1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Bộ trưởng Vinh: Doanh nghiệp Việt đông nhưng manh mún!

(Dân trí) - Trong phiên thảo luận tại tổ diễn ra ngày 22/10, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh đã chia sẻ khá nhiều vấn đề quan trọng, trong đó, ông cho biết: “từ đáy lòng tôi, điều tôi băn khoăn nhất đó chính là doanh nghiệp tư nhân Việt Nam”.

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh phát biểu tại phiên họp tổ ngày 22/10
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh phát biểu tại phiên họp tổ ngày 22/10

Đất nước thiếu những doanh nghiệp lớn, bài bản

Vị lãnh đạo 62 tuổi với 5 năm trên cương vị tư lệnh Bộ Kế hoạch và Đầu tư và 10 năm làm Chủ tịch tỉnh rồi Bí thư tỉnh ủy cho rằng, một đất nước muốn có tự chủ kinh tế thì doanh nghiệp của đất nước ấy phải phát triển. Nếu một nền kinh tế không có những doanh nghiệp mạnh thì không bao giờ là một nền kinh tế mạnh, và càng không bao giờ là một nền kinh tế tự chủ, sẽ bị phụ thuộc rất nhiều!

Trong khi đó, tuy đã nỗ lực rất nhiều song thực tế doanh nghiệp của Việt Nam vẫn rất yếu, quy mô nhỏ, đầu tư sản xuất ít, làm dịch vụ rất nhiều. Nhìn vào doanh nghiệp Việt Nam có thể thấy: mua bán, ăn xổi. Nền tảng sản xuất của Việt Nam như công nghiệp cơ khí, chế biến chế tạo là rất ít. Những nhà máy ô tô, nhà máy cơ khí trước đây bây giờ vắng bóng.

Thời bao cấp vẫn còn nhiều nhà máy cơ khí lớn, nhưng nay tất cả đều đã chuyển thành các trung tâm đô thị. Việt Nam làm dịch vụ rất nhiều, sản xuất là nền tảng của đất nước nhưng lại càng ngày càng mất đi. Đó là một điều rất đáng lo lắng – Bộ trưởng Vinh chia sẻ. Do đó, ông coi đây là điều trăn trở nhất của mình.

“Không phải là phải trở lại đi lên từ công nghiệp cơ bản nhưng nước nào cũng cần những nền tảng công nghiệp, nhất là công nghiệp cơ khí, chế biến chế tạo. Nhìn lại doanh nghiệp Việt Nam, số lượng thì đông như chủ yếu là các doanh nghiệp kinh doanh buôn bán dịch vụ, nhà hàng khách sạn… Hầu hết là các doanh nghiệp nhỏ, chưa có nhiều doanh nghiệp lớn làm việc bài bản, tạo nền tảng cho đất nước” – ông nói.

Quốc hội, Chính phủ đã làm rất nhiều cho doanh nghiệp như cải cách hành chính, Nghị quyết 19 về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, rồi ban hành Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), Luật Đầu tư (sửa đổi)… và hiện tại, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang đề nghị làm Luật hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ. Ông cũng đề nghị trong Nghị quyết của Quốc hội cần phải một mục nêu rõ về điều này để đưa ra mục tiêu phát triển doanh nghiệp tư nhân trong 5 năm tới.

Việt Nam có một nền nông nghiệp thô sơ

Trăn trở thứ hai mà Bộ trưởng Vinh chia sẻ tại phiên họp đó là Việt Nam là một đất nước nông nghiệp nhưng lại là một nền nông nghiệp hết sức thô sơ.

“Tôi có thể nói về nông nghiệp, nông thôn cả ngày. Anh Võ Kim Cự (đoàn Hà Tĩnh) nói, từ 1 con lợn 2 cân sau 3 tháng đã trở thành con lợn 1,2 tạ, đó là giá trị gia tăng, là tiềm năng của nền nông nghiệp Việt Nam. Khí hậu, đất đai và tài nguyên cho nông nghiệp rất lớn, chúng ta có rất nhiều loại nông sản với sản lượng đứng đầu thế giới, nhưng chất lượng, giá trị gia tăng thì vô cùng thấp” – Bộ trưởng nhận xét.

“Ruộng của chúng ta chia manh mún, bé tí, từ máy bay nhìn xuống, ruộng, kể cả ở đồng bằng sông Cửu Long, chia nát bét, những ô ruộng chỉ bé tí bằng căn nhà này thôi. Ngày xưa ruộng thẳng cánh cò bay thì bây giờ đã phân đất cho hộ gia đình tự cứu lấy mình trong giai đoạn trước, bây giờ tình trạng này đang cản trở lại nền sản xuất lớn”.

Trả lời câu hỏi đại biểu Võ Kim Cự nêu ra “tại sao Việt Nam lại phải đi nhập khẩu ngô và đậu tương?”, ông Vinh cho rằng, lý do đơn giản chính là do kinh tế thị trường điều tiết! Sản xuất một cân ngô và một cân đậu tương ở Việt Nam đắt gấp 3 lần so với Mỹ sản xuất.

“Cánh đồng của họ thẳng cánh cò bay, một công lao động bằng máy móc bằng 1.000 người Việt Nam, nên giá thành ngô của họ chỉ bằng 1/3 giá thành ngô Việt Nam. Cho nên họ có sức cạnh tranh trong khi doanh nghiệp thì chỉ mua của người bán rẻ”, Bộ trưởng Vinh lý giải.

Với thực tế này, Bộ trưởng lo ngại, nếu không chuẩn bị kỹ thì khi hội nhập nông nghiệp là mảng bị tổn thương lớn nhất. Và do vậy, điều khiến ông trăn trở là làm sao để vực dậy nền nông nghiệp và làm sao để đưa nông nghiệp trở thành trụ đỡ nền kinh tế này? Đây là hai vấn đề cực kỳ quan trọng của đất nước. Do đó, ông đề xuất, Nghị quyết của Quốc hội cũng cần nhấn mạnh đến hai lĩnh vực này.

Bích Diệp

Bộ trưởng Vinh: Doanh nghiệp Việt đông nhưng manh mún! - 2

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm