Nhiệm kỳ cuối của Bộ trưởng Vinh: “Trận đánh lớn” vẫn chưa kết thúc
(Dân trí) - Bộ trưởng cho biết, kết thúc 5 năm trên cương vị “tư lệnh” ngành, ông vẫn chưa khắc phục được tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản, ứng trước vốn kế hoạch nhưng không cân đối được nguồn thanh toán. Một số bộ, ngành địa phương có số nợ đọng xây dựng cơ bản lớn, nhưng chưa có các giải pháp khắc phục hiệu quả.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) Bùi Quang Vinh vừa có báo cáo kết quả thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về hoạt động giám sát chuyên đề và hoạt động chất vấn từ đầu nhiệm kỳ Khoá XIII đến năm 2015 thuộc lĩnh vực kế hoạch và đầu tư. Đây cũng là nhiệm kỳ cuối cùng của ông trên cương vị Bộ trưởng.
“Sửa chữa” hàng loạt vấn đề trong đầu tư công
Trong nhiệm kỳ này, Bộ KH-ĐT “gánh” một trong 3 khâu đột phá quan trọng là tái cơ cấu đầu tư công. Theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, với việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 1792 ngày 15/10/2011 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý đầu tư từ vốn ngân sách Nhà nước và vốn trái phiếu Chính phủ với nhiều đổi mới về cơ chế, chính sách đã mang lại những kết quả tích cực.
Theo đó, trong nhiệm kỳ của mình, Bộ trưởng Vinh đã khắc phục một bước quan trọng tình trạng bố trí vốn phân tán, dàn trải, kém hiệu quả, gây lãng phí, thất thoát; bảo đảm cân đối nguồn vốn và tăng cường quyền chủ động và trách nhiệm của các ngành, các cấp. Tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản từng bước được khống chế, số nợ đọng xây dựng cơ bản giảm nhanh và dự kiến sẽ thanh toán hết trong giai đoạn 2016 - 2020.
Việc ứng trước vốn kế hoạch được quản lý chặt chẽ, chỉ ứng trước trong trường hợp thật sự cần thiết và phải xác định được khả năng hoàn trả theo kế hoạch trung hạn và hằng năm được duyệt.
Còn nhớ, trước Quốc hội, vị Bộ trưởng đã tuyên bố, “đất nước này cần sự minh bạch”, do đó, với việc công khai kế hoạch trung hạn sẽ giúp các Bộ, địa phương thấy được còn bao nhiêu tiền để phân bổ, chữa trị “căn bệnh” xin - cho vốn ăn sâu vào tiềm thức các lãnh đạo Bộ, địa phương trước đó.
Bên cạnh đó, việc ban hành các chính sách, văn bản pháp luật liên quan đến đầu tư công cũng đã tạo điều kiện pháp lý thuận lợi hơn để thu hút, huy động các nguồn vốn đầu tư cơ sở hạ tầng của khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài, đầu tư theo hình thức hợp tác công tư (PPP) và thúc đẩy công tác xã hội hóa trong đầu tư công, nhất là trong các dịch vụ y tế, giáo dục và xây dựng cơ sở hạ tầng ở nông thôn.
Tuy nhiên, Luật Đầu tư công đến năm 2014 mới được thông qua và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2015. Trước thời điểm Luật Đầu tư công có hiệu lực, trong một số trường hợp vẫn chưa khắc phục triệt để tình trạng chồng chéo giữa các văn bản pháp luật có liên quan đến đầu tư công.
Vẫn còn nhiều trăn trở
Nhìn lại nhiệm kỳ hành động, Bộ trưởng Vinh cũng đánh giá, việc triển khai thực hiện và chấp hành các quy định pháp luật của một số đơn vị, địa phương còn thực hiện chưa nghiêm, chưa chấp hành đầy đủ các quy định lập, triển khai thực hiện theo dõi, đánh giá thực hiện kế hoạch, cũng như trong việc quản lý chương trình, dự án đầu tư công.
Bộ trưởng cho biết, kết thúc 5 năm trên cương vị “tư lệnh” ngành, ông vẫn chưa khắc phục được tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản, ứng trước vốn kế hoạch nhưng không cân đối được nguồn thanh toán. Một số bộ, ngành địa phương có số nợ đọng xây dựng cơ bản lớn, nhưng chưa có các giải pháp khắc phục hiệu quả.
Tình trạng ỷ lại vào nguồn vốn của Nhà nước, nhất là ngân sách trung ương chưa được khắc phục. Chưa có nhiều giải pháp, chính sách hiệu quả để thu hút các nguồn vốn đầu tư của các thành phần kinh tế khác tham gia vào đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội của ngành và địa phương.
Trong khi đó, chất lượng chuẩn bị dự án chưa tốt. Một số bộ, ngành và địa phương vẫn đề xuất khởi công mới các dự án trong khi chưa cân đối đủ nguồn vốn để thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản.
Ông Vinh cũng trăn trở, việc huy động đầu tư của tư nhân vào cơ sở hạ tầng chủ yếu tập trung vào lĩnh vực giao thông, năng lượng. Số lượng các dự án theo hình thức PPP nhiều, nhưng chất lượng chuẩn bị dự án còn thấp, chưa đáp ứng yêu cầu đề ra. Chế độ báo cáo, nhất là báo cáo kết quả thực hiện, giải ngân của một số địa phương, đơn vị chưa được thực hiện nghiêm túc.
Phải biết nói “không” với các dự án FDI lạm dụng tài nguyên
Để khắc phục những tồn tại này, Bộ trưởng đề nghị, trong thời gian tới cần phải tiếp tục cơ cấu lại chi tiêu của ngân sách Nhà nước (NSNN) theo hướng sử dụng tiết kiệm và nâng cao hiệu quả, giảm các khoản chi thường xuyên để tăng dần cơ cấu chi đầu tư phát triển.
Đối với nguồn vốn trái phiếu Chính phủ được sử dụng để bổ sung nguồn vốn NSNN, đầu tư cho một số dự án quan trọng trong một số lĩnh vực giao thông, thủy lợi, y tế. Việc huy động vốn trái phiếu Chính phủ phải bảo đảm không ảnh hưởng đến các cân đối vĩ mô và an toàn nợ công.
Đối với các nguồn vốn vay để đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội cần phải được kiểm soát một cách chặt chẽ về mục tiêu, hiệu quả đầu tư và những tác động của vay vốn đến kinh tế vĩ mô, như cân đối ngân sách, lạm phát, dư nợ công, dư nợ Chính phủ và nghĩa vụ trả nợ,…và hiệu quả đầu tư của dự án. Các Bộ, ngành ở trung ương và các địa phương cần nghiêm túc quán triệt tinh thần đó, không vay vốn để đầu tư cơ sở hạ tầng với bất cứ giá nào.
Đối với đầu tư trực tiếp nước ngoài, ông đề nghị cần có chính sách ưu tiên thu hút các dự án có công nghệ tiên tiến hiện đại, thân thiện với môi trường, sản phẩm có sức cạnh tranh cao. Tăng cường huy động các nguồn vốn đầu tư cơ sở hạ tầng theo hình thức hợp tác công tư (PPP).
Ông Vinh nhấn mạnh, trong thu hút đầu tư, tuyệt đối “không cấp phép đối với các dự án sử dụng lãng phí năng lượng, tài nguyên, sử dụng công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường” và “hạn chế các dự án đầu tư làm gia tăng tình trạng nhập siêu, tiêu tốn nhiều năng lượng, khai thác khoáng sản không gắn với chế biến”.
Ông cũng hy vọng, Chính phủ sẽ đẩy mạnh thực hiện chủ trương xã hội hóa đối với các dịch vụ công cộng, trong các lĩnh vực y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân, giáo dục đào tạo, văn hóa, thể thao, các công trình dự án cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất và sinh hoạt của người dân ở nông thôn.
Ngoài ra, trong nhiệm kỳ vừa qua, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cũng đã góp công hoàn thiện chính sách, pháp luật về môi trường kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp phát triển; người dân được phép kinh doanh những gì pháp luật không cấm, thay vì những gì luật cho phép như trước đây.
Trong khâu đột phá tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN), Bộ KH-ĐT đã góp công lớn trong việc ban hành các cơ chế chính sách, tạo khung pháp lý để DNNN hoạt động bình đẳng với doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác; làm rõ trách nhiệm của người đại diện phần vốn Nhà nước; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá của chủ sở hữu, nâng cao tính công khai, minh bạch trong hoạt động của doanh nghiệp.
Bích Diệp