Nhân vật cho Bamboo Airways vay 7.700 tỷ đồng mà không cần thế chấp là ai?

Văn Hưng

(Dân trí) - Ông Lê Thái Sâm được giới thiệu là có hơn 30 năm kinh nghiệm hoạt động đầu tư, bất động sản, tài chính ngân hàng... Ông hiện là Thành viên HĐQT, đồng thời là cổ đông rất lớn của Bamboo Airways.

Tại phiên họp đại hội cổ đông bất thường lần hai của Bamboo Airways diễn ra sáng 9/5, ông Lê Thái Sâm tiết lộ từ năm 2022 đến ngày 10/4, tổng số tiền Bamboo Airways nợ ông là hơn 7.727 tỷ đồng. Tuy nhiên, hãng bay này vẫn chưa có kế hoạch cụ thể để hoàn trả số nợ gốc và lãi nói trên.

Đáng chú ý, ông Sâm đã ký các hợp đồng cho Bamboo Airways vay tiền mặt không lãi suất và/hoặc lãi suất thấp, đồng thời không yêu cầu tài sản đảm bảo. Doanh nghiệp nói dùng tiền để chi trả cho các hoạt động thường xuyên như thanh toán tiền thuê tàu bay, các chi phí phục vụ mặt đất, kỹ thuật, khai thác bay…

Hiện tại, ông Lê Thái Sâm là Thành viên HĐQT tại FLC và Bamboo Airways. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là tại sao một cá nhân lại cho hãng hàng không vay nhiều tiền đến thế, thậm chí không cần thế chấp? Ông Lê Thái Sâm là ai? 

Theo bản lý lịch trích ngang mà Công ty cổ phần Tập đoàn FLC công bố, ông Lê Thái Sâm (sinh năm 1964) tốt nghiệp Đại học Kinh tế Quốc dân TPHCM năm 1986, có hơn 30 năm kinh nghiệm hoạt động đầu tư, kinh doanh trong các lĩnh vực bất động sản, thương mại dịch vụ, tài chính - ngân hàng.

Ông Sâm cũng được giới thiệu là "người am hiểu sâu sắc về môi trường đầu tư", kinh doanh tại Việt Nam, có vốn kinh nghiệm sâu rộng trong việc xây dựng chiến lược đầu tư, quản lý rủi ro và phân tích thị trường. Bên cạnh đó, ông Sâm có nhiều quan hệ hợp tác với các quỹ đầu tư, các tổ chức, tập đoàn kinh tế lớn trong và ngoài nước.

Từ năm 2016 đến 2020, ông Lê Thái Sâm là Thành viên HĐQT Công ty cổ phần Khu công nghiệp Suối Dầu (Sudazi). Doanh nghiệp này chịu trách nhiệm phát triển dự án khu công nghiệp Suối Dầu với quy mô 133,95ha tại huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa. Ông Sâm cũng từng có thời gian làm việc tại Sở Công nghiệp tỉnh Khánh Hòa, Sở Văn hóa - Thông tin tỉnh Khánh Hòa.

Nhân vật cho Bamboo Airways vay 7.700 tỷ đồng mà không cần thế chấp là ai? - 1

Ông Lê Thái Sâm (ngoài cùng bên phải) vừa nhận hơn 400 triệu cổ phần BAV từ FLC (Ảnh: Bamboo Airways).

Thành viên HĐQT FLC này từng là Ủy viên HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại DIC (mã chứng khoán: DIG). Cụ thể, ông Sâm công tác tại DIC từ tháng 3/2009 đến tháng 5/2012, trước khi có đơn từ nhiệm với lý do "tập trung thời gian cho công việc kinh doanh cá nhân".

Vào tối 8/5, FLC công bố nghị quyết chuyển nhượng hơn 400 triệu cổ phần Bamboo Airways (BAV), tỷ lệ 21,7% vốn điều lệ của Bamboo Airways sang cho ông Sâm. Với việc trước đó đã nắm giữ 231,7 triệu cổ phần BAV, tương ứng 12,53% vốn, ông Sâm hiện có thể sở hữu đến hơn 34% vốn Bamboo Airways.

Tại phiên họp sáng nay, cổ đông đã biểu quyết thông qua việc ủy quyền cho HĐQT Bamboo Airways thực hiện các thủ tục cần thiết nhằm triển khai phương án phát hành cổ phần riêng lẻ để tăng vốn điều lệ. Kế hoạch này thực chất được ông Lê Thái Sâm đưa ra kiến nghị vào ngày 3/5.

Theo đó, sắp tới Bamboo Airways sẽ phát hành 1,15 tỷ cổ phần riêng lẻ, với mệnh giá 10.000 đồng/cổ phần, tương ứng giá trị cổ phần phát hành theo mệnh giá là 11.500 tỷ đồng. Hiện vốn điều lệ của hãng này là 18.500 tỷ đồng. Sau khi phát hành thành công, vốn điều lệ của Bamboo Airways sẽ đạt mức 30.000 tỷ đồng.

Đối tượng chào bán cổ phần là các chủ nợ của Bamboo Airways, cho công ty vay tiền mà không có hoặc không yêu cầu tài sản đảm bảo; tổng dư nợ từ 1.000 tỷ đồng trở lên và chủ nợ có yêu cầu hoán đổi nợ thành cổ phần; các nhà đầu tư chiến lược là tổ chức, cá nhân có tiềm lực tài chính hoặc kinh nghiệm trong lĩnh vực kinh doanh của Bamboo Airways mà HĐQT xét thấy mang lại lợi ích, hỗ trợ cho công ty. Sau khi mua cổ phiếu, nhà đầu tư chiến lược trở thành cổ đông sở hữu trên 5% vốn của Bamboo Airways.

Theo ông Nguyễn Ngọc Trọng, Chủ tịch HĐQT Bamboo Airways, nguồn vốn mới sẽ giúp hãng hàng không giảm dư nợ cũ, tiếp tục đẩy nhanh và mạnh kế hoạch gia tăng số lượng đội tàu bay. Bamboo Airways cũng hướng tới tái cơ cấu các khoản vay, đồng thời bổ sung nguồn vốn kinh doanh cho công ty trong mảng kinh doanh cốt lõi và phụ trợ.