Nhóm cổ phiếu của tỷ phú Vượng dẫn dắt; Quốc Cường Gia Lai bứt tốc
(Dân trí) - Trên HoSE, QCG của Quốc Cường Gia Lai tăng mạnh nhất ngành bất động sản, tăng 3% lên 6.570 đồng. Cổ phiếu "họ Vin" cũng tăng giá và đóng góp tích cực cho VN-Index.
Độ rộng thị trường trong phiên sáng đầu tuần (26/8) nghiêng về phía các mã tăng giá trong khi mức tăng của các chỉ số vẫn khiêm tốn.
VN-Index tăng 1,23 điểm tương ứng 0,1% lên 1.286,55 điểm, dần rút ngắn khoảng cách với mốc 1.300 điểm. VN30-Index tăng 2,8 điểm tương ứng 0,21%. HNX-Index nhích nhẹ 0,05 điểm tương ứng 0,02% còn UPCoM-Index giảm 0,2 điểm tương ứng 0,21%.
Thanh khoản cải thiện so với các phiên trước. Khối lượng giao dịch trên HoSE đạt 366,27 triệu cổ phiếu tương ứng giá trị giao dịch 8.223,11 tỷ đồng. HNX có 26,68 triệu cổ phiếu giao dịch tương ứng 494,63 tỷ đồng. UPCoM có 15,29 triệu cổ phiếu giao dịch tương ứng 236,73 tỷ đồng.
Tình trạng phân hóa vẫn tiếp diễn tại các nhóm cổ phiếu song nhìn chung sắc xanh vẫn chiếm ưu thế.
Tại ngành bất động sản, QCG của Quốc Cường Gia Lai tăng mạnh nhất HoSE, tăng 3% lên 6.570 đồng. Cổ phiếu "họ Vin" tăng giá và đóng góp tích cực cho chỉ số: VRE tăng 2,1%; VHM tăng 1,9% và lấy lại mốc 40.000 đồng, tăng giá lên 40.500 đồng; VIC tăng 1,3% lên 42.100 đồng.
Một số mã khác cùng ngành cũng đạt được trạng thái tăng giá là ITC, AGG, HDG; IJC, VPH, HQC, HTN, LDG. Ngược lại, NVT giảm 4,8%; VRC giảm 2,1%; TDC, D2D, BCM, NBB, TDH, SIP, SZL giảm giá.
Ngành ngân hàng chứng kiến hoạt động giao dịch sôi động tại VPB. Mã này tăng 2,4% lên 19.200 đồng, khớp lệnh rất mạnh, tới 28 triệu cổ phiếu. MSB, TCB, BID, NAB, EIB tăng nhẹ. Các mã HDB, STB, VCB, CTG và SSB điều chỉnh giá song biên độ không lớn.
Nhiều cổ phiếu dịch vụ tài chính tăng giá nhưng mức tăng không đột phá. TVS tăng 2,7%; VND tăng 1,9%; VCI tăng 1,2%; ORS, EVF, VIX, SSI, HCM, TCI tăng nhẹ. Nhóm xây dựng và vật liệu cũng khá tích cực với DC4 tăng trần; HT1 tăng 3,4%; EVG tăng 3%; HBC tăng 2,7%; TCD tăng 2,1%; VGC, DPG, CTD, LCG tăng tốt.
Tại ngành thực phẩm và đồ uống, nếu VNM giảm 1,5%; SBT giảm 1,5%; DBC, IDI, MSN, KDC, FMC, CMX điều chỉnh nhẹ thì cổ phiếu VCF lại tăng trần, HAG tăng 1,9%; ASM tăng 1,6%; VHC tăng 1,2%.
Theo nhận định của chuyên gia VNDirect, thị trường duy trì xu hướng tăng điểm ấn tượng trong tuần qua khi chỉ số VN-Index liên tiếp vượt qua các mốc 1.260 điểm, 1.270 điểm và đã tiến sát vùng kháng cự mạnh 1.290-1.300 điểm.
Thị trường đã có dấu hiệu chững lại trong 2 phiên cuối tuần trước ngưỡng kháng cự mạnh kể trên cũng như chờ đợi những thông tin cập nhật của Chủ tịch Fed Jerome Powell về chính sách tiền tệ trong giai đoạn tới từ hội nghị thường niên Jacksonville diễn ra vào cuối tuần này.
Mặc dù gần như chắc chắn là Fed sẽ tiến hành cắt giảm lãi suất trong cuộc họp tháng 9 tới (điều đã được phản ánh vào giá), tuy nhiên, mối quan tâm lớn hiện nay của thị trường là mức độ và cường độ cắt giảm của Fed trong giai đoạn cuối năm nay.
Thị trường kỳ vọng Fed có thể cắt giảm khoảng 0,75-1 điểm % lãi suất điều hành từ nay tới cuối năm. Tuy vậy, nếu Fed đưa ra một kế hoạch thận trọng hơn thì có thể sẽ có những tác động làm điều chỉnh kỳ vọng của nhà đầu tư và thị trường.
Trong bối cảnh đó, các nhà đầu tư trong nước được khuyến nghị nên thận trọng hơn khi những thông tin tích cực phần nào đã được phản ánh vào đà tăng ấn tượng vừa qua của thị trường và VN-Index đang đối diện với kháng cự mạnh tại vùng 1.290-1.300 điểm.
Nhà đầu tư nên hạn chế giải ngân mới với các cổ phiếu đã phục hồi mạnh tại vùng này, duy trì danh mục cổ phiếu ở mức vừa phải và hạn chế sử dụng đòn bẩy cao để quản trị rủi ro.
Nếu thị trường xuất hiện nhịp điều chỉnh về vùng hỗ trợ quanh 1.255- 1.260 điểm sẽ mở ra cơ hội tích lũy thêm cổ phiếu, ưu tiên những ngành có triển vọng cải thiện trong nửa cuối năm 2024 như ngân hàng, xuất khẩu (dệt may, thủy sản, đồ gỗ) và một vài doanh nghiệp bất động sản cụ thể đang có mức chiết khấu sâu vừa qua.