"Nhiều người ở nông thôn nghe giá nhà thành phố ngất luôn"
(Dân trí) - "Thị trường thực chất đang quá tập trung vào các dự án nhà ở cao cấp, giá bán toàn hơn 40 triệu đồng/m2, thậm chí ở Nha Trang cũng có những tòa nhà chung cư có giá lên tới cả 100 triệu đồng/m2, nhiều người ở nông thôn nghe giá nhà thành phố ngất luôn. Nhiều người bán cả căn nhà ở quê ra Hà Nội có khi chỉ mua nổi 1m2 đất", nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng phát biểu.
Phát biểu tại một hội nghị diễn ra mới đây, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam nhận định, giá cả hiện là một trong những thách thức mà thị trường bất động sản phải đối mặt trong năm 2017.
"Hiện nay thị trường thực chất đang quá tập trung vào các dự án nhà ở cao cấp, giá bán toàn hơn 40 triệu đồng/m2, thậm chí ở Nha Trang cũng có những tòa nhà chung cư có giá lên tới cả 100 triệu đồng/m2, nhiều người ở nông thôn nghe giá nhà thành phố ngất luôn. Nhiều người bán cả căn nhà ở quê ra Hà Nội có khi chỉ mua nổi 1m2 đất", ông Nam nói.
Theo ông Nam, tại những thành phố lớn như Hà Nội và TPHCM rất khó tìm những căn nhà có giá dưới 20 triệu đồng/m2 trong khi đó nhu cầu phân khúc này chiếm phần lớn nhu cầu trên thị trường.
"Tôi mới đọc một báo cáo từ một công ty nước ngoài điều tra cho thấy, khi mua nhà, người dân quan tâm đầu tiên là giá cả, và giá cả quan tâm tầm 1-2 tỷ đồng/căn là nhiều nhất. Tuy nhiên, thị trường hiện tại giá nhà 40 triệu đồng/m2 là nhiều, nhiều dự án cũng phải trên 30 triệu đồng/m2. Để mua căn hộ 100m2 mất 3 tỷ đồng, 80m2 cũng 2,5 tỷ đồng. Như thế là bất hợp lý bởi tới 70-80% nhu cầu là nhà trung bình, quy mô nhỏ, giá vừa phải, phù hợp khả năng thanh toán", ông nhận định.
Nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng cũng dẫn thống kê cho biết, nhà ở 2 tỷ đồng trở xuống đang chiếm tỷ lệ 40%, thêm phân khúc từ 2,5-2,8 tỷ đồng thì chiếm tỷ lệ khoảng 60%.
"20% người giàu sẽ mua nhà ở cao cấp, còn 80% còn lại phải mua nhà ở giá rẻ, trung bình. Do đó, phải có sự điều chỉnh", ông Nam nhấn mạnh.
Ông Nam cho rằng, trên thực tế, thời gian qua Chính phủ đã có những chỉ đạo chặt chẽ trong việc kiểm soát dòng tín dụng vào thị trường bất động sản. Cụ thể, chính phủ chỉ đạo cắt giảm các dòng tiền vào bất động sản cao cấp, biệt thự nghỉ dưỡng và tìm các nguồn vốn để phát triển nhà ở xã hội và nhà ở thương mại giá thấp.
"Lâu nay các ngân hàng có những động thái không chuẩn, giật cục. Thị trường bất động sản là đầu tàu của nền kinh tế, chính vì vậy chúng ta cần có chính sách lâu dài, biện pháp dài hơi. Cần phải rà phanh tín dụng đối với bất động sản cao cấp, biệt thự nghĩ dưỡng và nhấn phanh đối với nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá rẻ", ông nói thêm.
Nói về câu chuyện quy hoạch, ông Nam cho rằng, nhược điểm của chúng ra là chưa làm đúng kế hoạch, quy hoạch theo vết dầu loang và phát triển nhà ở còn thiếu một trục thời gian.
"Khi tôi còn làm ở Bộ Xây dựng cách đây vài năm thống kê toàn nước có 4.000 dự án với tổng số 440 triệu m2 nhà ở. Chỉ tính riêng cho các dự án này, không kể do dân xây không tính ở các khu vực nông thôn, đã đủ nhu cầu nhà ở của người dân đến khoảng năm 2035-2040. Như vậy, thì làm gì có thị trường mà cũng không có đủ tiền mà làm. Nếu muốn làm hết các dự án này thì cần khoảng 44 tỷ USD nên tình trạng dự án dở dang, hạ tầng không được hoàn thiện là điều tất yếu", ông Nam cho hay.
Cho rằng việc phát triển nhà ở cao tầng tại đô thị là cần thiết, nhưng Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cũng cho rằng để không phá vỡ quy hoạch thì câu chuyên là phải làm như thế nào.
Ông Nam cho hay, hiện nay chiến lược phát triển nhà quy định các đô thị lớn nhà chung cư phải chiếm 80% để tiết kiệm đất. Việt Nam là một trong những nước có hệ số sử dụng đất rất thấp vì chủ yếu là nhà thấp tầng, vừa không hiện đại vừa nhem nhuốc vừa lãng phí đất. Nhà cao tầng đối với các đô thị là rất bức thiết nhưng vấn đề là chúng ta phải làm nhà cao tầng thế nào.
"Thay vì mình là 3 cái nhà 15 tầng thì chúng ta chuyển sang làm 1 cái nhà 45 tầng, hai miếng đất kia mình làm công viên hạ tầng, điều này là rất tốt, rất có lợi. Chính vì vậy, vấn đề không đươc xây nhà cao tầng là không đúng, thay nhiều nhà thấp tầng bằng 1 nhà cao tầng sẽ đem lại hiệu quả cao nhưng thay nhiều nhà thấp tầng bằng nhiều nhà cao tầng là chết. Vấn đề ở đây không phải nhà cao tầng mà vấn đề là mật độ dân số như thế nào", ông nói thêm.
Phương Dung