Nhất trí tăng giá dịch vụ tại các cảng biển để tái đầu tư, nâng cao chất lượng

(Dân trí) - Cảng biển tổng hợp tại Việt Nam thì rất nhiều nhưng cảng tàu khách đạt chuẩn thì không có. Giá dịch vụ thu tại cảng còn thấp nên các doanh nghiệp đầu tư cũng không mặn mà.

Đây là nội dung chính trong buổi Hội thảo về các giải pháp kết nối hiệu quả hệ thống hạ tầng chi phí logistic trong lĩnh vực giao thông vận tải và khung giá dịch vụ tại cảng biển.

Việt Nam vẫn chưa có cảng tàu khách chuyên dụng để đón các tàu khách lớn. Nhiều đoàn tàu khách quốc tế đã không cập bến được vào Việt Nam do không có bến tàu chuyên dùng.
Việt Nam vẫn chưa có cảng tàu khách chuyên dụng để đón các tàu khách lớn. Nhiều đoàn tàu khách quốc tế đã không cập bến được vào Việt Nam do không có bến tàu chuyên dùng.

Ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam cho biết, các nước trong khu vực như Malaysia, Thái Lan, Singapore đều có cảng phục vụ tàu khách. Trong khi đó, ở Việt Nam lại chưa có cảng hành khách nào phù hợp với tàu khách mà phải sử dụng cảng tổng hợp để tiếp nhận tàu khách.

“Chúng ta đang thiếu cảng tàu khách trầm trọng. Mấy chục năm làm đại lý cho các hãng tàu khách thì chúng tôi rất khổ khi đi xin cầu bến ở các cảng tổng hợp. Chúng tôi phải năn nỉ các bến cảng tổng hợp để cho tàu khách vào, trong khi cảng tàu khách của người ta thì như cái sân bay. Chúng ta làm ăn kiểu này thì mấy ông tàu khách chạy mất”, ông Hiệp nói.

Ông Nguyễn Văn Công, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận Tải chia sẻ, nước ta chưa có cảng tàu khách và chỉ toàn là cảng tổng hợp. Hiện nay, hai dự án xây dựng cảng hành khách quốc tế đang được triển khai tại Phú Quốc (Kiên Giang) và Hạ Long (Quảng Ninh) với tổng mức đầu tư mỗi dự án khoảng 1.100 tỷ đồng.

Nếu như chỉ cho thu giá dịch vụ cầu bến, phao neo đối với khách du lịch từ 1 – 2 USD/lượt thì phải 50 – 60 năm, chủ đầu tư mới thu hồi vốn.

Chính vì vậy, Bộ Giao thông Vận tải và các đơn vị liên quan đang tìm phương án để các nhà đầu tư có thể trang trải được và thu hồi vốn nhanh hơn. Trong đó, các cơ quan chức năng dự định sẽ điều chỉnh giá dịch vụ hành khách đối với tàu khách và khung giá xếp dỡ container, do các khung giá này đã cũ, không còn phù hợp và thấp hơn các nước trong khu vực.

Cụ thể, giá dịch vụ xếp dỡ container tại các cảng ở Việt Nam dao động từ 30 – 45 USD/container. Trong khi đó, tại Campuchia là 65 USD/container, Malaysia là 52 USD/container, Hồng Kông là 130 USD/container.

Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Công lấy ý kiến các doanh nghiệp về các phương án thay đổi giá dịch vụ tại các cảng biển.
Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Công lấy ý kiến các doanh nghiệp về các phương án thay đổi giá dịch vụ tại các cảng biển.

Tương tự, mỗi hành khách khi cập cảng ở Việt Nam sẽ nộp cho cảng từ 0,9 – 1,1 USD/lượt. Trong khi mức giá này tại cảng biển Singapore, Nhật Bản là 8 USD/lượt, Hồng Kông là 14 USD/lượt. Tức các nước trong khu vực đang có mức giá dịch vụ hành khách và xếp dỡ cao hơn Việt Nam rất nhiều.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Văn Công, quan trọng nhất vẫn là chất lượng dịch vụ tại cảng. Các hãng vận tải và hành khách quốc tế sẵn sàng trả giá cao với dịch vụ tương ứng, nhưng chất lượng dịch vụ của các bến cảng trong nước vẫn chưa đáp ứng được. Các cảng cần phải thay đổi, làm mới mình để đáp ứng xu thế.

Hiện nay, Bộ Giao thông Vận tải đang đưa ra Dự thảo Thông tư ban hành biểu khung giá dịch vụ hoa tiêu, dịch vụ sử dụng cầu bến, phao neo, dịch vụ bốc dỡ container và dịch vụ lai dắt cảng biển tại Việt Nam theo 2 phương án.

Phương án 1, giá dịch vụ sẽ điều chỉnh theo hướng: Khung giá dịch vụ cầu bến, phao neo đối với khách du lịch tối thiểu là 2,5 USD/người/lượt, tối đa là 5 USD/người/lượt. Khung giá dịch vụ bốc dỡ container xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập tái xuất khu vực 1 tăng từ 30 USD/container 20 feet, 45 USD/container 40 feet lên 33 USD/container 20 feet và 55 USD/container 40 feet. Riêng khung giá dịch vụ bốc dỡ container xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập tái xuất khu vực đồng bằng Sông Cửu Long giảm 50% so với khung giá ở dịch vụ tương tự ở khu vực 3.

Nhiều doanh nghiệp nhất trí phương án tăng giá dịch vụ tại các cảng biển hiện nay để tái đầu tư, xây dựng nhằm nâng cao chất lượng phục vụ.
Nhiều doanh nghiệp nhất trí phương án tăng giá dịch vụ tại các cảng biển hiện nay để tái đầu tư, xây dựng nhằm nâng cao chất lượng phục vụ.

Phương án 2, khung giá dịch vụ cầu bến, phao neo đối với khách du lịch tối thiểu là 5 USD/người/lượt, tối đa là 15 USD/người/lượt. Khung giá dịch vụ bốc dỡ container xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập tái xuất khu vực 1 tăng bằng giá khu vực 3, áp dụng theo lộ trình: Năm 2019 là 33 USD/container 20feet và 50 USD/container 40feet (tăng 10%), năm 2019 là 37 USD/container 20 feet và 56 USD/container 40feet (tăng 20%), năm 2030 là 41 USD và 62 USD/container 40 feet (tăng 30%)…

Hiện nay, Bộ Giao thông Vận tải đang nghiêng về phương án 2. Riêng với chi phí dịch vụ hành khách qua cảng biển, Thứ trưởng Nguyễn Văn Công đề xuất tăng lên mức từ 3 - 15 USD/người.

Đại Việt

Nhất trí tăng giá dịch vụ tại các cảng biển để tái đầu tư, nâng cao chất lượng - 4