1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Nhập "0 đồng" tiền xăng nhưng lại tăng: Khó hiểu

ĐBQH Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cũng cho rằng ngành xăng dầu sử dụng nguyên liệu trong nước mà tính giá thế giới là không ổn.

Dựa trên số liệu cung cấp từ Cục Hải quan TPHCM cho biết, trong 2 tháng đầu năm 2019, kim ngạch nhập khẩu xăng dầu chỉ đạt “0 USD”, vì các doanh nghiệp trong nước sử dụng xăng dầu sản xuất từ nhà máy lọc dầu Dung Quất, nên hạn chế nhập ngoài. Ông Hòa cho rằng, Bộ Công Thương cần tính toán đưa ra lộ trình điều chỉnh giá xăng dầu cho phù hợp, bảo đảm hài hòa lợi ích cho người tiêu dùng và doanh nghiệp.

Ông đánh giá, khi các doanh nghiệp sử dụng nguyên liệu trong nước, hạn chế nhập khẩu sẽ là lợi thế lớn giúp giảm chi phí sản xuất, giảm giá thành sản phẩm, tăng lợi nhuận cho nhà đầu tư, giúp doanh nghiệp có thể cạnh tranh và phát triển. Điều này rất quan trọng, nhất là trong bối cảnh hàng loạt các doanh nghiệp phải đóng cửa, ngừng hoạt động, phá sản do không thể cạnh tranh được thì việc giảm bớt được chi phí sản xuất phần nào sẽ giúp doanh nghiệp giảm bớt gánh nặng, tăng sức cạnh tranh để tồn tại.

Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận, cách thức điều hành xăng dầu trong nước vẫn còn rất nhiều bất cập, nhất là việc điều chỉnh giá xăng dầu theo chu kỳ đang gây ra những khó khăn nhất định cho các doanh nghiệp vận tải, phát triển du lịch, gây ảnh hưởng lớn tới mục tiêu phát triển kinh tế chung của cả nước.

Đáng nói, việc điều chỉnh tăng giá xăng tăng tới 900 đồng/1 lít trong hai tháng đầu năm trong khi xăng dầu nhập khẩu bằng 0 đồng là một bất cập phải xem xét.

"Đành rằng chúng ta vẫn phải đi nhập xăng từ nước ngoài nên giá xăng trong nước vẫn bị phụ thuộc và chịu sự điều chỉnh theo giá xăng thế giới, tuy nhiên, Bộ Công Thương và ngành xăng dầu cũng phải có những tính toán rất cụ thể về tỉ lệ sử dụng xăng trong nước là bao nhiêu và tỉ lệ nhập khẩu là bao nhiêu, trên cơ sở đó để tính toán đơn giá cho phù hợp.

Không thể có chuyện sử dụng 50% xăng dầu trong nước nhưng lại tính giá bán lẻ 100% theo giá thế giới. Như vậy thì quá thiệt cho doanh nghiệp sản xuất và người tiêu dùng", ông Hòa nói.

Ngay cả khi lý giải rằng tỉ lệ xăng dầu nhập khẩu giảm nhưng các nhà máy sản xuất xăng dầu vẫn phải nhập khẩu nguyên liệu từ nước ngoài nên phải tính theo giá thế giới thì điều này cũng không được vị đại biểu đồng tình ủng hộ.

Theo ông Hòa, Việt Nam cũng là quốc gia có tỉ lệ xuất khẩu dầu thô khá lớn, theo thống kê, trong 11 tháng năm 2018, Việt Nam đã xuất khẩu 3,6 triệu tấn dầu thô với trị giá 2 tỷ USD... Riêng với thị trường Trung Quốc, Việt Nam xuất khẩu tới hơn 1 triệu tấn dầu thô, trị giá gần 610 triệu USD. Tức là nguyên liệu trong nước có sẵn nhưng lại chỉ được đào lên đem đi bán với giá rẻ, để rồi phải nhập về với giá cao hơn. Việc này phải xem lại.

"Đây là vấn đề ngành Công thương phải trả lời, chúng ta cũng đã đầu tư rất nhiều nhà máy khai thác, chế biến dầu thô nhưng vì sao dầu thô trong nước vẫn không được sử dụng mà phải  bán đi với giá rẻ. Ở đây là do trình độ kỹ thuật yếu kém, lạc hậu hay còn do vấn đề khác? Lâu nay tôi nghe nhiều dư luận cho rằng, có chuyện "bán tài nguyên để kiếm lợi", câu chuyện này có hay không? Cần phải làm rõ.

Vì việc xuất khẩu nguyên liệu giá rẻ, rồi nhập về với giá cao là một điều vô lý gây thất thoát tài nguyên, thất thu cho ngân sách đồng thời lại khiến người tiêu dùng phải chịu thiệt rất lớn", ông Hòa thẳng thắn.

Từ những khúc mắc trên, ông Hòa mong muốn ngành Công thương giải mã giúp vì sao chúng ta đang "xuất khẩu dầu thô nhưng lại vẫn phải đi nhập dầu thô?", "Vì sao ngành Công thương lại đang tính toán một bài toán bất lợi cho người dân như vậy?".

Ông Hòa cho rằng, với vai trò quản lý ngành, đáng ra ngành Công thương phải luôn tính toán đặt bài toán lợi ích người dân lên hàng đầu. Nếu Bộ Công Thương làm được như vậy thì trong nước hợp này phải giảm giá xăng dầu chứ không phải tăng giá như lần điều chỉnh vừa rồi.

Theo Thái Bình
Đất Việt

bannerchan-bai.gif

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm