ĐBSCL:

Nhiều doanh nghiệp cá tra tính chuyện "đóng cửa" vì khó đáp ứng tiêu chuẩn mới

(Dân trí) - Một số doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu cá tra ở ĐBSCL nháo nhào tính chuyện ngưng sản xuất khi biết rằng ngày 1/1/2015, cá tra xuất khẩu phải đáp ứng tiêu chuẩn tỉ lệ mạ băng 10% và hàm lượng độ ẩm là 83% theo nghị định 36 của Chính phủ.

Trao đổi với báo chí Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Thủy sản miền Nam - Southvina (KCN Trà Nóc 2, quận Ô Môn, TP Cần Thơ) cho biết: Công ty sẽ đóng cửa vì Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản thông báo từ 1/1/2015 không cấp chứng thư cho các lô hàng xuất khẩu có độ ẩm cao hơn 83% và mạ băng nhiều hơn 10%. Và phía Southvina cho rằng sản xuất 10% băng và 83% độ ẩm thì bán không ai mua vì giá sẽ tăng” - ông Quang nói.

Câu chuyện cá tra đã trở thành vấn đề “nóng” của người dân ĐBSCL trong một thời gian dài. Có ý kiến cho rằng, ngành cá tra rơi vào tình cảnh khó khăn hiện nay là do phát triển nóng vội, vượt ngoài tầm qui hoạch. Tuy nhiên, một lãnh đạo Hiệp hội Cá tra Việt Nam cho biết, qui mô phát triển của cá tra hiện nay là chưa chạm đến qui mô qui hoạch.

Cá tra ở ĐBSCL là vấn đề nóng cả thời gian dài
Cá tra ở ĐBSCL là vấn đề "nóng" cả thời gian dài

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA: 

 

“Đợt bán cá rồi lỗ 1.000 đồng/kg. Với 8 ao nuôi, tôi đang nợ ngân hàng 4 tỷ đồng. Giờ chỉ nuôi cầm chừng chờ thời. Chị đừng đưa tên tôi lên báo” – một người nuôi cá trên cù lao sông Hậu bùi ngùi tâm sự. Đó là một thực tế đáng buồn cho con cá tra ĐBSCL.

Từ những thách thức đầy khó khăn như vụ kiện bán phá giá của Mỹ cách đây hơn 1 thập niên, người nuôi cá và doanh nghiệp xuất khẩu đã chung tay vượt qua “chắn rào cản kỹ thuật” này. Con cá tra trở nên nổi tiếng trên thế giới và bước lên ngôi vinh quang. Thời điểm đó, tỉnh An Giang đã xây dựng biểu tượng cá tra. Và nhiều cù lao nuôi cá tra trên sông Hậu nổi tiếng với sự xuất hiện của hàng loạt tỷ phú cá tra, sắm xe bốn bánh như những tay chơi sành điệu.

Thế nhưng, từ chủ tiệm vàng, lò ấp vịt đến doanh nghiệp bất động sản, có cả quan chức địa phương cũng nhảy vào nuôi cá tra, tranh nhau mở các nhà máy chế biến thủy sản làm rối tung ngành cá tra. Hàng loạt người nuôi cá tố doanh nghiệp mua cá trả tiền chậm, thực hiện không đúng hợp đồng…

Theo Tổng cục thủy sản và chi cục thủy sản các tỉnh ĐBSCL, đến ngày 23/12/2014, lũy kế diện tích nuôi thả mới cá tra là 3.472 ha và diện tích thu hoạch là 3.692 ha (giảm 11,42% so với cùng kỳ năm 2013), sản lượng đạt 1.022.522 tấn (giảm 9,51% so với cùng kỳ năm 2013), với năng suất đạt trung bình khoảng 277 tấn/ha (so với năm 2013 là 279 tấn/ha). Các tỉnh có diện tích nuôi và sản lượng cao như: Đồng Tháp, An Giang, Bến Tre, Cần Thơ (chiếm khoảng 85% tổng diện tích và sản lượng của ĐBSCL).

Lướt qua con số thống kê trên thấy chiều hướng “giảm” khá nhiều. Tuy nhiên, mặt hàng cá tra phi lê vẫn hiện diện ở 137 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đó vẫn là may mắn của mặt hàng cá tra và người nuôi cá tra vùng châu thổ cuối nguồn sông Mekong! Trong bối cảnh đó, Nghị định 36 của Chính phủ về nuôi, chế biến và xuất khẩu sản phẩm cá tra là bước ngoặt quan trọng trong ngành cá tra. Đây là kết quả sau nhiều năm “tranh luận và bàn thảo” về sự thăng trầm của con cá tra.

Nghị định 36 đã tạo ra “bộ khung” để người nuôi, các nhà máy chế biến thủy từ hoạt động “tự do” sẽ chuyển sang kiểm soát theo những qui định cụ thể trong nghị định. Tuy nhiên, hiện tại, một số doanh nghiệp chế biến xuất khẩu cá tra không theo nổi với những qui định có tính chất kiểm soát trong nghị định. Cụ thể, trong nghị định quy định cá tra xuất khẩu phải đáp ứng tiêu chuẩn tỉ lệ mạ băng (lớp nước đóng băng trên bề mặt sản phẩm) 10% và hàm lượng độ ẩm 83%. Nếu áp dụng ngay tiêu chuẩn trên, giá bán phải nâng lên 3,4 USD/kg nên nhà nhập khẩu nước ngoài không chịu mua.

Trao đổi với phóng viên Dân trí nhiều lãnh đạo của các công ty đều cho rằng sau khi nghị định 36 ra đời, công ty của họ đã cố gắng thương thảo nhưng các nhà nhập khẩu không chấp nhận nâng giá và... ngưng mua, họ bảo nếu giá bán tăng thì sẽ chuyển qua sản phẩm khác. Bên cạnh đó, nhiều thị trường cũng không có nhu cầu về sản phẩm có tỉ lệ mạ băng và độ ẩm như nghị định 36 quy định.

Trong bối cảnh các doanh nghiệp đang “ngồi trên lửa” thì tại cuộc trả lời chất vấn sáng nay 31/12, với Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát, cho biết Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý, dời thời gian áp dụng qui định tiêu chuẩn tỉ lệ mạ băng và hàm lượng độ ẩm nói trên đến cuối năm 2015.

Phạm Tâm

 

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”