1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Nhiều doanh nghiệp niêm yết trả cổ tức “khủng”

Năm 2014 sắp kết thúc với bức tranh lợi nhuận khá sáng sủa đối với nhiều DN. Trong bối cảnh kênh lãi suất tiết kiệm không còn hấp dẫn, thì cổ tức luôn là một trong những mối quan tâm lớn của nhà đầu tư, đặc biệt là những DN có lịch sử trả cổ tức “khủng”.

Thủy sản Minh Phú (MPC) đã trả cổ tức 2014 tỷ lệ 50% bằng tiền mặt
Thủy sản Minh Phú (MPC) đã trả cổ tức 2014 tỷ lệ 50% bằng tiền mặt
 
Loạt doanh nghiệp tạm ứng cổ tức cao

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA: 
 
Tổng công ty Khí Việt Nam (GAS) mới đây thông báo chốt quyền vào ngày 15/12/2014 để đến ngày 7/1/2015 tiến hành tạm ứng cổ tức đợt 2/2014 bằng tiền mặt cho cổ đông, với tỷ lệ 18%. Với 1,895 tỷ cổ phiếu đang lưu hành, GAS dự kiến sẽ chi ra khoảng 3.411 tỷ đồng cho lần trả cổ tức này. Trước đó, GAS đã chi hơn 2.800 tỷ đồng để tạm ứng cổ tức đợt 1/2014 với tỷ lệ 15%. Như vậy, tỷ lệ cổ tức qua hai lần tạm ứng là 33%, tổng số tiền GAS chi ra vào khoảng 6.211 tỷ đồng.

Tuy nhiên, đây vẫn chưa phải là lần trả cổ tức 2014 cuối cùng của GAS. Được biết, ĐHCĐ thường niên của GAS đã thông qua phương án chi 8.454 tỷ đồng, tương đương 44,6% vốn điều lệ, để trả cổ tức 2014 cho cổ đông.

Với CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk, VNM), việc chốt quyền nhận cổ tức tỷ lệ 20% bằng tiền mặt và nhận cổ phiếu thưởng tỷ lệ 20% hồi trung tuần tháng 8/2014 đã khiến VNM chi ra khoảng 1.668 tỷ đồng để trả cổ tức và phát hành thêm 166,8 triệu cổ phiếu mới. Hồi tháng 5, VNM cũng đã chi lượng tiền tương đương để trả 20% cổ tức bằng tiền. Năm 2013, VNM trả cổ tức là 48% bằng tiền, trong khi kế hoạch ban đầu là 30%.

Được biết đến là những DN có lịch sử trả cổ tức cao từ 30 - 70%, CTCP Công viên nước Đầm Sen (DSN) tiếp tục trả cổ tức năm 2014 là 36%. Năm 2013, DSN đã trả cổ tức tổng cộng là 60% bằng tiền, trong khi kế hoạch trước đó là 30%. Trong khi đó, CTCP Xuất nhập khẩu thủy sản Bến Tre (ABT) tiếp tục giữ mức cổ tức năm 2014 tương đương mức của năm 2013 là 45% bằng tiền mặt. ABT đã hoàn tất việc thanh toán 45% cổ tức 2014 bằng tiền cho cổ đông sau khi chia cổ tức đợt 3 là 15% vào đầu tháng 12 vừa qua.

Nhiều DN khác cũng đã trả cổ tức khá cao như Fideco (FDC) hiện đã tạm ứng cổ tức 36% và tăng mức chia cổ tức cả năm từ 12% lên 48%; Thủy sản Minh Phú (MPC) và Vận tải Safi (SFI) cùng 50% bằng tiền mặt; Đạm Phú Mỹ (DPM) cũng là 50% (trong đó 15% bằng cổ phiếu), CTCP Sadico Cần Thơ (SDG) và CTCP Dược phẩm Hà Tây (DHT) tạm ứng cổ tức 20%...

Khá ấn tượng với CTCP Phát triển hạ tầng Vĩnh Phúc (IDV) bởi đây là công ty đầu tiên trên cả hai sàn có lịch trả cổ tức năm 2015. Công ty đã hoàn thành việc chia cổ tức năm 2014 hồi cuối tháng 5/2014 và ngày 31/12 tới sẽ thực hiện tạm ứng cổ tức bằng tiền năm 2015, với tỷ lệ 20%.

Theo kế hoạch kinh doanh trong năm tài chính 2015 của IDV được ĐHCĐ thường niên Công ty vừa thông qua, Công ty đặt mục tiêu tổng doanh thu 85 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 48 tỷ đồng và tỷ lệ chia cổ tức tới 90%; trong đó, 40% trả bằng tiền mặt và 50% bằng cổ phiếu. 

Những cái tên có thể gây thất vọng

Nhắc đến mức chi trả cổ tức “khủng” trong nhiều năm liên tiếp của các DN niêm yết trên cả hai sở GDCK, nhiều nhà đầu tư khó có thể quên được những cái tên như GAS, VNM, DPM, VBC, HGM,... Tuy nhiên, không phải DN nào cũng đủ lực để duy trì được mức cổ tức cao như vậy. Nhiều kế hoạch chi trả cổ tức trong năm nay hiện đang bỏ ngỏ hoặc còn ở mức khá thấp.

Nổi bật nhất là CTCP Cơ khí và Khoáng sản Hà Giang (HGM). Năm 2012, Công ty đã tạm ứng cổ tức 2 lần cho cổ đông với tỷ lệ tổng cộng lên đến 100% vốn điều lệ. Năm 2013, dù kế hoạch cổ tức đã được thông qua tại ĐHCĐ ở mức 50%, nhưng HGM đã chi trả 70% cổ tức bằng tiền mặt. Năm 2014, Công ty đặt kế hoạch kinh doanh với chỉ tiêu doanh thu 151,2 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 75 tỷ đồng, thấp hơn 21% so với kết quả đạt được trong năm 2013 và cổ tức dự kiến 50%. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, HGM mới chỉ thực hiện thực hiện tạm ứng cổ tức đợt 1 bằng tiền tỷ lệ 15%.

Một trường hợp khác là CTCP Nhựa Bao bì Vinh (VBC), trong năm 2013, VBC đã trả cổ tức năm 2013 bằng tiền mặt theo tỷ lệ 50%. Nhưng đến thời điểm sắp hết năm, VBC vẫn chưa có thông báo nào về việc trả cổ tức năm 2014.

Kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm 2014 của HGM kém khả quan. Trong kỳ, Công ty đạt doanh thu thuần 82,27 tỷ đồng, giảm 34,13% so với cùng kỳ; lợi nhuận trước thuế 27,57 tỷ đồng, giảm 64,19% cùng kỳ và chỉ hoàn thành 36,76% kế hoạch cả năm. 

Trong khi đó, VBC cho biết, doanh thu và lợi nhuận sau thuế 9 tháng đầu năm 2014 lần lượt đạt 429,41 tỷ đồng và 16,21 tỷ đồng, tương ứng giảm 8,18% về doanh thu và tăng 2,66% lợi nhuận. Năm 2014, Công ty đặt mục tiêu doanh thu đạt 590 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hơn 19,5 tỷ đồng và mức chỉ trả cổ tức dự kiến là 30%.

Nếu không có sự tăng trưởng lợi nhuận đột biến trong quý IV, có lẽ cả HGM và VBC khó có thể duy trì được “phong độ” trả cổ tức khủng như trước.

Theo Thanh Thúy - Tiến Tùng
Đầu tư Chứng khoán

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”