Nhiều doanh nghiệp Trung Quốc "khăn gói" rời thị trường chứng khoán Mỹ

(Dân trí) - Vài năm trước các công ty Trung Quốc còn nô nức chuẩn bị niêm yết trên thị trường chứng khoán Mỹ. Nhưng đến nay, ngày càng có nhiều doanh nghiệp nước này phải khăn gói ra đi do cổ phiếu ế ẩm và cả những cáo buộc vi phạm về nguyên tắc kế toán.

Cách đây vài năm các công ty Trung Quốc đã đua nhau hướng tới thị trường tài chính phố Wall. Họ đến đây không chỉ với mong muốn bán cổ phần để huy động vốn mà còn xem đó như cơ hội để đánh bóng tên tuổi. Thế nhưng đến nay không ít doanh nghiệp đã phải rời cuộc chơi do cổ phiếu bị các nhà đầu tư thờ ơ trong khi không ít công ty bị cáo buộc nhập nhèm trong hoạt động kế toán.
Niêm yết tại Mỹ từng là “mốt” của doanh nghiệp Trung Quốc
Niêm yết tại Mỹ từng là “mốt” của doanh nghiệp Trung Quốc

Mới đầu tuần này Focus Media Holding Ltd đã thông báo việc chủ tịch của mình và các quỹ đầu tư tư nhân muốn mua lại toàn bộ lượng cổ phần đang giao dịch trên thị trường Mỹ để chuyển công ty quảng cáo có trụ sở tại Thượng Hải thành doanh nghiệp tư nhân. Theo hãng thông tin tài chính Dealogic, thương vụ này dự kiến sẽ trị giá khoảng 3,5 tỷ USD.

Không chỉ các doanh nghiệp lớn mà các công ty nhỏ của Trung Quốc cũng đang rút lui khỏi các sàn giao dịch Mỹ. Trong một động thái tỏ sự ủng hộ, một tạp chí kinh doanh của Trung Quốc khẳng định ngân hàng trung ương nước này sẽ cấp 1 tỷ USD vốn vay để giúp các công ty niêm yết tại nước ngoài chuyển vốn về trong nước.

Hoạt động lui quân này của các doanh nghiệp Trung Quốc diễn ra ngay sau khi một số công ty bị cáo buộc có hoạt động kế toán không minh bạch. Bên cạnh đó những bất đồng giữa Bắc Kinh và Washington trong việc liệu các cơ quan chức năng Mỹ có thể giám sát các công ty kiểm toán có trụ sở tại Trung Quốc hay không khiến các doanh nghiệp này cũng e ngại. 

Một số công ty Trung Quốc thì tiết lộ rằng họ buộc phải rút khỏi thị trường Mỹ bởi giá cổ phiếu của họ ở đây rất thấp, không phản ánh được sức mạnh của doanh nghiệp. Ngoài ra họ cũng ra đi do không muốn chịu chi phí từ việc tuân thủ quy định về báo cáo tài chính của Mỹ.

Người phát ngôn của Focus Media cho biết “công ty đã bị thị trường chứng khoán Mỹ định giá quá thấp” và sẽ mua lại cổ phần để trở thành doanh nghiệp tư nhân nhằm thúc đẩy “chiến lược phát triển dài hạn”. Đồng thời vị này cho biết “chúng tôi chưa xem xét việc liệu có niêm yết trên thị trường Trung Quốc hay không nhưng khả năng đó cũng có thể được tính đến”.

Các công ty Trung Quốc niêm yết tại Mỹ đã phải đối mặt với những hoài nghi sau khi công ty kiểm toán của nhiều doanh nghiệp bỏ cuộc còn một số công ty khác lại bị cáo buộc vi phạm các chuẩn mực kế toán. Chính lo ngại về tình hình tài chính của các công ty này đã khiến giá cổ phiếu của họ rớt thê thảm, khiến các nhà đầu tư mất hàng tỷ USD.

“Có lẽ tất cả các công ty này đều có vấn đề đáng ngờ về mặt kế toán, do đó họ thà rời khỏi Mỹ còn hơn là chịu thêm những nghi ngờ”, Marc Faber, giám đốc điều hành quỹ đầu tư Marc Faber Ltd tại Hong Kong nhận định. 

Hồi năm ngoái, một công ty nghiên cứu tài chính là Muddy Waters Research đã cáo buộc Focus Media khai khống số lượng màn hình quảng cáo và đặt câu hỏi về những thương vụ thâu tóm mà công ty này báo cáo. Focus Media sau đó phủ nhận cáo buộc và tuyên bố các kiểm toán độc lập đã xác nhận quy mô mạng lưới của mình. 

Một công ty Trung Quốc đang niêm yết tại Mỹ khác là Fushi Copperweld Inc. cũng đang thông báo hồi tháng 6 rằng một doanh nghiệp tại Hong Kong có tên Abax Global Capital sẽ mua lại cổ phần, để chuyển đổi nhà sản xuất thiết bị dẫn điện này thành doanh nghiệp tư nhân. Dù vậy đây cũng là một trong số một vài công ty bị Muddy Waters cho rằng đã “bắt tay” với một ngân hàng đầu tư để che giấu tình hình thực và làm sai lệch các thông tin tài chính.

Cũng trong tháng 6, China TransInfo Technology Corp., một nhà cung cấp công nghệ quản lý giao thông đã thông báo kế hoạch ngừng niêm yết sau khi nhận được tài trợ từ ngân hàng phát triển Trung Quốc chi nhánh Hong Kong. 

Thanh Tùng
Theo AP