Nhập nhèm sữa bột, sữa tươi

Xung quanh vấn đề nhập nhèm nhãn mác của sữa nước làm từ sữa bột với sữa tươi khiến người tiêu dùng nhầm lẫn, doanh nghiệp siêu lợi nhuận, chăn nuôi bò sữa trong nước khó khăn, các cơ quan thuộc Bộ Y tế và Bộ Khoa học Công nghệ vừa có phản hồi.

Nhập nhèm sữa bột, sữa tươi
Người tiêu dùng khó mà phân biệt đâu là sữa bột pha thành nước, đâu là sữa tươi. Ảnh minh họa: Hồng Vĩnh

Một mình, một kiểu?

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:
Trong công văn gửi Tiền Phong (đồng thời báo cáo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long), bà Trần Việt Nga, Phó Cục trưởng An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) tập trung làm rõ khái niệm “sữa tiệt trùng” (sản phẩm cơ bản làm từ sữa bột, sữa cô đặc) được cho là dễ gây nhầm lẫn với sữa tươi.  

Cụ thể, bà Nga cho hay: Trong Quy chuẩn quốc gia về sữa dạng lỏng (viết tắt là QCVN, do Bộ Y tế ban hành theo Thông tư 30/2010/TT-BYT năm 2010, Cục An toàn thực phẩm tham mưu, làm cơ sở pháp lý để ghi nhãn sản phẩm) có hai khái niệm: “sữa tươi tiệt trùng” và “sữa tiệt trùng”. Trong đó, “sữa tươi tiệt trùng” chỉ sữa tươi chế biến bằng công nghệ tiệt trùng; “sữa tiệt trùng” chỉ sản phẩm cũng qua tiệt trùng, chế biến bằng cách bổ sung một lượng nước cần thiết vào sữa dạng bột, sữa cô đặc hoặc sữa tươi. Bà Nga cho rằng, lý do không gọi “sữa tiệt trùng” bằng khái niệm cụ thể hơn (như sữa hoàn nguyên tiệt trùng) vì ngoài những sản phẩm chế biến bằng sữa bột, hoặc sữa đặc, “sữa tiệt trùng” còn gồm cả những sản phẩm làm bằng sữa bột pha với sữa tươi. Đại diện, Cục An toàn thực phẩm khẳng định, khái niệm như vậy là “rõ ràng”, “công khai”, “minh bạch”, phủ nhận việc gây nhầm lẫn.  

Trong khi đó, TS. Phó Đức Sơn, Viện trưởng Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam (thuộc Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Việt Nam) cho biết: Khái niệm “sữa tiệt trùng” mà Bộ Y tế đưa vào QCVN được Ủy ban Tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế (Codex; VN là thành viên chính thức; lãnh đạo Bộ Y tế làm Chủ tịch Codex Việt Nam) chia làm hai khái niệm: “Sữa hoàn nguyên tiệt trùng” (chỉ sản phẩm làm từ sữa bột hoặc sữa đặc) và “sữa pha lại tiệt trùng” (gồm cả sữa bột và sữa tươi). Ông Sơn cũng cho biết, Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) về sữa được cơ quan ông tham mưu cho Bộ Khoa học và Công nghệ công bố (trước QCVN một năm) cũng chấp thuận cách gọi này.

Theo quy định hiện hành, TCVN chỉ là văn bản khuyến khích áp dụng, QCVN là văn bản pháp quy. Thành ra, gần 5 năm qua, từ khi Bộ Y tế ban hành QCVN về sữa đến nay, các loại sữa bột, sữa đặc được pha với nước hoặc một phần sữa tươi tồn tại dưới tên chung chung “sữa tiệt trùng”. Trả lời Tiền Phong với cương vị thành viên tham gia góp ý cho QCVN cách đây gần 5 năm, TS Sơn cho hay, nguyên nhân ban soạn thảo không chia tách khái niệm vì mục tiêu chính là “nhằm quản lý về mặt an toàn thực phẩm, cũng là vì người tiêu dùng”. “Lúc đó, chúng tôi cũng có ý kiến nhưng mục tiêu của Bộ Y tế đưa ra như vậy nên chúng tôi không thể buộc họ tách chi tiết được” – ông Sơn nói.

Sẽ soát xét ?

Người tiêu dùng đang “mắc kẹt” vì sữa bột ẩn náu dưới khái niệm “sữa tiệt trùng”. Ảnh: Sỹ Lực
Người tiêu dùng đang “mắc kẹt” vì sữa bột ẩn náu dưới khái niệm “sữa tiệt trùng”. Ảnh: Sỹ Lực

TS Sơn cho rằng, người tiêu dùng dễ phân biệt giữa sữa tươi và sữa nước làm từ sữa bột hơn nếu khái niệm “sữa tiệt trùng” được chia tách cụ thể thành “sữa hoàn nguyên tiệt trùng” và “sữa pha lại tiệt trùng” như cách gọi được thế giới công nhận.

Cũng theo ông Sơn, nếu làm rõ khái niệm như trên, việc tuyên truyền để người dân phân biệt các loại sữa dễ dàng hơn; doanh nghiệp trong nước đỡ chi phí quảng bá sản phẩm mình là “sữa tươi”; nông dân chăn nuôi bò sữa cũng có lợi. “Qua thực tiễn như vậy thì Bộ Y tế có thể xem xét lại vấn đề và sửa đổi. Quyền là của họ. Dưới góc độ cá nhân, tôi cho rằng, nếu sửa QCVN theo hướng phân biệt khái niệm cụ thể như TCVN sẽ tốt hơn” – ông Sơn nói.

Trong công văn gửi Tiền Phong, dù khẳng định không gây nhầm lẫn khó hiểu nhưng Cục An toàn thực phẩm cho biết: “Cục An toàn thực phẩm – Bộ Y tế đã có kế hoạch đánh giá việc thực hiện các quy chuẩn kỹ thuật sau khi đã ban hành áp dụng được từ 3-5 năm, trên cơ sở đó có kế hoạch soát xét sửa đổi, cập nhật phù hợp, tuân thủ các quy định của quốc tế khi Việt Nam là thành viên của WTO và đáp ứng tình hình sản xuất, kinh doanh thực tế ở Việt Nam. Bộ Y tế đang có kế hoạch soát xét lại các QCVN ban hành từ năm 2010; trong đó có cả QCVN đối với sữa dạng lỏng”.
 
Theo Sỹ Lực
Tiền Phong
 

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”