Những người “siêu giàu” bước ra từ… bục giảng
(Dân trí) - Dù là trên cương vị doanh nhân hay nhà giáo, trên bục giảng hay trên thương trường, họ cũng đều có những đóng góp rất ý nghĩa cho xã hội và đào tạo, truyền cảm hứng cho những thế hệ doanh nhân mới.
Xưa nay, nghề giáo viên được coi là “ngành nghề cơ bản” với mức lương “đủ sống”. Để tiếp tục theo đuổi được đam mê và cống hiến với nghề giáo, nhiều thầy, cô ngoài dạy học còn phải vật lộn với những nghề “tay trái”.
Do đó, nếu nói có những giáo viên đã vươn lên trở thành những người “siêu giàu” trong xã hội, chắc chắn sẽ khiến không ít người ngạc nhiên.
Tuy vậy, thực tế đã có những doanh nhân thành công và giàu có xuất thân là giáo viên. Dù là trên cương vị doanh nhân hay nhà giáo, họ cũng đều có những đóng góp rất ý nghĩa cho xã hội và đào tạo nên những thế hệ doanh nhân mới.
Ông Trương Gia Bình - Chủ tịch FPT
Ông Trương Gia Bình xuất thân là sinh viên khoa Toán cơ thuộc Đại học tổng hợp Lomonosov. Năm 1979, ông bảo vệ thành công Luận án tiến sĩ tại Đại học Tổng hợp Lomonosov và đến năm 1991 được Nhà nước phong tặng danh hiệu Phó Giáo sư.
Sau khi về nước, ông Trương Gia Bình bắt đầu bén duyên với hoạt động kinh doanh. FPT ra đời năm 1988 với 13 thành viên đồng sáng lập, bên cạnh ông Bình còn có ông Lê Thế Hùng; ông Võ Văn Mai; ông Đỗ Cao Bảo; ông Bùi Quang Ngọc; ông Nguyễn Thành Nam; ông Đào Vinh; ông Phạm Hùng; ông Lê Vũ Kỳ; ông Nguyễn Trung Hà; ông Lê Quang Tiến; ông Nguyễn Chí Công và ông Trần Đức Nhuận.
Tuy nhiên, với sự tâm huyết với sứ mệnh gieo trồng tài năng, ông Trương Gia Bình đã có công lớn trong việc thành lập Khoa Quản trị Kinh doanh (HSB) trực thuộc Đại học quốc gia Hà Nội.
Ông cũng là người đã mở trường đại học tư nhân đầu tiên của Việt Nam (Đại học FPT) do ông làm Chủ tịch Hội đồng quản trị. Bản thân ông cũng tham gia vào hoạt động giảng dạy và đứng lớp.
Về quan điểm với giáo dục, ông từng chia sẻ: “Tôi cho rằng cần đổi mới căn bản toàn diện nền giáo dục Việt Nam theo hướng toàn cầu hóa, hiện đại hóa và lấy học viên làm trung tâm”
Ông Bùi Quang Ngọc - Thành viên Hội đồng sáng lập FPT
Tại FPT, ông Bùi Quang Ngọc là một trong những lão tướng, công thần, có đóng góp lớn cho tập đoàn này kể từ thời kỳ sơ khai, mới thành lập.
Tuy nhiên, trước khi đến với FPT thì ông Ngọc từng có gần 10 năm là một nhà giáo. Tuy vậy, ngay cả khi bước vào “nghiệp doanh nhân” thì ông vẫn phát huy được tố chất nhà giáo trong mình.
Tại FPT, ông khởi xướng và là giảng viên chính chương trình MiniMBA dành cho cán bộ quản lý FPT.
Theo tờ Đầu tư, ông Ngọc rất tâm huyết với chương trình “Sư phụ - Đệ tử”, một chương trình đào tạo nội bộ dành cho lãnh đạo cấp trung được triển khai nhiều năm qua tại FPT. Ông là vị sư phụ có nhiều đệ tử nhất, cả ở trong và ngoài nước, với những buổi sinh hoạt đều đặn, bài bản và chỉn chu.
Ông Trần Mộng Hùng - Nhà sáng lập Ngân hàng ACB
Tên tuổi của ông Trần Mộng Hùng gắn với Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) và ngược lại, ACB là sự nghiệp không chỉ của riêng ông Hùng mà còn là của cả gia đình và các cộng sự của ông.
Ông Hùng sinh năm 1953, là cử nhân ngân hàng Trường Đại học Kinh tế TPHCM. Trước khi bước chân vào thương trường thì ông Hùng từng là giảng viên trường Cao cấp nghiệp vụ ngân hàng (1978-1980).
Đến những năm đầu thập niên 1990, ông Hùng nhìn ra cơ hội và rời bục giảng, cùng một số cộng sự thành lập ngân hàng phục vụ nhu cầu dân sinh. Đến năm 2008, ông Hùng rút lui khỏi vai trò Chủ tịch Hội đồng quản trị ACB, lùi về vị trí cố vấn quản trị (Chủ tịch Hội đồng sáng lập ACB).
Tuy nhiên, “sự cố” bầu Kiên năm 2012 khiến hàng loạt lãnh đạo ACB lúc bấy giờ vướng vòng lao lý, ACB đứng trước nhiều nguy cơ buộc ông Trần Mộng Hùng quay trở lại. Cùng lúc đó, con trai ông là Trần Hùng Huy được bổ nhiệm làm "thuyền trưởng" mới của con tàu vốn đang rất tròng trành.
Ông Huy đã chứng tỏ được năng lực bản thân và với cương vị Chủ tịch HĐQT, con trai của “banker” Trần Mộng Hùng đã đưa ACB trở lại quỹ đạo tăng trưởng thành công. Năm năm sau đó, ông Hùng một lần nữa yên tâm rút lùi về hậu phương.
Bà Trần Thị Việt Ánh - nguyên Tổng Giám đốc SaigonBank
Bà Trần Thị Việt Ánh (sinh năm 1952) cũng là một “banker” nổi tiếng giới tài chính - ngân hàng Việt Nam.
Sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Kinh tế năm 1981, bà Trần Thị Việt Ánh về giảng dạy tại Khoa Kế toán Ngân hàng - Đại học Ngân hàng TPHCM, sau đó là chuyên viên Vụ Phát hành - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Bà Ánh tham gia vào Saigonbank từ năm 1994 với cương vị Phó Tổng Giám đốc. Đến năm 2004, bà là Tổng Giám đốc Saigonbank. Năm 2012, bà làm Thành viên HĐQT của Ngân hàng.
Sau 23 năm gắn bó với ngân hàng này, bà Trần Thị Việt Ánh đã thôi đảm nhiệm chức vụ Tổng Giám đốc Saigonbank để về hưu theo chế độ kể từ ngày 12/6/2017.
Ông Nguyễn Tử Quảng - Chủ tịch BKAV
Ông Nguyễn Tử Quảng là một doanh nhân thế hệ mới, một người kinh doanh với rất nhiều điều thú vị tại Việt Nam và có lẽ cũng là CEO có nhiều biệt danh nhất.
Sinh năm 1975, ông Nguyễn Tử Quảng vốn là cử nhân khoa Công nghệ Thông tin của Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội. Sự nghiệp của ông sau này cũng gắn liền với ngôi trường này.
Sau khi tốt nghiệp Đại học Bách Khoa năm 1997, ông Nguyễn Tử Quảng được giữ lại làm giảng viên bộ môn Kỹ thuật máy tính, Khoa Công nghệ - Thông tin. Lúc đó, ông nghiên cứu Bkav - một phần mềm diệt virus được phát triển bởi Trung tâm Nghiên cứu an ninh mạng Bách Khoa (Bkis) thuộc Đại học Bách khoa Hà Nội và được Bộ Khoa học Công nghệ đầu tư trang thiết bị.
Đến năm 2005, ông Quảng lập công ty riêng lấy tên là Bkav. Hiện nay, doanh nghiệp của ông Quảng không chỉ phát triển trong lĩnh vực an ninh mạng, chống mã độc mà còn nổi tiếng với sản phẩm điện thoại thông minh Bphone, nhà thông minh…