoàn cảnh với nước mắm Phú Quốc khi Công ty Kim Seng, trụ sở tại Los Angeles (Mỹ) cũng đăng ký thương hiệu "nước mắm nhĩ Phan Thiết" tại thị trường này. Công ty này đã xin gia hạn bảo hộ vào năm 2009 và sẽ hết hiệu lực đến năm 2019.

Cà phê Buôn Ma Thuột của tỉnh Đắk Lắk đã bị Công ty Guangzhou Buon Ma Thuot Coffee tại tỉnh Quảng Đông đăng ký bảo hộ độc quyền trong vòng 10 năm tại Trung Quốc. Thương hiệu cà phê Đắk Lắk cũng bị một công ty của Pháp đăng ký bảo hộ ở hơn 10 quốc gia khác nhau.

Logo nhãn hiệu cà phê Buôn Ma Thuột bị đăng ký bảo hộ độc quyền tại Trung Quốc

Logo nhãn hiệu cà phê Buôn Ma Thuột bị đăng ký bảo hộ độc quyền tại Trung Quốc

Tuy nhiên, có không ít DN đã bán hẳn thương hiệu cho nước ngoài. Do làm ăn thua lỗ, chủ sở hữu "Coffee Đức Lập Minh An" và "Coffee Đức Lập Dakmil" dự định đem bán 2 thương hiệu này cho một doanh nghiệp Trung Quốc (từng lấy cắp thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột) với giá 18 tỉ đồng

HTX Minh An chuyên mua bán nông sản, chế biến cà phê bột xuất khẩu. Sản phẩm cà phê bột của HTX Minh An xuất khẩu dưới 2 nhãn hiệu hàng hóa là "Coffee Đức Lập Minh An" và "Coffee Đức Lập Dakmil". Thương hiệu cà phê Đức Lập cũng đã được nhiều nước trên thế giới biết đến.

Hai nhãn hiệu café này đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận bảo hộ tại Việt Nam và đã được đăng ký bảo hộ ở Trung Quốc và Mỹ.

Thế nhưng, HTX này lại đứng trước nguy cơ phá sản, buộc phải tính đến việc bán hai nhãn hiệu cà phê trên cho đối tác nước ngoài để lấy tiền trả nợ.

Việc nợ nần của HTX Minh An là do trong một thời gian dài, HTX đã nhận ký gửi cà phê của người dân với giá thấp rồi đem bán. Khi giá lên cao, người dân tới lấy cà phê thì HTX không đủ tiền để trả, dẫn đến lâm nợ.

 

Coffee Đức Lập ĐăkMil
 

Coffee Đức Lập ĐăkMil

HTX này tính bán thương hiệu của mình cho một doanh nghiệp Trung Quốc là Guangzhou Buon Ma Thuot Coffee Co.Ltd, tỉnh Quảng Đông (doanh nghiệp từng lấy cắp thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột) với giá 18 tỉ đồng.

Cho đến nay, không nhiều những thương hiệu như Vinamit đã thành công trong việc giành lại quyền sở hữu thương hiệu mà vốn dĩ thuộc về mình

Ông Xie Hong Yi - một thương nhân Trung Quốc đã đăng ký trước thương hiệu Đức Thành thuộc sở hữu của Vinamit, tạo nên hành vi bất chính là tranh giành đăng ký thương hiệu. Sau hơn 4 năm theo đuổi vụ kiện với 3 phiên tòa, Công ty Vinamit đã chính thức được thừa nhận là chủ sở hữu của thương hiệu Đức Thành.

Những năm trước, việc bán hàng sang Trung Quốc của các doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu diễn ra qua đường biên mậu ở các cửa khẩu như Lào Cai, Móng Cái... và phụ thuộc khá lớn vào các nhà buôn bên kia biên giới. Chính những "đối tác phân phối" này lại là người đi đăng ký sở hữu hầu hết các thương hiệu Việt Nam tại thị trường Trung Quốc nhằm tìm cách bán lại với giá rất cao hoặc sản xuất hàng giả thương hiệu Việt Nam.

Một trong những đối tác phân phối của Vinamit đã thực hiện việc đăng ký bảo hộ đối với thương hiệu "Đức Thành" - vốn là thương hiệu phổ biến tại Trung Quốc của Công ty Vinamit.

Năm 2010, Vinamit xác lập việc kinh doanh chính ngạch và lâu dài tại thị trường Trung Quốc bằng việc chính thức thành lập công ty tại Quảng Châu - Trung Quốc và từng bước xây dựng các văn phòng đại diện chính thức tại Nam Ninh, Bắc Kinh và Thượng Hải.

Việc trực tiếp bán sản phẩm nhập chính ngạch cho các hệ thống siêu thị lớn nhất tại Trung Quốc như Wal-mart, Carre Four hoặc Lotus sẽ làm gia tăng sức mạnh của hàng hóa và thương hiệu Việt Nam. Chính vì định hướng đó, Vinamit đã quyết tâm theo đuổi vụ kiện đòi lại thương hiệu này đến cùng.

Hiện nay Vinamit đang sở hữu 10 thương hiệu thực phẩm, cà phê và trái cây sấy, trong đó có Vinamit, V Coffee, Jack, Đức Thành, Regina, Vinatural... trong đó còn khá nhiều vấn đề liên quan đến tranh chấp thương hiệu tại thị trường Trung Quốc.

Ông Nguyễn Lâm Viên, Tổng giám đốc Vinamit cho biết: "Tôi tin đây là một bước ngoặt quan trọng trong hành trình làm ăn với Trung Quốc của doanh nghiệp Việt Nam. Không chỉ Vinamit bị các đối thủ cạnh tranh đăng ký sở hữu một số thương hiệu, mà hàng loạt các thương hiệu lớn của Việt Nam như cà phê Trung Nguyên, bánh kẹo Bibica, Vinataba... đều đã bị các công ty Trung Quốc đăng ký sở hữu".

Theo Nhị Anh
Vietnamnet