1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ
  3. Tư vấn tài chính cá nhân

Nhân viên thận trọng khi nghỉ việc, doanh nghiệp cân nhắc tuyển dụng theo kỹ năng

Trường Thịnh

(Dân trí) - Thông tin công bố vào ngày 16/10 tại hội thảo đổi mới The Makeover 2024, trích từ Báo cáo lương, thưởng, phúc lợi tại Việt Nam năm 2024 của Talentnet - Mercer, báo cáo lương thưởng lớn nhất tại thị trường Việt Nam hiện tại.

Tỷ lệ nghỉ việc tự nguyện giảm, tỷ lệ cắt giảm nhân sự tăng

Trong năm 2024, bối cảnh kinh tế tác động sâu rộng đến thị trường nhân sự. GDP Việt Nam dự kiến tăng nhẹ, đạt mức 5,8% từ 5,1% năm 2023, lạm phát tăng từ 3,3% năm 2023 lên mức dự kiến 3,7% năm nay, theo IMF.

Sự thay đổi khiến người lao động đối mặt áp lực tài chính, mong muốn ổn định công việc. Tại công ty Việt, tỷ lệ nghỉ việc tự nguyện giảm từ 19,4% năm 2023 xuống còn 9,6% trong nửa đầu 2024, theo báo cáo lương, thưởng, phúc lợi tại Việt Nam năm 2024 của Talentnet - Mercer.

Nhưng ở chiều ngược lại, doanh nghiệp phải có giải pháp cân đối ngân sách. Dự đoán năm 2025, tỷ lệ doanh nghiệp cắt giảm nhân sự có thể 7,3%, tăng 6% so với ước tính 2024. Doanh nghiệp Việt cũng cắt giảm tỷ lệ tăng lương từ 6,7% năm 2023 xuống 6,3% năm 2024, doanh nghiệp đa quốc gia giảm từ 6,7% xuống 6,5%.

Nhân viên thận trọng khi nghỉ việc, doanh nghiệp cân nhắc tuyển dụng theo kỹ năng - 1

Kinh tế khó khăn thúc đẩy tỷ lệ nghỉ việc tự nguyện giảm (Ảnh: Shutterstock).

Bà Nguyễn Thị Quỳnh Phương - Giám đốc Bộ phận Tư vấn Nhân sự, Talentnet chia sẻ: "Kinh tế suy giảm khiến doanh nghiệp tìm cách tối ưu bộ máy nhân sự, dẫn đến tỷ lệ cắt giảm gia tăng. Nhưng ở mặt tích cực, cơ hội việc làm mới cũng ra đời. Thực tế, tỷ lệ công ty dự định tuyển dụng thêm tăng từ 37% năm 2023 lên 41,4% năm 2024".

Bà Quỳnh Phương cũng cho biết, tỷ lệ tăng lương dù giảm nhưng giảm nhẹ, thể hiện nỗ lực đảm bảo quyền lợi người lao động của doanh nghiệp. "Khi nhìn vào bối cảnh kinh tế, tôi tin người lao động có thể hài lòng với sự thay đổi nhỏ này", bà kết luận.

Nhằm giúp doanh nghiệp có thêm gợi ý xây chính sách lương, thưởng cạnh tranh và cân đối tốt ngân sách vận hành, bà Quỳnh Phương cung cấp cái nhìn toàn cảnh về trả lương linh hoạt.

Trả lương, thưởng bền vững với giải pháp chi trả linh hoạt

Theo bà Quỳnh Phương, doanh nghiệp khi trả lương linh hoạt cần bám sát 4 trụ cột: tính đồng nhất với thị trường; khả năng thúc đẩy hiệu suất; tính cá nhân hóa; tính minh bạch.

Nhân viên thận trọng khi nghỉ việc, doanh nghiệp cân nhắc tuyển dụng theo kỹ năng - 2

Bà Quỳnh Phương chia sẻ về trả lương linh hoạt tại The Makeover 2024.

Phân tích từng trụ cột, bắt đầu từ tính đồng nhất với thị trường, bà Phương cho biết: "Doanh nghiệp cần chọn thước đo để giúp chính sách lương thưởng tăng tính cạnh tranh, thu hút ứng viên". Những thước đo gồm so sánh toàn ngành, so sánh nội bộ ngành, so sánh với đối thủ trực tiếp, so sánh trong phân khúc cụ thể - ví dụ 50% công ty trả lương cao nhất thị trường.

Với khả năng thúc đẩy hiệu suất, bà Phương đưa ra dẫn chứng: phần trăm lương linh hoạt trong cơ cấu lương của lãnh đạo và quản trị bán hàng thường cao hơn các nhóm nhân viên khác. Bà giải thích đây là những vị trí lãnh đạo tác động trực tiếp đến kết quả kinh doanh của tổ chức. Những giải pháp tương tự khích lệ nhân viên phấn đấu tạo ra kết quả, thúc đẩy tổ chức phát triển.

Tính cá nhân hóa, theo bà Phương, đang được các doanh nghiệp cụ thể hóa bằng việc trả lương theo hiệu quả công việc và cung cấp sự lựa chọn trong danh sách phúc lợi có sẵn.

Cuối cùng, bà Phương nhận định, minh bạch lương không phải là điều bắt buộc mà phụ thuộc vào triết lý trả lương, chiến lược phát triển và hiểu biết của từng tổ chức về bức tranh lương, thưởng tại Việt Nam. Tuy nhiên, bà gợi ý doanh nghiệp nên giao tiếp minh bạch với nhân viên về lương thưởng. Doanh nghiệp không nên mặc định nhân viên sẽ tự nắm bắt và biết ơn vì những nỗ lực đảm bảo mức lương, thưởng cạnh tranh của tổ chức.

Chi trả linh hoạt cũng là giải pháp thu hút nhân tài xuyên biên giới, trong bối cảnh doanh nghiệp Việt đang khai thác những kỹ năng mới và không có sẵn.

Cũng tại sự kiện The Makeover 2024, ông Andree Mangels - Phó tổng giám đốc, Talentnet nhận định lương thưởng chưa đủ cạnh tranh so với quốc tế thường là vướng mắc của lao động nước ngoài khi tiếp cận Việt Nam. Bất chấp điều này, ông chia sẻ: "Nhiều HR đã thành công thuyết phục nhân tài nước ngoài bằng cách trao đổi rõ về tính cạnh tranh của chính sách lương thưởng so với nội địa, đề xuất trả lương linh hoạt dựa trên hiệu quả công việc, cung cấp phúc lợi may đo riêng và trình bày về việc kết hợp tất cả lại, lao động nước ngoài đang có lợi thế như thế nào với mức sống tại Việt Nam".

Nhân viên thận trọng khi nghỉ việc, doanh nghiệp cân nhắc tuyển dụng theo kỹ năng - 3

Ông Andree Mangels nhận định doanh nghiệp Việt có thể thu hút nhân tài quốc tế với chính sách trả lương linh hoạt.

Với tình hình kinh tế hiện nay, thay đổi trong chính sách lương, thưởng nên xuất phát từ việc phân tích cơ sở dữ liệu thực tế nhằm thu hút và giữ chân nhân tài. Doanh nghiệp có thể truy cập cơ sở dữ liệu lớn nhất tại Việt Nam và nhận những gợi ý hữu ích xây dựng chính sách trả lương linh hoạt với "Báo cáo lương thưởng phúc lợi 2024 tại Việt Nam".

Báo cáo có sự tham gia của 594 doanh nghiệp nước ngoài, 59 doanh nghiệp trong nước, 3481 vị trí từ hơn 551.380 người lao động.

Tham khảo thêm báo cáo tại đây: https://tinyurl.com/f42556ws