1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Nhập khẩu xăng dầu: Tình huống khác thường phải có giải pháp khác thường

(Dân trí) - Trong kỳ điều chỉnh xăng dầu trong nước ngày 13/4, giá xăng trong nước vẫn giảm tiếp 600 đồng/lít. Nhưng cuộc tranh luận: Nên đẩy mạnh hay tạm ngừng nhập khẩu xăng dầu vẫn chưa ngã ngũ.

Nhập khẩu xăng dầu, nên theo quy luật thị trường?

Có không ít ý kiến cho rằng, ở thời điểm này, khi giá xăng dầu trên thị trường thế giới giảm, nên đẩy mạnh nhập khẩu xăng dầu. Thậm chí có ý kiến là giảm bớt chế biến, sản xuất xăng, dầu trong nước, tập trung nhập khẩu vì giá đang rất rẻ, có lợi cho người tiêu dùng.

Ông Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Thị trường giá cả, Bộ Tài chính cho rằng, khó có thể yêu cầu 32 doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu trong nước tạm ngưng nhập khẩu khi có những nguồn nhập khẩu xăng dầu, nhất là từ Hàn Quốc đang rất rẻ.

"Các doanh nghiệp họ không làm gì sai, họ có quyền tự do mua bán nên khó có thể bắt họ ngưng bán để chỉ lấy hàng của các doanh nghiệp trong nước cung ứng. Các doanh nghiệp trong nước có thể tham gia cạnh tranh, giảm giá để các doanh nghiệp đầu mối hỗ trợ, tiêu thụ", ông Long nói.

Một số ý kiến chuyên gia kinh tế, người tiêu dùng cũng cho rằng ,ở thời điểm này, việc nhiều đơn vị DN nhập khẩu lớn lượng xăng dầu về cũng là bình thường vì như thế sẽ có lợi cho người tiêu dùng, và điều này cũng phù hợp quy luật thị trường.

Tình huống đặc biệt phải có giải pháp khác

Tuy nhiên, có nhiều chuyên gia kinh tế khác lại ủng hộ việc tạm ngừng nhập khẩu xăng dầu.

Trao đổi với báo chí, PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, nếu ở tình huống thông thường, đề xuất của PVN không thể chấp nhận được. Tuy nhiên, đây là tình huống đặc biệt trong bối cảnh đặc biệt – dịch bệnh diễn biến rất phức tạp, các chuỗi cung ứng đứt gãy, vì thế không thể điều hành theo nguyên tắc thị trường một cách trọn vẹn được.

“Khi xảy ra tình thế đặc biệt phải chấp nhận một sự đánh đổi. Sự đánh đổi này sẽ có người được lợi, sẽ có người chịu thiệt, nhưng tổng thể lợi ích chung phải được bảo đảm. Nếu ngưng nhập khẩu xăng dầu ở thời điểm này - chắc chắn có lợi cho PVN, còn những đơn vị đang nhập khẩu xăng dầu về bán sẽ chịu thiệt, nhưng phải thấy được tổng thể lợi ích trong tình thế này để bảo vệ lập luận nhập khẩu”, ông Thiên nói.

Ông Thiên cũng cho rằng, tình thế thị trường không bình thường thì không thể sử dụng nguyên tắc lưu thông bình thường để giải quyết. Khi mà nguồn cung về xăng dầu tăng mạnh, giá cả hạ thấp, trong khi đó lượng xăng dầu tồn kho trong nước rất cao, nhu cầu tiêu thụ giảm mà vẫn tiếp tục nhập khẩu xăng dầu sẽ gây ra lãng phí nguồn lực của xã hội, thậm chí gây ra cảnh cạnh tranh cùng chết - điều này là không thể được

Theo ông Thiên, trong thời điểm này coi các doanh nghiệp sản xuất xăng dầu trong nước là những tài sản quốc gia vì đóng góp của họ cho quốc gia rất lớn. Điều này không có nghĩa là bảo vệ PVN như một doanh nghiệp độc quyền. Phải giữ những doanh nghiệp như PVN làm trụ cột cho nền kinh tế nhất là sau khi dịch qua đi. Chính vì vậy, dù không muốn nhưng phải hi sinh bớt lợi ích của doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu.

"Bài toán lợi ích này - nhà nước phải đứng ra tính, bên nào đóng góp cho quốc gia, lợi ích và thiệt hại đối với quốc gia thế nào (về mặt sản xuất, ngân sách) để có quyết định đúng đắn nhất. Tôi cho rằng tính hợp lý nghiêng về PVN”, ông Thiên nói

Đáng chú ý, CGKT Trần Đình Thiên cho rằng, hiện nay, giá xăng dầu trong nước liên thông với thế giới, nên cũng có người nhận định việc nhập khẩu xăng dầu là hiện tượng xả hàng vào Việt Nam, gây thiệt hại cho nền kinh tế. Theo ông, suy đoán này cũng có logic của nó. Bởi, khi một đơn vị đang ách tắc về nguồn cầu đều muốn bán hàng để giải toả nguồn cung, đó cũng là hiện tượng bình thường. Song những doanh nghiệp này phải chứng minh được đó không phải là hành vi phá giá.

"Chúng ta đã có quy định điều chỉnh trong thời hạn 15 ngày và theo quy định đó, có thể hoàn toàn kiểm soát được việc này, tránh tình trạng phá giá, gây tổn hại cho sự cạnh tranh lành mạnh", ông Thiên nói thêm.

Ngưng nhập, không có nghĩa giá xăng dầu sẽ giảm mạnh 

Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính, hiện nay, nếu có ngưng nhập không có nghĩa giá xăng dầu trong nước sắp tới sẽ giảm mạnh theo giá thế giới.

"Việt Nam đang tự chủ được khoảng 70 - 80% xăng dầu nhờ vào hai nhà máy lọc dầu trong nước. Tuy nhiên, khi tính giá bán, thường phải chỉ số bình quân giá dầu trong nước cộng với giá dầu nhập nước ngoài, chia theo tỷ trọng nhất định. Hiện giá xăng dầu thế giới đang thấp, nhưng nếu ngưng nhập, giá xăng dầu trong nước sẽ được tính “một cách hợp lý” dựa trên giá dầu đã được nhập và lọc trước đây theo mức giá cũ", ông nói.

Còn theo ông Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ của Chính phủ, việc tạm ngừng nhập khẩu xăng dầu ở thời điểm này cũng nên làm.

"Hiện nay, dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, nhu cầu sử dụng dầu thô, xăng tinh chế cũng như các sản phẩm hóa dầu nội địa trong tháng tới khả năng còn rất chậm. Cho nên, lượng xăng dầu và sản phẩm hóa dầu tồn đọng nhiều, trong khi công suất các khi tích trữ có hạn. Nhập về cũng lãng phí mà có khả năng không còn đủ chỗ chứa", ông Nghĩa nói.

Một số chuyên gia kinh tế cũng lo ngại nếu dịch bệnh còn kéo dài. Giá xăng dầu còn có thể giảm sâu hơn thì việc nhập khẩu quá lớn ở thời điểm hiện tại lại có thể khiến các DN đầu mối nhập khẩu có nguy cơ gặp rủi ro lớn.

Trong khi đó, hiện tại, 2 nhà máy lọc dầu (NMLD) là NMLD Nghi Sơn và NMLD Dung Quất vẫn đang vận hành ổn định, đáp ứng khoảng 70-80% nhu cầu tiêu thụ trong nước, đảm bảo an ninh năng lượng trong nước.

CGKT Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính góp ý thêm: Hiện chỉ có hai tổng kho lớn dự trữ dầu lớn của PVN đặt tại Nhà Bè (TP.HCM) và Hải Phòng. Kho chứa xăng thành phẩm tại hai nhà máy đã đầy, dầu có nhập về cũng chỉ chứa hai kho này. Nhưng kho nào cũng không phải nồi cơm Thạch Sanh, đều đang quá tải do nhu cầu đi lại giảm mạnh. Thế nên, cho tạm ngưng nhập khẩu xăng dầu lúc này là giải pháp giúp PVN bán hết lượng xăng tồn kho”

Hà Nguyễn 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm