1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Nhiều ông lớn công nghệ thế giới đàm phán đặt dự án tỷ USD ở Việt Nam

(Dân trí) - Ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài cho biết hiện có nhiều tập đoàn công nghệ đàm phán trực tiếp về việc đặt các dự án có quy mô vốn 500 triệu đến cả tỷ USD tại Việt Nam.

Chia sẻ tại Tọa đàm "Thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài: Hành động và giải pháp đột phá" do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức tại Hà Nội ngày 4/9, nhiều chuyên gia, nhà hoạch định chính sách đưa ra nhiều giải pháp, kiến nghị để thu hút, cạnh tranh vốn đầu tư nước ngoài với các nước khác trong khu vực.

Chúng ta đang đàm phán với các tập đoàn lớn

Theo Cục trưởng Đỗ Nhất Hoàng, Việt Nam hiện nay có sức hấp dẫn từ yếu tố bên trong và ngoài đối với thu hút FDI.

Nhiều ông lớn công nghệ thế giới đàm phán đặt dự án tỷ USD ở Việt Nam - 1

Ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài tiết lộ Việt Nam đang đàm phán với nhiều tập đoàn công nghệ lớn ở nước ngoài đặt nhà máy ở Việt Nam

"Chúng ta có thị trường gần 100 triệu dân, nguồn lực lao động trẻ dồi dào, chi phí sản xuất cạnh tranh, hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới, cải cách thủ tục hành chính đang quyết liệt, vị thế của Việt Nam trên thị trường thế giới đang rộng mở, chúng ta nằm trung tâm Đông Nam Á với giao thông nhộn nhịp... đó là những yếu tố này làm tăng sức hấp dẫn của chúng ta", ông Hoàng cho hay.

Hơn nữa, theo ông Hoàng, việc Việt Nam tham gia nhiều FTA nên nhiều cơ chế có ưu đãi, thị trường miễn thuế đang mở rộng. Đặc biệt, thời gian qua việc xử lý thành công đại dịch Covid-19 với mục tiêu kép vẫn đạt được vì thế Việt Nam càng hấp dẫn hơn.

Cũng theo ông Hoàng, kể từ khi Chính phủ thành lập tổ công tác đặc biệt thu hút FDI, cơ quan này đã phát huy hiệu quả rất tốt. Tổ công tác đặc biệt đã làm việc nhiều tập đoàn công nghệ, các dự án đúng với mục tiêu của chúng ta đặt ra. 

Theo tiết lộ của ông Hoàng, qua quá trình làm việc có nhiều tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới đã đàm phán đặt dự án quy mô lớn từ 500 triệu USD đến cả tỷ USD tại Việt Nam. Do quá trình này vẫn đang đàm phán nên không thể tiết lộ thông tin và dự án.

Ông Nguyễn Văn Toàn, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) đặt câu hỏi, vấn đề sóng FDI đến Việt Nam hay không? Việt Nam có tận dụng được không và những vấn đề nào cản trở để sóng đó đến với chúng ta cần làm rõ để tháo gỡ.

Nhiều ông lớn công nghệ thế giới đàm phán đặt dự án tỷ USD ở Việt Nam - 2

Ông Nguyễn Văn Toàn, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE)

Theo đại diện của VAFIE, với Việt Nam, nguồn nhân lực của chúng ta đang yếu về trình độ, tính kỷ luật, tuy nhiên họ làm việc linh hoạt, sáng tạo. Trong bối cảnh Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 và trí tuệ nhân tạo (AI), đây là điểm mạnh là tiềm năng của nhân lực Việt Nam. 

Ông này dẫn chứng: “Vừa rồi, Samsung đánh giá sau khi đào tạo bài bản 3 tháng, công nhân Việt Nam đã có trình độ tay nghề tương đương ở Hàn Quốc. Bằng chứng mới nhất là hiện đã có 2 kỹ sư làm việc trong bộ phận nghiên cứu, chế tạo camera của tập đoàn này tại Việt Nam”.

Theo TS Nguyễn Đình Cung, chuyên gia kinh tế, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương (CIEM), thành viên Tổ tư vấn của Thủ tướng Chính phủ, việc cơ cấu lại chuỗi giá trị toàn cầu là có, nhưng nói về sự nổi trội Việt Nam thì chúng ta chỉ hơn các nước ở việc tham gia nhiều FTA với các thị trường lớn, chủ yếu trên thế giới. 

Cần chính sách may đo cho từng đối tác

"Chúng ta phải nhìn một cách thực tế, cứ nói dịch chuyển nhưng điều quan trọng là mình muốn gì và đã đạt được gì? Cho đến nay đầu tư nước ngoài phần lớn chúng ta nhận đầu tư các nước châu Á, Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, gần đây là Trung Quốc. Rất ít vốn đầu tư từ Hoa Kỳ, châu Âu. Tại sao lại như thế? Mình kỳ vọng đầu tư từ Hoa Kỳ, châu Âu như kỳ vọng vốn đi kèm công nghệ chất lượng cao lại không có. Vậy phải xem họ muốn gì để đáp ứng”, ông Cung trăn trở.

Nhiều ông lớn công nghệ thế giới đàm phán đặt dự án tỷ USD ở Việt Nam - 3

TS Nguyễn Đình Cung, chuyên gia kinh tế, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương (CIEM)

Theo vị chuyên gia kinh tế của CIEM, hiện cải cách môi trường kinh doanh cũng như chúng ta đi xây 1 cao tốc đẹp, hiện đại nhưng nó lại đặt trong mối quan hệ của nhiều tuyến đường tỉnh lộ, đường liên xã, thôn, làng vẫn đầy chông gai, đi ra cao tốc sẽ không trọn vẹn.

Theo ông Cung, Việt Nam nên có chế độ và chính sách đối với từng nhà đầu tư phải khác nhau, chúng ta gọi đó là "chính sách may đo". Đó là cuộc chơi cùng thắng cho cả hai và chúng ta phải hành động, phát hiện và xử lý đúng vấn đề cho nhà đầu tư.

Theo ông Nguyễn Đình Cung, nói hệ thống luật pháp của Việt Nam ổn cũng chưa hẳn đúng. Hiện, đa số cách tiếp cận xây dựng luật không theo thị trường. Khi triển khai thực hiện, chúng ta phải đưa ra nhiều văn bản, nghị định, thông tư. 

"Từ đó xuất hiện một luật có đến ba nghị định, hàng chục thông tư ở các bộ, ban ngành hướng dẫn khác nhau. Việc chính sách ban hành ra đúng với "ông này" nhưng lại sai với "ông kia". Cái này có lẽ khắc phục bên trên chứ không thể từ dưới lên được.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm