"Hậu cơn bão đầu tư Hàn Quốc" ở Phú Thọ:

Những chiêu "cày vốn" trong nước

Theo báo cáo của các cơ quan chức năng, hậu quả của “cơn bão đầu tư Hàn Quốc” vào Phú Thọ là mức nợ xấu, nợ đọng lãi lên tới hàng trăm tỷ đồng. Có doanh nghiệp đã bị ngân hàng bán đi để đảm bảo vốn.

>> Bài 1: Chiêu đầu tư "cơm chấm cơm"

Lỏng lẻo từ chính sách

Từ năm 2005, Công an tỉnh Phú Thọ đã có kết quả điều tra cơ bản về tình hình làm ăn của nhiều doanh nghiệp đầu tư vào KCN Thụy Vân. Theo đó, điểm đáng quan ngại nhất là khó đảm bảo an toàn vốn, tài sản.

Các mối quan ngại được tập trung vào Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phú Thọ (NHNN Phú Thọ). Thời điểm đánh giá năm 2005, có 17 doanh nghiệp Hàn Quốc quan hệ tín dụng với ngân hàng và số dư nợ lên đến nhiều triệu USD.

Các doanh nghiệp này chủ yếu đầu tư vào sản xuất nhựa, bao bì, dệt... không phải công nghệ cao. Vốn vay từ các ngân hàng được họ dùng đầu tư vào tài sản cố định, nhà xưởng, máy móc, thiết bị và một phần làm vốn lưu động. Thế nhưng khi tiến hành điều tra, đã thấy NHNN Phú Thọ có dấu hiệu làm không đúng, không đủ trình tự, thủ tục cho vay.

Ví dụ như việc NHNN Phú Thọ cho công ty Tasco Việt Nam vay vốn trung hạn với nhiều thiếu sót chưa được khắc phục. Nhưng ngày 28/2/2002, Giám đốc ngân hàng này là ông Vũ Văn Minh vẫn quyết định cho công ty trên vay thêm 500 ngàn USD.

Tiếp đó, ngày 15/4 ngân hàng này cho Công ty TNHH Textopia vay 200 ngàn USD. Riêng công ty này dư nợ tín dụng ngân hàng trong năm 2004 là hơn 17 tỷ đồng, lỗ lũy kế là hơn 11 tỷ đồng.

Nhưng cũng năm 2004, công ty bán hàng được hơn 8 tỷ đồng, song lại gửi vào tài khoản tiền gửi tại ngân hàng ngoại hối Hàn Quốc tại Hà Nội, và sử dụng vào mục đích khác, không hoạt động qua tài khoản tiền gửi tại NHNN Phú Thọ, để trốn tránh sự kiểm soát.

Hoạt động của công ty này từ thời điểm đó là dựa vào vốn vay ngân hàng và của khách hàng, nên thực chất cũng không còn là doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài nữa. Từ năm 2003, Ngân hàng này còn thỏa thuận cho Công ty TNHH Te.vina vay 2,5 triệu USD nhưng lại cho công ty này chậm chuyển phần vốn tự có.

“Mượn gió bẻ măng”

“Cơm chấm cơm” hoặc “mỡ nó rán nó” đang là cách mà bấy lâu nay một số doanh nghiệp Hàn Quốc áp dụng ở Phú Thọ. Theo quy định của các cơ quan quản lý Phú Thọ, thì các thiết bị, máy móc đều được miễn thuế khi nhập khẩu.

Vậy là, khi tiến hành lập dự án thành công, các doanh nghiệp Hàn Quốc tiến hành nhập thiết bị. Khi nhập khẩu thiết bị, hầu hết đều là máy móc cũ, lạc hậu ở nước bạn hoặc là mới nhưng công nghệ cũ, đều được nâng giá rất cao.

Cá biệt, có những máy móc cùng loại giá ở Việt Nam, ngoài thị trường chỉ 5 triệu đồng nhưng khi nhập khẩu họ đã khai giá lên tới 150 triệu đồng. Với một dây chuyền như thế, nếu ngân hàng cho vay vốn chỉ bằng 40% giá trị dây chuyền, thì doanh nghiệp đã đương nhiên có được số vốn cao gấp hàng chục lần giá trị thật của máy móc.

Rõ ràng, đây là nguy cơ rất lớn dẫn đến không an toàn, thậm chí mất vốn. Chưa nói, nếu toàn bộ đều được cho vay như thế thì thực chất đâu còn là đầu tư nước ngoài nữa, mà là đầu tư trong nước.

Thêm vào đó, trên thực tế, một số doanh nghiệp Hàn Quốc khi đến Phú Thọ đã họp nhau lại thành dạng “câu lạc bộ”, nhưng thực chất là để bàn bạc, trao đổi lợi dụng sơ hở của pháp luật Việt Nam trong công tác quản lý doanh nghiệp, triệt để khai thác vốn vay từ các ngân hàng trong nước, tạo sức ép về đầu tư.

Hơn nữa, họ liên tục lập ra các công ty con để thuận lợi hơn khi vay vốn. Một ví dụ điển hình ở đây là Công ty HANA Coporation Hàn Quốc, đã thành lập ở Việt Nam các công ty Tasco Việt Nam, Tasco Công nghiệp, Tasco Polycon, Hongmyong... để thuận lợi trong vay vốn ngân hàng.

Các công ty con sẽ tiêu thụ sản phẩm của công ty mẹ và ngược lại, nhưng đây là cách tiêu thụ sản phẩm kiểu nội bộ, không an toàn về thị trường, rủi ro kinh doanh rất cao...

Theo Ngọc Tước - Hà Thiều
Giadinh.net