1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Chuyên gia: Nên tạm ngừng và cho nhập khẩu lại xăng dầu từ đầu tháng 7

(Dân trí) - Như Dân trí đã đưa tin, tuần qua, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã có đề xuất tạm ngừng nhập khẩu xăng, dầu. Đề nghị này có thực sự cần thiết?

Chuyên gia: Nên tạm ngừng và cho nhập khẩu lại xăng dầu từ đầu tháng 7 - 1

Việc nhập hay ngừng nhập khẩu xăng dầu ở thời điểm này đang gây tranh cãi 

Do đại dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, không chỉ ảnh hưởng rất lớn đến đời sống, dinh hoạt, đi lại của người dân mà còn đến hầu hết các doanh nghiệp thuộc hầu hết các lĩnh vực. Hàng loạt doanh nghiệp sử dụng nhiều nhiên liệu xăng, dầu hàng không, vận tải giảm qui mô, tần suất hoạt động; hàng vạn doanh nghiệp đang sản xuất, kinh doanh bình thường đình trệ hoặc hoạt động cầm chừng.

Tất cả những điều này dẫn đến sản lượng kinh doanh xăng dầu trong nước sụt giảm rất mạnh so với cùng kỳ năm 2019 và tình hình này dự kiến còn kéo dài trong nhiều tháng tới. Theo đánh giá của PVN, tình trạng này làm cho tồn kho sản phẩm xăng dầu trong nước luôn ở mức cao, nhất là mặt hàng xăng.

"Trong một số thời điểm, tồn kho xăng ở trên mức 90%, vượt xa mức quy định của ngành Công Thương", đại diện PVN cho biết.

Nhưng trái với xu hướng nhu cầu nhập khẩu đã giảm, mức độ tiêu thụ xăng dầu trong nước giảm mạnh thì hiện nay, theo các số liệu thống kê, nhập khẩu xăng dầu vẫn ở mức cao. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến việc tiêu thụ xăng dầu trong nước.

Nguồn tin từ Tổng cục Hải quan cho biết, trong 3 tháng đầu năm nay, tổng lượng nhập khẩu các sản phẩm xăng dầu về Việt Nam khoảng 1,85 triệu tấn, chiếm 61,67% tổng nhu cầu tiêu thụ trong nước.

"Con số trên cho thấy thị trường đang có bất cập là trong khi lượng tồn kho xăng dầu trong nước đang lớn thì Việt Nam vẫn nhập khẩu rất mạnh xăng, dầu, tốn kém một nguồn ngoại tệ không nhỏ", một chuyên gia ngành Công Thương cho biết.

Ở một góc nhìn khác, ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam (VEA) nói: "Chính vì lượng xăng dầu trong nước tồn kho nhiều nên nếu nhập khẩu quá lớn về thì rất lãng phí về nguồn lực, tài chính. Hơn nữa, việc gia tăng các hoạt động nhập khẩu, vận tải từ nước ngoài về cũng không tốt cho công tác phòng, chống dịch do phải tổ chức nhân sự, người đi vận tải, nhập hàng về".

Theo ông Ngãi, trong vài tháng tới, lượng xăng dầu trong nước hiện có vẫn phục vụ đủ cho nền kinh tế cho nên, nếu có nhập khẩu thì nên bắt đầu vào cuối tháng 6 hoặc đầu tháng 7/2020 khi lượng xăng dầu trong nước đã giảm.

Còn theo ông Lê Xuân Nghĩa. thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ của Chính phủ, việc tạm ngừng nhập khẩu xăng dầu ở thời điểm này cũng nên làm.

"Hiện nay, dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, nhu cầu sử dụng dầu thô, xăng tinh chế cũng như các sản phẩm hóa dầu nội địa trong tháng tới khả năng còn rất chậm. Cho nên, lượng xăng dầu và sản phẩm hóa dầu tồn đọng nhiều, trong khi công suất các khi tích trữ có hạn. Nhập về cũng lãng phí mà có khả năng không còn đủ chỗ chứa", ông Nghĩa nói.

Tuy nhiên, cũng có những ý kiến cho rằng, ở thời điểm này, việc nhiều đơn vị DN nhập khẩu lớn lượng xăng dầu về cũng là bình thường vì như thế sẽ có lợi, và điều này cũng phù hợp quy luật thị trường.

Nhưng một số chuyên gia kinh tế cũng lo ngại nếu dịch bệnh còn kéo dài. Giá xăng dầu còn có thể giảm sâu hơn thì việc nhập khẩu quá lớn ở thời điểm hiện tại lại có thể khiến các DN đầu mối nhập khẩu bị thua thiệt.

Trong khi đó, hiện tại, 2 nhà máy lọc dầu (NMLD) là NMLD Nghi Sơn và NMLD Dung Quất vẫn đang vận hành ổn định, đáp ứng khoảng 70-80% nhu cầu tiêu thụ trong nước, đảm bảo an ninh năng lượng trong nước.

Theo một chuyên gia về xăng dầu, hiện có tình trạng là nhiều nhà máy lọc dầu ở nhiều nước cũng đang trong tình trạng bể chứa đầy ắp, càng chế biến, xuất bán càng lỗ. Tình hình tại Việt Nam cũng tương tự: Các DN kinh doanh xăng dầu cũng đang kinh doanh sa sút, thậm chí lỗ nặng. Giá dầu thô mặc dù đã giảm rất thấp nhưng vẫn có khả năng giảm mạnh do cuộc chiến về giá dầu giữa Nga và Ả Rập Saudi vẫn tiếp diễn. Do đó, việc nhập khẩu xăng dầu về nhiều có nguy cơ rủi ro cao cho chính các DN nhập về, hơn nữa lại gây khó khăn lớn cho các DN trong nước.

Nếu các DN trong nước thua lỗ, sẽ lại làm giảm mức đóng góp ngân sách hiện khá lớn của các DN này. Cho nên, việc tính toán nhập hay ngừng nhập ở thời điểm này, rất cần có quyết sách từ Chính phủ để đảm bảo hiệu quả điều hành xăng dầu cao nhất.

Hà Nguyễn

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm