Nhọc nhằn hạt muối xứ Thanh
(Dân trí) - Thanh Hoá có 102 km bờ biển với một lợi thế được thiên nhiên ban tặng để phát triển kinh tế biển nói chung và đời sống diêm dân nói riêng. Hiện toàn tỉnh có khoảng 326 ha đồng muối và 7.000 lao động làm nghề này.
Vụ sản xuất năm 2008, giá muối tăng cao là “món quà” quý giá đối với diêm dân. Tuy nhiên thực trạng đồng muối xuống cấp nhưng các dự án cải tạo, nâng cấp đồng muối chậm như rùa và thông tin Bộ NN&PTNT chủ trương nhập 200.000 tấn muối, khiến niềm vui của diêm dân như hạt muối non mới kết tinh có nguy cơ bị tan hoà vào lòng biển…
Diện tích sản xuất muối toàn tỉnh Thanh Hoá khoảng 325,8 ha. Trong đó, có 41 ha diện tích sản xuất muối sạch, tập trung ở ba huyện ven biển là Hậu Lộc, Quảng Xương và Tĩnh Gia với trên 7.000 lao động làm nghề muối. Sản lượng muối hàng năm đạt từ 25.000 - 30.000 tấn (muối thô) và khoảng 10.000 tấn (muối sạch).
Trao đổi với lãnh đạo Công ty Cổ phần Muối và Thương mại Thanh Hoá, được biết: Đến thời điểm cuối vụ, sản lượng muối toàn tỉnh mới đạt khoảng 60% kế hoạch năm, nguyên nhân do thời tiết năm nay không thuận. Mặc dầu giá muối tăng cao nhưng lại là năm diêm dân cả nước mất mùa muối không riêng gì Thanh Hoá.
Do vậy, Bộ NN&PTNT chủ trương nhập 200.000 tấn muối nhằm bù vào lượng muối dự kiến sẽ thiếu hụt. Nhưng khó khăn nhất đối với đồng muối Xứ Thanh là: từ khi xoá bỏ bao cấp, do giá muối thấp, diêm dân không có điều kiện đàu tư tái sản xuất….Kéo theo một hệ luỵ đó là việc diêm dân để các diện tích muối xuống cấp, ảnh hưởng đến năng suất, hiệu quả và đời sống của diêm dân.
Chúng tôi về xã Hoà Lộc (Hậu Lộc) vào những ngày nắng cuối cùng của vụ sản xuất muối 2008. Toàn xã có 97,8 ha diện tích sản xuất muối, thuộc hai khu đồng Trương Xá và Nam Tiến, với hơn 1.180 lao động nghề muối. Đây vốn là nghề truyền thống bao đời của bà con diêm dân Hoà Lộc.
Chính vì thế, dẫu bao khó khăn, nặng nhọc trên đồng muối, thậm chí có những lúc giá muối xuống thấp đến mức không mua nổi bó rau thì phần lớn diêm dân nơi đây vẫn nặng lòng với nghề muối.
Bác Lê Quang Hoà, thôn I- Tam Hoà, người đã hơn 40 năm lận đận với nghề muối tâm sự: “Cuộc sống của cả 6 người trong gia đình tôi chỉ trông vào hơn 100 ngày ông trời cho nắng và 6 suất ruộng. Năm nay, giá muối cao nhưng mưa nhiều và giá cả đầu vào cái gì cũng tăng cao nên một yến muối (10kg) cũng chỉ cho thu nhập 60.000 đồng!”.
Bí thư đảng ủy xã Hoà Lộc, ông Đỗ Văn Hồng cho biết: “Năm nay, do giá muối luôn ổn định và tăng cao (từ 1.000 - 1.200 đồng/kg lên 1.800 - 1.900 đồng/kg) nên giá trị doanh thu từ muối trong 6 tháng đầu năm ở xã chúng tôi đạt khoảng 3 tỷ đồng. Nếu ổn định được giá muối, đồng thời Nhà nước có sự đầu tư, hỗ trợ vốn cho diêm dân cải tạo, mở rộng diện tích đồng muối… Tôi tin tưởng đồng muối Hoà Lộc sẽ cho năng suất và hiệu quả cao hơn rất nhiều”.
Các cấp, ngành chức năng cũng đã thấy được vấn đề đồng muối xuống cấp. Cụ thể tại huyện Hậu Lộc từ năm 2000, tỉnh đã cho lập dự án cải tạo, năng cấp đồng muối Hải Lộc và Hoà Lộc, bằng vốn ngân sách của tỉnh nhưng đến nay dự án vẫn chưa được triển khai.
Năm 2004, Bộ NN&PTNT phê duyệt dự án cải tạo cơ sở hạ tầng đồng muối xã Hải Lộc, với nguồn vốn trên 12 tỷ đồng, đã cấp vốn chuẩn bị đầu tư 100 triệu đồng nhưng hiện vẫn đang chờ thực thi! Bên cạnh đó, việc tiêu thụ muối hiện do 3 Công ty đảm nhiêm nhưng mới chỉ thực hiện được gần 2/3 sản lượng muối.
Thành Hưng - Nguyễn Duy