Nhiều nhà hàng, khách sạn cao cấp quyên góp đồ ăn dư thừa để tránh lãng phí

Minh Huyền

(Dân trí) - Để tránh lãng phí thực phẩm, các chuyên gia Đại học RMIT cho biết nhiều khách sạn và nhà hàng cao cấp đã hợp tác với những tổ chức từ thiện địa phương để quyên góp thực phẩm dư thừa.

Theo Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP), ước tính thế giới đã lãng phí 1,05 tỷ tấn thực phẩm năm 2022. Khoảng 19% thực phẩm sẵn có cho người tiêu dùng đã bị thất thoát ở cấp độ bán lẻ, dịch vụ thực phẩm và hộ gia đình.

Bên cạnh đó, khoảng 13% thực phẩm bị thất thoát trong chuỗi cung ứng từ sau thu hoạch đến điểm bán hàng, theo ước tính của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO).

Tiến sĩ Trương Thục Tuyền, Chủ nhiệm bộ môn Công nghệ thực phẩm và Dinh dưỡng, Đại học RMIT Việt Nam, cho rằng sự phí phạm này không chỉ khiến hàng triệu người bị mất khả năng tiếp cận thường xuyên với nguồn lương thực đầy đủ mà còn khiến môi trường suy thoái hơn.

"Sản xuất lương thực gắn liền với lãng phí dẫn đến cách sử dụng đất thay đổi, căng thẳng về nước gia tăng, ô nhiễm và mất đa dạng sinh học", Tiến sĩ Tuyền nhấn mạnh.

Riêng với ngành nhà hàng - khách sạn, Tiến sĩ Daisy Kanagasapapathy, giảng viên ngành Quản trị du lịch và khách sạn tại Đại học RMIT, cho biết lãng phí thực phẩm là một vấn đề phức tạp xuất phát từ nhiều lý do.

"Các khách sạn và nhà hàng thường chuẩn bị lượng lớn thực phẩm để tránh bị thiếu hụt khiến thức ăn bị thừa mứa rồi đổ bỏ", bà nói.

Nhiều nhà hàng, khách sạn cao cấp quyên góp đồ ăn dư thừa để tránh lãng phí - 1

Ước tính thế giới đã lãng phí 1,05 tỉ tấn thực phẩm năm 2022 (Ảnh: iStock)

Để giảm lãng phí thực phẩm, bà Tuyền cho rằng tiến bộ công nghệ đang mở đường cho việc cắt giảm đáng kể trong lĩnh vực này. Chẳng hạn như phương pháp đóng gói điều chỉnh khí quyển (MAP) và vật liệu đóng gói thông minh có thể kéo dài thời hạn sử dụng, giảm thiểu hư hỏng.

Hay những phương pháp thực hành mới nổi như tiêu hóa kỵ khí chuyển đổi chất thải thực phẩm thành năng lượng tái tạo, nâng cao hơn nữa tính bền vững. 

"Ngoài ra, vật liệu sinh học từ phụ phẩm thực phẩm và chất thải là một lĩnh vực đầy hứa hẹn. Các công nghệ sử dụng quá trình lên men và sinh học tổng hợp có thể biến chất thải nông - công nghiệp thành những sản phẩm sinh học có giá trị...", vị chuyên gia nhìn nhận.

Hiện, lĩnh vực nhà hàng - khách sạn Việt Nam đã có những sáng kiến đổi mới và hiệu quả nhằm giảm lãng phí thực phẩm, phản ánh cam kết bền vững ngày càng tăng.

Tiến sĩ Kanagasapapathy cho biết nhiều chương trình quyên góp thực phẩm đã xuất hiện, trong đó, các khách sạn và nhà hàng cao cấp hợp tác với những tổ chức từ thiện địa phương để quyên góp thực phẩm dư thừa.