1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

“Nhập siêu từ Trung Quốc vẫn tăng mạnh”

(Dân trí) - “Nhập siêu từ Trung Quốc đang tăng lên rất mạnh. Ngay cả trong năm 2014, khi có sự việc liên quan đến giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc, việc này vẫn không dừng lại hay giảm đi”, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nói.

Năng lực cạnh tranh của Việt Nam còn thấp

Theo báo cáo thường niên của doanh nghiệp Việt Nam, thực trạng kinh tế thế giới năm 2015 sẽ tiếp tục khó khăn, ảnh hưởng không nhỏ tới nền kinh tế Việt Nam, khi mà Việt Nam đang ngày càng hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới. Bối cảnh đó đã tạo ra nhiều cơ hội và thách thức cho nền kinh tế Việt Nam nói chung và doanh nghiệp Việt Nam nói riêng.

Trong một phát biểu tại Diễn đàn Nữ doanh nhân Việt Nam ngày 8/1 tại TPHCM, bà Phạm Chi Lan nhận định: “Tôi nghĩ thách thức chính đối với Việt Nam là ở vị thế, sức mạnh và khả năng cạnh tranh. Việt Nam vẫn ở giai đoạn đầu của phát triển. Chiến lược 10 năm 2011 - 2020 vẫn nói là đang đột phá về thể chế, hạ tầng và nguồn nhân lực, nằm trong những yếu tố cơ bản mà đến bây giờ đi được nửa chặng đường rồi nhưng chúng ta vẫn chưa làm được bao nhiêu”.

“Nhập siêu từ Trung Quốc đang tăng lên rất mạnh”

Bà Phạm Chi Lan nhận định, thách thức chính đối với Việt Nam là ở vị thế, sức mạnh và khả năng cạnh tranh

Xếp hạng năng lực cạnh tranh giai đoạn 2014 - 2015, Việt Nam mới chỉ đứng thứ 68 trong số 144 quốc gia. Các nhân tố thúc đẩy hiệu suất nền kinh tế, trong đó có độ sẵn sàng về công nghệ chỉ đứng thứ 99, các nhân tố sáng tạo đứng thứ 98, độ tinh tế trong kinh doanh nằm ở mức quá thấp, đứng thứ 106 trong xếp hạng 144 quốc gia.

Theo bà Phạm Chi Lan, doanh nghiệp trong nước vẫn còn đang khó khăn ngay cả khi Chính phủ nói là năm 2014 đánh dấu nền kinh tế bắt đầu khởi sắc, có dấu hiệu phục hồi tuy là chưa vững chắc. Số doanh nghiệp ngưng hoạt động trong năm nay vẫn tiếp tục leo thang với gần 68.000 doanh nghiệp. Đây là con số lớn và rất đáng buồn.

Khi Việt Nam bước vào hội nhập kinh tế quốc tế thì có thể thấy điều đáng “giật mình” là tình trạng nhập khẩu, nhập siêu ở Việt Nam tăng lên khá mạnh. Hai nhóm hàng nhập khẩu cạnh tranh trực tiếp mạnh nhất với hàng của doanh nghiệp Việt Nam là hàng nông sản và hàng tiêu dùng. Một số ngành công nghiệp và dịch vụ có thể khó cạnh tranh phát triển được trong bối cảnh hiện nay.

“Nhập siêu từ Trung Quốc đang tăng lên rất mạnh, kể cả năm 2014 có câu chuyện giàn khoan HD 981 thì vẫn không dừng lại hay giảm đi”, bà Lan nhấn mạnh.

Cơ cấu xuất khẩu của Việt Nam vẫn còn lạc hậu khi mà độ phức tạp về kinh tế của hàng xuất khẩu nước ta khá thấp. Tố chất xuất khẩu của Việt Nam kể cả nằm trong tay các nhà đầu tư nước ngoài cơ bản vẫn là những hàng có mức độ phức tạp thấp, hầu hết là hàng gia công.

Việt Nam hoàn toàn có tiềm năng để vượt lên

“Chúng ta hoàn toàn có năng lực cạnh tranh, có những lợi thế và tiềm năng để vượt lên”, bà Phạm Chi Lan khẳng định.

Tốc độ đô thị hóa của Việt Nam còn thấp, khoảng 32%, nhưng nước ta hoàn toàn có cơ hội để đô thị hóa. “Làn sóng đô thị hóa khắp nơi, ở Việt Nam cũng như các nước khác trên thế giới. Đặc biệt là khu vực châu Á – Thái Bình Dương, khi mà nhiều nước còn có nền kinh tế mới nổi, đang phát triển, tốc độ đô thị hóa chưa cao thì những năm tới dòng chảy này sẽ cực lớn, tạo ra rất nhiều cơ hội cho các nước tham gia”, bà Lan phân tích.

Các chuyên gia kinh tế bàn luận về sức khỏe nền kinh tế Việt Nam trong giai đoạn mới

Các chuyên gia kinh tế bàn luận về "sức khỏe" nền kinh tế Việt Nam trong giai đoạn mới

Nhiều dòng chảy trên toàn cầu đang diễn ra hết sức mãnh liệt, không chỉ là dòng hàng hóa, dịch vụ, dòng vốn mà còn là dòng thông tin, trí thức và nguồn lực con người. Riêng trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, theo như cách nói đầy hình ảnh của bà Lan thì giống như một cái thác đang đổ xuống và chúng ta phải cố gắng làm sao để có thị phần được nhiều nhất trong các dòng chảy này.

Theo bà Lan, động lực phát triển kinh tế của Việt Nam hiện nay phải là khu vực kinh tế tư nhân chứ không phải kinh tế nhà nước hay doanh nghiệp nhà nước. Các doanh nghiệp có thể đóng góp để Việt Nam tiến tới đạt mức tăng trưởng 9,5% trong khoảng 15 năm nữa. Năm 2035, chúng ta có thể vươn lên được gần sát với ngưỡng giàu có.

“Quá trình nâng cao năng lực cạnh tranh của kinh tế Việt Nam đầy những thách thức nhưng nếu nắm bắt được cơ hội thì các doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có thể vượt qua”, bà Lan nói.

Công Quang

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm