Những thói quen tiền bạc cần từ bỏ để trở nên giàu có
(Dân trí) - Có một tin vui là bạn hoàn toàn có thể quyết định việc mình trở nên giàu có chính nhờ sự kiên trì, lối tư duy đúng đắn và những thói quen tiêu dùng thông thái.
Dưới đây là những thói quen tiền bạc bạn nên bỏ để trở nên giàu có trong năm 2016, theo trang Business Insider.
Sử dụng thẻ ATM ngoài hệ thống
Có thể do lười di chuyển hoặc không để ý mà nhiều người vẫn có thói quen rút tiền ở bất kỳ cây ATM nào tiện cho họ. Điều này đồng nghĩa với việc họ phải tiếp tục trả phí dùng thẻ ATM khá nhiều do giao dịch ngoại mạng. Mặc dù phí một lần rút tiền ngoài mạng là không nhiều nhưng nhiều lần giao dịch cũng tốn một khoản tiền kha khá. Nếu bạn sống ở thành phố lớn thì có rất nhiều cây ATM cho ngân hàng bạn đang dùng và bạn nên tìm địa chỉ các cây rút tiền trên mạng trước khi đi rút. Nếu bạn không sống ở thành phố hoặc không sử dụng ATM của ngân hàng có nhiều cây rút tiền thì bạn nên cân nhắc việc mở tài khoản tại ngân hàng tiện ích hơn hoặc đăng ký dịch vụ giao dịch online.
Uống cà phê, ăn trưa ở tiệm và mua đồ ăn vặt hàng ngày
Việc tiêu tiền rất khó cưỡng lại, nhất là chi tiêu cho những thứ lặt vặt. Thật khó khi đi dạo phố mà không ghé vào một quán cà phê, hay một quán nước hay một tiệm đồ ăn nhanh nào. Những khoản chi tiêu lặt vặt này có thể là rất nhỏ nhưng khi cộng lại nó ảnh hưởng đến kế hoạch chi tiêu và tiết kiệm của bạn. Mặc dù chẳng có gì sai trái khi thường xuyên uống cà phê hay ăn trưa ở tiệm nhưng nếu bạn thực sự muốn thực hiện các mục tiêu tài chính trong năm 2016 thì cách đơn giản nhất là hãy cắt giảm các khoản chi tiêu này.
Không theo dõi chi tiêu
Các khoản mua sắm hàng ngày và các khoản chi ngoài dự kiến thường dễ dàng tăng lên. Nếu bạn rất hay lạm chi và hay mua sắm bốc đồng thì đã đến lúc bạn cần ghi chép và xem lại các thói quen chi tiêu của bản thân. Chắc chắn bạn sẽ nhận ra rằng mình đã không biết cách tiêu tiền hợp lý, hoặc cảm thấy nhiều khoản chi tiêu không hợp lý. Nếu bạn không muốn lưu một danh sách chi tiêu trong máy tính hoặc viết các khoản chi vào một cuốn sổ tay, bạn có thể sử dụng một ứng dụng trên điên thoại hoặc trên máy tính giúp theo dõi các khoản chi tiêu của bạn một cách tự động. Khi bạn phát hiện ra một khoản chi hàng ngày không cần thiết, đừng chỉ dừng lại ở đó, hãy cho khoản tiền dư vào tài khoản tiết kiện và số tiền này sẽ tăng dần lên theo thời gian.
Trì hoãn đóng bảo hiểm
Hãy bỏ qua tâm lý bất bại và lập kế hoạch cho tình huống xấu nhất vì một sự việc bất ngờ có thể làm cuộc sống của bạn bị đảo lộn hoàn toàn. Chính vì thế, việc mua bảo hiểm là cần thiết, và bạn hãy nhanh chóng chọn cho mình một gói bảo hiểm phù hợp.
Chỉ thanh toán định mức tối thiểu trong thẻ tín dụng
Hầu hết các loại thẻ tín dụng chỉ yêu cầu thanh toán khoảng 1-3% số tiền bạn nợ hàng tháng và điều này có vẻ hợp lý khi ngân sách của bạn hạn hẹp và không thể thanh toán hết nợ một lúc. Tuy nhiên, nếu bạn cứ làm theo thói quen đó trong một thời gian dài thì bạn sẽ phải trả một khoản tiền lãi kha khá cho số nợ chưa được thanh toán. Do đó, hãy thanh toán nhiều hơn số tiền định mức hàng tháng sẽ giúp bạn tiết kiệm một khoản tiền lãi tương đối.
Không ưu tiên chi trả khoản nợ lãi cao
Các khoản nợ không hoàn toàn giống nhau. Trong khi bạn thường ưu tiên trả khoản nợ nhỏ nhất trong các món nợ của mình thì có một chiến thuật là: Lập danh sách các khoản nợ theo thứ tự từ mức lãi suất cao nhất đến mức lãi suất thấp nhất, sau đó ưu tiên thanh toán khoản nợ có lãi suất cao nhất trước, sau đó thanh toán khoản nợ có mức lãi cao nhất tiếp theo.
Coi các khoản chi phí ngoài dự kiến như chi phí thông thường
Những khoản chi ngoài dự kiến như món quà cưới mà bạn quên chưa mua, phí phạt vì đỗ xe sai quy định hoặc mua vé một chuyến bay gấp về nhà vì việc đột xuất – hoàn toàn có thể xảy ra. Do đó, bạn nên ghi lại các khoản chi ngoài dự kiến để có sự chuẩn bị cho nó.
Thanh toán hóa đơn muộn
Thanh toán hóa đơn muộn còn tồi tệ hơn nhiều so với việc thanh toán các khoản phí muộn, vì nó làm giảm mức tín nhiệm của bạn và có thể ảnh hưởng đến khả năng vay tiên trong tương lai khi bạn muốn mua những thứ đắt giá hơn như mua nhà hoặc mua xe. Do vậy, đừng bao giờ quên thanh toán hóa đơn thêm một lần nào nữa bằng cách sắp xếp việc thanh toán tự động cho các khoản cố định hàng tháng như tiền điện, nước, Internet, bảo hiểm,... Với các khoản thanh toán không thể trả online hoặc dao động theo từng tháng thì nên đặt lịch nhắc và có thói quen thanh toán cùng một thời điểm vào mỗi tháng.
Mua những món đồ rẻ để “tiết kiệm”
Thật khó có thể cưỡng lại việc mua những món đồ rẻ, chất lượng kém để “tiết kiệm tiền”, nhưng thực ra những sản phẩm rẻ này lại gây tốn kém về lâu dài. Trong năm 2016, bạn hãy định hướng lại việc chi tiêu và nên mua những thứ có giá trị bằng cách giảm bớt việc ghé thăm các cửa hàng bán đồ rẻ.
Kiếm bao nhiêu tiêu bấy nhiêu
Lương và thưởng thường rất hay dao động; trong khi việc nghỉ hưu vẫn còn khá xa vời, thì bạn rất dễ chi tiêu quá trớn và chưa bắt đầu tiết kiệm ngay. Hãy để ra ít nhất 10% tiết kiệm cho tương lai và hãy đảm bảo cho cuộc sống hiện tại và chi tiêu các khoản tiền còn lại.
Chi tiêu không có kế hoạch
Hãy để ra 10% cho các kế hoạch chi tiêu lâu dài trong tương lai như mua nhà, mua xe, ra trường, hay kỳ nghỉ để luôn có động cơ tiết kiệm. Hãy lập ra kế hoạch cho các khoản chi tiêu lớn trong tương lai và dự toán số tiền cần để có kế hoạch tiết kiệm và thời gian cụ thể. Bạn không cần phải để ra một khoản tiền lớn mỗi tuần mà thay vào đó bạn có thể tiết kiệm 1 khoản tiền nhỏ mỗi ngày hoặc mỗi tuần trong một khoảng thời gian dài để đạt được kế hoạch đó.
Thảo Nguyên