Những công ty rời Nga có được bồi thường bảo hiểm?

Nhật Linh

(Dân trí) - Hàng trăm công ty cho biết họ đã rút khỏi hoặc tạm ngừng hoạt động tại Nga sau khi chiến sự tại Ukraine nổ ra. Vấn đề đặt ra là liệu họ có được bù đắp tổn thất qua bảo hiểm?

Những công ty rời Nga có được bồi thường bảo hiểm? - 1

Những công ty rời Nga và từ bỏ hoạt động kinh doanh của họ mà không có bất kỳ hành động ép buộc hay tịch thu tài sản nào từ chính phủ Nga sẽ gặp khó trong việc yêu cầu bồi thường (Ảnh: Getty).

Dưới đây là góc nhìn về việc liệu bảo hiểm và trọng tài quốc tế có thể làm giảm nhẹ tổn thất hàng tỷ USD của những công ty đó hay không.

Bảo hiểm tiêu chuẩn có cung cấp?

Không, nhưng các công ty có thể mua bảo hiểm rủi ro chính trị như một tiện ích bổ sung cho các giao dịch tín dụng, tài sản và bảo hiểm hàng không. Gói này bao gồm việc chính phủ tịch thu tài sản và buộc phải từ bỏ, hủy bỏ giấy phép hoạt động trong các lĩnh vực như khai thác mỏ và không có khả năng chuyển đổi ngoại tệ.

Bảo hiểm dạng này thường áp dụng cho các dự án năng lượng hoặc hạ tầng dài hạn, nhưng có thể được mua bởi các loại hình kinh doanh khác. Các chuyên gia bảo hiểm cho biết các chính sách được bảo mật và các tranh chấp được giải quyết bằng trọng tài riêng.

Berne Union, một hiệp hội thương mại đại diện cho các công ty bảo hiểm rủi ro, ước tính tổng thu phí bảo hiểm chính trị mới ở Nga trong năm 2020 là 1 tỷ USD.

Phần lớn gói bảo hiểm này do các cơ quan phi thương mại như Công ty đầu tư tư nhân hải ngoại của Mỹ (Overseas Private Investment Corporation) và Cơ quan Bảo lãnh Đầu tư Đa phương thuộc Ngân hàng Thế giới cung cấp.

Các công ty rời Nga có được yêu cầu bồi thường?

Theo các chuyên gia pháp lý, những công ty rời Nga và từ bỏ hoạt động kinh doanh của họ mà không có bất kỳ hành động ép buộc hay tịch thu tài sản nào từ chính phủ Nga sẽ gặp khó trong việc yêu cầu bồi thường.

"Bạn thấy đấy, các công ty đều nói rằng "chúng tôi đang rời đi để ủng hộ Ukraine". Câu hỏi ở đây là liệu chính sách này có phải là sự ra đi tự nguyện hay không", Micah Skidmore của công ty luật Haynes and Boone cho biết.

Các chuyên gia pháp lý cho rằng, các công ty bảo hiểm nhiều khả năng sẽ thanh toán các yêu cầu bồi thường đối với khoản doanh thu bằng đồng rúp mà không được chuyển sang ngoại tệ.

Điều gì có thể bù đắp tổn thất của các công ty này?

Nga có thể thực hiện các hành động tịch thu tài sản như đã tuyên bố. Tuần trước, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký ban hành một biện pháp cho phép nước này đưa các máy bay thuê từ các công ty nước ngoài vào sổ đăng ký máy bay của Nga.

Hãng cho thuê máy bay hàng đầu của Mỹ Air Lease Corp cho rằng biện pháp này của Nga cho thấy ý định tịch thu máy bay của Moscow và công ty này hy vọng động thái đó sẽ giúp công ty được bảo hiểm bồi thường.

Các lệnh trừng phạt đã buộc ngành cho thuê máy bay đến ngày 28/3 phải cắt đứt quan hệ với Nga. Nếu hơn 400 máy bay phản lực cho Nga thuê không được trả lại, ngành này sẽ mất gần 10 tỷ USD.

Đầu tháng 3, Nga cho biết đang xem xét đề xuất quốc hữu hóa các công ty nước ngoài rời khỏi đất nước. Nếu được ban hành, biện pháp này cũng có thể hỗ trợ các yêu cầu bồi thường bảo hiểm.

Có các phương án khác để bồi thường không?

Một công ty có thể xem xét quy định xử lý ra sao trong các hiệp định thương mại do Nga ký kết khi các hành động của chính phủ gây thiệt hại cho hoạt động đầu tư nước ngoài.

Tuần trước, hãng luật Steptoe & Johnson cho biết trong một lưu ý với khách hàng rằng các khiếu kiện trọng tài quốc tế bao gồm việc không bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, từ chối trả máy bay và tịch thu tài sản.

Ít nhất 9 công ty từ Ukraine đã sử dụng các thỏa thuận thương mại để thu về hàng tỷ USD từ Nga thông qua trọng tài sau khi Moscow sáp nhập Crimea vào năm 2014.

Tuy nhiên, quá trình giải quyết tranh chấp bằng trọng tài quốc tế có thể mất nhiều năm và Nga không tự nguyện thực thi theo các phán quyết, theo các chuyên gia pháp lý.

Ông Franz Sedelmayer, sở hữu công ty kinh doanh thiết bị an ninh của Đức đã bị Nga tịch thu vào năm 1996, đã giành được phán quyết của trọng tài trị giá 2,3 triệu USD vào năm 1998. Nhưng phải mất hơn 1 thập kỷ đấu tranh tại nhiều tòa án, ông mới thu hồi được số tiền đó.

Một điểm lưu ý nữa là, một công ty sẽ không thể được bồi thường từ cả bảo hiểm lẫn thông qua trọng tài.

Theo Reuters