Thị truờng chứng khoán:
Nhiều nguyên nhân đưa nhà đầu tư cá nhân đến lỗ nặng?
Nhiều nhà đầu tư cá nhân đã lỗ từ hàng trăm triệu đến bạc tỷ do mua cổ phiếu của các công ty lần đầu lên sàn có giá bị đẩy lên quá cao. Điển hình là giao dịch của cổ phiếu Công ty Cổ phần phát triển nhà Thủ Đức và Công ty Cổ phần Xây dựng và Kinh doanh địa ốc Hòa Bình.
Công ty Phát triển nhà Thủ Đức (mã cổ phiếu là TDH) lên sàn vào ngày 14/12 với giá khớp lệnh phiên đầu tiên là 300.000 đồng/cổ phiếu (chỉ đứng sau 2 “đại gia” là cổ phiếu SJS 509.000 đồng/cổ phiếu và FPT giá 420.000 đồng/cổ phiếu), số lượng cổ phiếu được khớp lệnh là 92.900 cổ phiếu.
Sang phiên thứ hai, giá cổ phiếu TDH tăng lên mức trần (315.000 đồng/cổ phiếu) với số lượng khớp lệnh tăng vọt lên 845.440 cổ phiếu. Bắt đầu từ phiên thứ ba (ngày 18/12), giá cổ phiếu TDH bắt đầu rớt xuống sàn và liên tục xuống dốc rất nhanh.
Phiên 3/1, cả 3 đợt khớp lệnh đều ở mức sàn (174.000 đồng/cổ phiếu), phiên 4/1, đợt khớp lệnh 1 và 2 giá lại xuống sàn (166.000 đồng/cổ phiếu), đợt 3 được đẩy lên trần, phiên 5/1, giá đóng cửa đã tăng lên 200.000 đồng/cổ phiếu nhưng thấp hơn 100.000 đồng so với giá phiên đầu tiên (14/12).
Chị Hoàng Thị Mai, một nhà đầu tư cá nhân than thở: “Do “thắng” trong tháng 11 nên quyết định thế chấp một căn nhà ở quận 3 để vay tiền ngân hàng mua cổ phiếu, trong đó mua nhiều nhất là cổ phiếu TDH trong 2 phiên giao dịch đầu tiên với giá 300 và 315.000 đồng/cổ phiếu”.
Tổng cộng chị Mai mua được 10.000 cổ phiếu TDH với số tiền hơn 3 tỷ đồng. Khi giá liên tục rớt xuống sàn, chị Mai quá hoảng sợ, liên tiếp đặt lệnh bán nhưng không sao bán được do nhiều nhà đầu tư ào ạt bán ra, mãi đến phiên 4/1 chị mới bán được 10.000 cổ phiếu TDH với giá sàn (166.000 đồng/cổ phiếu) và lỗ hơn 134.000 đồng/cổ phiếu (tổng lỗ hơn 1,34 tỷ đồng, chưa kể tiền lãi ngân hàng).
"Tại sao chị lại “chạy đua” vào cổ phiếu TDH với giá quá cao như vậy?" Trả lời câu hỏi này, chị Mai bộc bạch: “Quá tin vào thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng về kinh doanh của Công ty Phát triển nhà Thủ Đức cùng với đi coi một số dự án cao ốc mà Thủ Đức liên doanh với công ty của Hàn Quốc xây dựng, tôi đã quyết định vội vàng mua ngay cổ phiếu TDH với giá quá cao, tôi bị những cổ đông lớn của Thủ Đức quật ngã quá đau”.
Những ngày đầu năm mới, tại sàn giao dịch của các công ty chứng khoán ở TPHCM, nhiều nhà đầu tư bàn bạc khá sôi nổi về cổ phiếu của Công ty Cổ phần Xây dựng và Kinh doanh địa ốc Hòa Bình sau khi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho phép công ty này mua lại 55.900 cổ phiếu của chính mình (mã chứng khoán là HBC) theo phương thức khớp lệnh hoặc thỏa thuận với thời gian thực hiện là 90 ngày kể từ ngày 4/1/2007.
Thông báo của Trung tâm Giao dịch Chứng khoán TPHCM nêu rõ mục đích mua lại cổ phiếu quỹ của công ty nhằm giảm lượng cổ phiếu HBC đang lưu hành và tăng cổ tức cho cổ đông.
Nhiều nhà đầu tư nhận định, trong phiên giao dịch đầu tiên (27/12/2006), giá cổ phiếu HBC đã được một số cổ đông chủ chốt đẩy lên mức quá cao (103.000 đồng/cổ phiếu) so với “chất lượng” thực tế và nhất là so với giá của những cổ phiếu chủ chốt được nhiều nhà đầu tư hâm mộ (phiên 2/1, giá đóng cửa cổ phiếu REE ở mức 128.000 đồng/cổ phiếu) nên trong 4 phiên liên tiếp gần đây (1 phiên cuối năm và 3 phiên đầu năm mới), giá cổ phiếu HBC liên tục rớt xuống mức sàn, nhiều nhà đầu tư bị lỗ mấy chục triệu đồng chỉ sau 6 phiên giao dịch cổ phiếu HBC.
Nhằm ngăn giá trượt dốc nhanh, công ty đã kiến nghị mua lại cổ phiếu quỹ của chính mình và “tung” thông tin quảng cáo (dưới dạng bài PR trọn 1 trang khổ A4) trên Bản tin thị trường chứng khoán của Trung tâm Giao dịch Chứng khoán TPHCM với tựa đề “HBC - cơ hội cho nhà đầu tư”.
Đặc biệt, trong bài PR của mình, Công ty Hòa Bình đưa ra chỉ tiêu kế hoạch doanh số và lợi nhuận ròng 4 năm 2007, 2008, 2009 và 2010 tăng “kinh hoàng” so với năm 2005 và 2006 mà nhiều nhà đầu tư cho rằng “quá bốc, không thể tin nổi”.
Theo đó, năm 2005 và 2006, Công ty Hòa Bình đạt doanh số 133 tỷ và 200 tỷ đồng, lợi nhuận ròng đạt 3,1 và 8,5 tỷ đồng nhưng con số kế hoạch 4 năm tới tăng “chóng mặt”: doanh số theo thứ tự 4 năm là 450 tỷ, 700 tỷ, 1.000 tỷ và 1.400 tỷ đồng, lợi nhuận ròng tương tự là 23,3 tỷ, 37 tỷ, 53,5 tỷ và 76 tỷ đồng, điều này có nghĩa là chỉ trong vòng 5 năm từ 2005 đến 2010, lợi nhuận ròng tăng 24,5 lần, mức kỷ lục mà nhiều công ty nổi tiếng trên thế giới nằm mơ cũng không thấy.
Việc mua lại cổ phiếu quỹ và tung thông tin tự mình “dự báo” kết quả kinh doanh 5 năm tới đã phần nào đẩy được giá cổ phiếu HBC tăng lên, phiên ngày 4/1 và 5/1, giá đóng cửa cổ phiếu HBC đã tăng lên, tăng 9.000 đồng/cổ phiếu trong 2 phiên, lên 93.000 đồng/cổ phiếu theo cơn “sốt nóng” của thị trường giao dịch cổ phiếu.
Tuy nhiên, khi giá thị trường cổ phiếu đi xuống nhanh thì có thể giá cổ phiếu HBC sẽ giảm xuống sàn như trong 3 phiên đầu năm mới và những nhà đầu tư đã mua với giá cao trong 2 phiên giao dịch đầu tiên sẽ bị lỗ rất nặng bởi vì có đặt lệnh bán cũng sẽ không được khớp lệnh do nhiều nhà đầu tư đồng loạt bán ra cổ phiếu HBC.
Đây là một bài học lớn cho những nhà đầu tư dễ dãi tiếp nhận thông tin “tự đánh bóng mình” thông qua phương tiện thông tin đại chúng của các công ty chuẩn bị lên sàn, mà không chịu khó tìm hiểu bề sâu của những thông tin công ty công bố, hoặc tham khảo ý kiến tư vấn của các chuyên gia tài chính và trung tâm chứng khoán.
Theo Hoàng Lộc
Vneconomy