1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Nhiều doanh nghiệp bán hàng đa cấp ngừng hoạt động

Tính đến tháng 9/2012, cả nước có 77 doanh nghiệp được cấp phép tổ chức kinh doanh đa cấp. Trong đó, 23 doanh nghiệp ngừng hoạt động, 2 doanh nghiệp bị thu hồi giấy phép.

Theo số liệu của Cục Quản lý cạnh tranh - Bộ Công Thương, tính đến tháng 9/2012, cả nước có 77 doanh nghiệp được cấp phép tổ chức kinh doanh đa cấp. Trong đó, 23 doanh nghiệp ngừng hoạt động, 2 doanh nghiệp bị thu hồi giấy phép.

Tại TPHCM, 15 DN bán hàng đa cấp cũng đã ngưng hoạt động, trong đó chỉ có 1 DN bị thu hồi giấy phép do vi phạm, 14 DN còn lại tự chấm dứt hoạt động vì thị trường khó khăn, kinh doanh không hiệu quả. Tại Hà Nội, số lượng DN đa cấp phải ngưng hoạt động cũng không ít.

Theo thống kê, 90% DN hoạt động trong lĩnh vực đa cấp có kinh doanh thực phẩm chức năng, bên cạnh đó là các mặt hàng mỹ phẩm, dụng cụ trang điểm, quần áo thời trang, đồ gia dụng, dụng cụ TDTT, thiết bị vật lý trị liệu… Nhiều DN vì chạy theo lợi nhuận đã vi phạm các quy định pháp luật khi yêu cầu người tham gia mạng lưới phải đóng tiền; cho nhận hoa hồng, tiền thưởng để dụ người khác tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp nhằm trục lợi. Một số DN bán hàng đa cấp còn cung cấp thông tin sai lệch về tính năng, thổi phồng công dụng sản phẩm, bán giá trên trời để trục lợi.

Đặc biệt, thời gian qua, nhiều trường hợp lừa đảo kiểu tổ chức mạng lưới như bán hàng đa cấp đã xảy ra: vụ Golden Rock (năm 2006), Colony Invest (năm 2007), Diamond Holiday (2011) và mới đây là trang thương mại điện tử MB24… Đây là hình thức bán hàng đa cấp trái pháp luật (tại Việt Nam chưa cho phép đưa các dịch vụ mua gian hàng ảo trên mạng, mua suất đi du lịch, nghỉ dưỡng, du lịch… vào kinh doanh đa cấp).

 Mới đây, trong buổi họp bàn về các hình thức bán hàng trái pháp luật, lợi dụng mô hình kinh doanh đa cấp, ông Bạch Văn Mừng, Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh, cho biết cơ quan này đã đề xuất sửa đổi một số điểm trong Nghị định 110/2005 về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp. Theo đó, kiến nghị tăng mức ký quỹ và buộc DN phải báo cáo tình hình kinh doanh cho cơ quan chức năng khi mở rộng hoạt động kinh doanh sang địa phương khác, không cho phép bán hàng đa cấp với hình thức thương mại điện tử… 

Khi việc giám sát, quản lý chưa được thực hiện chặt chẽ, nhiều DN vẫn duy trì kiểu làm ăn chạy theo lợi nhuận, lừa đảo khách hàng thì người tiêu dùng còn tiếp tục hoài nghi, e dè, thậm chí tẩy chay kinh doanh đa cấp. Con số DN bán hàng đa cấp tại TPHCM và Hà Nội phải ngưng hoạt động đã cho thấy hình thức bán hàng này khó tìm được đất sống tại các TP lớn.
 
Theo Thanh Nhân
NLĐ

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm