Nhiều hệ lụy quanh chuyện biệt thự bỏ hoang ở Hà Nội
(Dân trí) - Biệt thự bỏ hoang trị giá hàng chục tỷ đồng không chỉ gây lãng phí tài nguyên đất mà còn làm bẩn bộ mặt đô thị. Câu chuyện này một lần nữa đặt ra vấn đề cần áp dụng chế tài, đánh thuế lũy tiến nhà ở nhằm hạn chế đầu cơ.
Nơi “đỗ chân” của trộm cắp, nghiện ngập
Hàng chục biệt thự xây thô rộng cả trăm mét vuông nằm trong cụm chung cư An Sinh thuộc Mỹ Đình II, Từ Liêm đang bị bỏ hoang từ 5 năm nay khiến cỏ mọc um tùm.
Theo một số người dân sống ở quanh khu vực này thì những biệt thự để không đó ngẫu nhiên trở thành nơi “đỗ chân” của những kẻ trộm cắp, nghiện hút.
Hơn nữa, sự hoang vắng do quá ít người đến sinh sống cộng với lối thiết kế của các biệt thự liền kề luôn nằm san sát nhau lại đồng nhất về chiều cao, hình dáng trong các khu đô thị đã khiến những người dân ở đây luôn có cảm giác không an toàn, lo sợ.
Thực tế, tình trạng bỏ hoang biệt thự trong các khu đô thị không phải là cá biệt, thậm chí có thể thấy xuất hiện ở hầu hết trong dự án các khu đô thị mới. Sự tồn tại của các biệt thự này không chỉ lãng phí về quỹ đất mà còn thể hiện sự quy hoạch vô lối, làm bẩn bộ mặt đô thị và tạo điều kiện cho các tệ nạn xã hội phát triển.
Các căn biệt thự này đều có giá rất cao, như tại cụm chung cư An Sinh nói trên đang được rao bán trên thị trường khoảng 140 - 150 triệu đồng/m2, tương đương hàng chục tỷ đồng một lô có diện tích từ 100m2 trở lên.
Theo một số nhà đầu tư bất động sản, những trường hợp bỏ hoang như vậy là do có thời điểm thị trường ảm đạm nên nhà đầu tư không muốn bán, nhưng cũng có lúc dù giá đất tăng nhưng họ vẫn còn kỳ vọng tăng cao hơn nên cũng không bán, trừ những người phải đến kỳ đáo hạn ngân hàng…
Và ngay cả trong thời điểm này, với cơ hội sinh lời rất khả quan, nhiều người vẫn có ý định để dành chưa muốn bán vội…
Đánh thuế lũy tiến
Sự việc nhiều biệt thự có trị giá lớn hàng chục tỷ đồng đang bị bỏ hoang tại cụm chung cư An Sinh thuộc Mỹ Đình II, Từ Liêm đã được Thủ tướng Chính phủ có ý kiến chỉ đạo và yêu cầu UBND TP Hà Nội kiểm tra làm rõ, từ đó có biện pháp xử lý kịp thời và báo cáo Chính phủ trước ngày 15/2/2011.
Trao đổi về vấn đề này, ông Vũ Xuân Thiện, Phó cục trưởng cục quản lý nhà và thị trường BĐS (Bộ Xây dựng) cho rằng, không một căn biệt thự nào là không có chủ, vấn đề là người ta chưa ở hoặc chưa có nhu cầu ở. Có thể họ để dành cho con cái hay đầu tư.
Điều quan trọng là những người sở hữu các căn biệt thự này có quyền định đoạt tài sản của mình, không thể nào can thiệp được. Ông Thiện cũng cho rằng, số căn biệt thự bỏ hoang này dù trông rất tức mắt nhưng thực tế chiếm tỷ lệ ít.
Nhưng ở góc độ quản lý, tình trạng bỏ hoang biệt thự như hiện nay sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới thị trường BĐS, đặc biệt là về giá nhà ở, từ đó khoảng cách về nhà ở giữa “kẻ ăn không hết người lần chẳng ra” sẽ ngày càng lớn.
Liên quan đến vấn đề này, các cơ quan chức năng cũng đã đề xuất trong Dự thảo Chiến lược phát triển nhà ở đến năm 2020 là cần điều chỉnh tăng thuế nhà đất nhằm khuyến khích sử dụng có hiệu quả bất động sản và hạn chế đầu cơ.
Trong đó, đánh thuế lũy tiến đối với trường hợp sử dụng nhiều nhà ở, đất ở hoặc có sở hữu nhà với quy mô lớn. Quy định áp mức thuế thu nhập cá nhân cao hơn, nếu cá nhân mua bán nhà ở trong thời gian ngắn từ 1 - 2 năm.
Năm 2010, nhằm kiềm giá nhà ở, Trung Quốc cũng đã đưa ra luật giới hạn mỗi gia đình chỉ được mua một căn hộ mới, tăng lãi suất vay ngân hàng khi mua căn hộ thứ hai và đóng băng tiền thế chấp để mua căn hộ thứ ba nhằm hạn chế đầu cơ vào thị trường nhà ở.
Thậm chí tại Thượng Hải, thành phố giàu nhất Trung Quốc một số nhà phân tích thị trường cho rằng sẽ đánh thuế những gia đình có diện tích nền nhà hơn 200m2 hoặc trên 70m2/người và mức thuế có thể là 0,4 - 0,8% giá trị căn hộ.
Lan Hương