Những CEO nữ “phận ngắn” của ngân hàng Việt

Quá trình tái cấu trúc ngân hàng (NH) được cho là nguyên nhân dẫn tới làn sóng thay CEO diễn ra rầm rộ trong hơn 2 năm qua. Trong vòng xoáy này, không ít sếp nữ ngân hàng cũng bị vạ lây.

Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB) vừa sắp xếp lại vị trí của một số nhân sự cấp cao trong bộ máy lãnh đạo của mình. Trong đó, ông Hàn Ngọc Vũ và bổ nhiệm ông Hàn Ngọc Vũ đảm nhiệm chức vụ TGĐ thay thế cho bà Đàm Bích Thủy xin nghỉ.

 

Với sự kiện trên, giới đầu tư lại một lần nữa giật mình về tốc độ thay đổi nhân sự cao cấp chóng mặt ở ngân hàng này cũng như sự rút lui của nhiều CEO nữ ở các tổ chức tín dụng trong thời gian gần đây.

 

Tại VIB, bà Đàm Bích Thủy vốn là một lãnh đạo ngân hàng kỳ cựu đã về làm TGĐ nhà băng từ tháng 3/2013 và được NHNN chấp thuận hồi tháng 5 vừa qua. Tuy nhiên, đến đầu tháng 9, bà Thủy đã từ nhiệm vị trí ghế nóng sau một thời gian làm việc rất ngắn ngủi, chưa đủ để làm quen công việc tại tổ chức mới.

 

Với quyết định này, những tham vọng của bà Thủy với VIB coi như đã chấm dứt. Trước đó, giới đầu tư khá xôn xao về việc VIB quyết định bổ nhiệm bà Thủy đạm nhiệm vị trí TGĐ. Nhiều người cho rằng với trình độ, kinh nghiệm hơn 20 năm trong lĩnh vực tài chính ngân hàng và từng đảm nhận chức vụ TGĐ và phó chủ tịch khu vực Mekong của ngân hàng ANZ, bà Thủy sẽ đem đến một vóc dáng mới cho VIB.

 
Những CEO nữ “phận ngắn” của ngân hàng Việt
 

Cũng ở VIB, cuối tháng 1/2013 giới tài chính đã chứng kiến một CEO nữ khác là bà Dương Thị Mai Hoa từ nhiệm. Bà Hoa sinh năm 1969 và cũng có gần 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực quản lý tài chính, kế toán tại các công ty 100% vốn nước ngoài, chi nhánh của các tập đoàn đa quốc gia, chi nhánh của các ngân hàng quốc tế lớn đang hoạt động tại Việt Nam.

 

Cũng giống như bà Thủy, bà Mai Hoa cũng chỉ ngồi “ghế nóng” trong một khoảng thời gian ngắn ngủi, từ tháng 9/2011 cho tới cuối tháng 1/2013. Bà Dương Thị Mai Hoa từ nhiệm với lý do cá nhân và chuyển qua làm việc ở một ngân hàng khác.

 

Còn tại Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank), trong giới tài chính, nhiều người thậm chí không còn nhớ tên một CEO nữ từng điều hành ABBank trong một giai đoạn đầy biến động là bà Trần Thanh Hoa.

 

Bà Hoa lên làm TGĐ ABBank (thay ông Nguyễn Hùng Mạnh) từ cuối 1/2011 và cũng chỉ hơn nửa năm sau đó được thay thế bởi ông Đặng Quang Minh. Đến giờ, ngay cả nhân viên của ngân hàng này cũng không biết bà Thanh Hoa sau khi nghỉ ở ABBank giờ làm ở đâu.

 

Phận nữ thời loạn

 

Phụ nữ nắm giữ vị trí điều hành ở các ngân hàng đã hiếm nhưng một số người lên được vị trí CEO lại nhanh chóng rút lui. Hiện tượng này khiến giới đầu tư liên tưởng tới một sự khốc liệt của công việc đứng mũi chịu sào ở các ngân hàng, tới những khó khăn của các ngân hàng mà rất có thể nhiều phụ nữ không thể hoặc không chịu nổi áp lực buộc phải từ nhiệm.

 

Trên thực tế, làn sóng thay đổi CEO ngân hàng diễn ra rầm rộ từ năm 2011 và kéo dài cho tới tận bây giờ. Rất nhiều CEO, từ nữ cho tới nam, từ nội cho đến ngoại đã phải ra đi.

 

Ngay như tại VIB, trước bà Đàm Bích Thủy, ông Lê Quang Trung cũng chỉ nắm giữ chức vụ quyền TGĐ trong 4 tháng. Còn ở ABBank, sau bà Trần Thanh Hoa, ông Đặng Quang Minh nắm vị trí CEO trong một thời gian chưa tới một năm trước khi chuyển cho ông Phạm Duy Hiếu hiện nay.

 

Việc thay đổi nhân sự cao cấp phần lớn liên quan tới vấn đề tái cơ cấu của ngân hàng theo xu hướng mới, theo định hướng phát triển mới của HĐQT, theo những thương vụ sáp nhập và một phần do những khó khăn mà tổ chức gặp phải.

 

Thực tế cũng cho thấy rằng, có rất ít CEO nữ trong hệ thống ngân hàng Việt Nam. Những trường hợp mới lên gần đây như trường hợp bà Thủy, bà Mai Hoa, bà Thanh Hoa, hay như bà Bùi Thị Mai ở Habubank… cũng đã nhanh chóng rời các vị trí cao nhất này.

 

Sau khi từ nhiệm, bà Mai Hoa (cựu CEO VIB) chuyển sang làm phụ trách khối ngân hàng doanh nghiệp tại Maritime Bank; bà Thanh Hoa (cựu CEO ABBank) không biết về đâu; bà Thủy (CEO VIB) chưa biết về đâu; còn trước đó cựu CEO Habubank, bà Bùi Thị Mai đã bị giáng chức và thuyên chuyển sang làm nhân viên đòi nợ sau khi Habubank sáp nhập vào SHB.

 

Hầu hết các cựu CEO nữ này đều có bằng cấp, trình độ rất cao, có kinh nghiệm và nhiều người được các chuyên gia tài chính trong ngoài nước đánh giá cao. Mặc dù vậy, các “nữ tướng” nhiều khi số phận hẩm hiu, không thuận.

 

Trong trường hợp bà Mai, cựu CEO Habubank này gặp rất nhiều khó khăn sau khi ngân hàng này dính vào một số khoản cho vay với một số tập đoàn. Hơn chục năm điều hành ngân hàng, cả nửa thập kỷ là phó chủ tịch HĐQT, bà Mai gắn bó Habubank - ngân hàng cổ phần đầu tiên của Hà Nội và giúp ngân hàng này phát triển từ quy mô 5 tỷ đồng tài sản lên gần 50.000 tỷ đồng (hồi giữa 2011) nhưng chỉ một vài sai lầm hoặc do gián tiếp mắc sai lầm, ngân hàng đã sụp đổ và bản thân bà cũng thiệt thòi.

 

Một số đánh giá cho thấy, trên thực tế phụ nữ quản trị doanh nghiệp cẩn trọng hơn nam giới và có khá nhiều đột phá như ở các doanh nghiệp. Tuy nhiên, nhìn chung công việc lèo lái doanh nghiệp cùng lúc phải hoàn thành nhiều trách nhiệm trong xã hội và gia đình có thể là áp lực rất lớn đối với họ.

 

Theo Huấn Tú

VEF