Nhan nhản khóa học dạy làm giàu như Mr Pips, làm sao để tránh bị "lùa gà"?

Minh Huyền

(Dân trí) - Các khóa học đầu tư làm giàu các lĩnh vực tài chính, bất động sản đang nở rộ với những lời quảng cáo "siêu lợi nhuận". Chuyên gia cảnh báo một số dấu hiệu nhận biết khóa học "lùa gà".

Gần đây, dư luận xôn xao thông tin về chuyên án bắt giữ Phó Đức Nam - TikToker Mr Pips (ở TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) với cáo buộc lừa đảo. Cơ quan chức năng đánh giá với hơn 2.660 bị hại và 5.200 tỷ đồng bị thu giữ, đường dây lừa đảo của TikToker Mr Pips "lớn nhất từ trước đến nay ở Việt Nam về ngoại hối, chứng khoán".

Theo đó, Phó Đức Nam đã hợp tác cùng Lê Khắc Ngọ - TikToker Mr Hunter xây dựng "đế chế" riêng với thủ đoạn tinh vi và một vẻ ngoài hào nhoáng, giàu sang. Đáng chú ý, Nam và Ngọ thường "lùa gà" bằng những khóa đào tạo đầu tư online (trực tuyến) về phương pháp kiếm tiền dễ dàng từ chứng khoán quốc tế, kích thích bị hại nạp tiền.

Thực tế vài năm trở lại đây, các khóa học đầu tư làm giàu các lĩnh vực tài chính, bất động sản ngày càng nở rộ kèm theo những lời quảng cáo, hứa hẹn hấp dẫn "siêu lợi nhuận", "đầu tư lãi cao". Các chuyên gia tài chính thậm chí còn khẳng định sẽ giúp học viên đạt lợi nhuận triệu USD chỉ sau một thương vụ khiến nhiều người không ngần ngại bỏ ra một số tiền lớn theo học.

Tràn lan khóa học đầu tư tài chính làm giàu

Hiện nay, đa số cá nhân tổ chức các khóa học đầu tư tài chính, chứng khoán đều tự gắn mác cho mình là chuyên gia tài chính hàng đầu, diễn giả có hàng chục năm kinh nghiệm hay "triệu phú tự thân" đi lên từ con số 0. 

Với TikToker Mr Pips, trên mạng xã hội, Nam thường đăng tải các video chia sẻ về cuộc sống xa hoa và dạy cách kiếm tiền làm giàu, với hàng trăm nghìn lượt xem. Đặc biệt, để tìm thêm nhiều "con mồi", Phó Đức Nam và Lê Khắc Ngọ thường tổ chức hội thảo, sự kiện và khóa học đầu tư, quảng bá xây dựng hình ảnh cá nhân là một doanh nhân thành đạt trong lĩnh vực đầu tư chứng khoán quốc tế.

Thực tế, chỉ cần gõ từ khóa "khóa học đầu tư" trên các nền tảng mạng xã hội hiện nay cũng xuất hiện hàng loạt hội nhóm, trang cá nhân quảng cáo về những khóa đào tạo online về đầu tư chứng khoán, tiền ảo, bất động sản...

Nhan nhản khóa học dạy làm giàu như Mr Pips, làm sao để tránh bị lùa gà? - 1

Lừa đảo, chiếm đoạt tiền của nhà đầu tư bằng các khóa học làm giàu là thủ đoạn được Nam và Ngọ thường xuyên triển khai (Ảnh: Telegram nhân vật).

Chẳng hạn, diễn giả N.T.T được nhiều người biết đến là chủ hàng chục khóa học đầu tư làm giàu với học phí lên đến hàng trăm triệu đồng trên mạng xã hội. Người này tự giới thiệu bản thân là "chuyên gia bất động sản được trả phí cao số 1 Việt Nam".

Bên cạnh đó, ông T được giới thiệu là "nhà sáng lập tổ chức giáo dục... đã đào tạo hơn 200.000 học viên từ 2012 về đầu tư và doanh nghiệp. Đồng thời là chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển công nghệ; sở hữu đảo tư nhân ngoài biển; sở hữu khách sạn, khu du lịch, tòa nhà cho thuê, dự án 1/500…".

Các nội dung mà ông T đã hướng dẫn là chiến lược xây dựng doanh nghiệp và đầu tư tạo lợi nhuận triệu đô; bí quyết sở hữu công ty niêm yết trên sàn chứng khoán. Đặc biệt, vị chuyên gia này còn tự tin hướng dẫn cả cách sở hữu đảo tư nhân và lập các dự án bất động sản 1/500 quy mô 3-89ha.

"Bỏ ra một đồng lại thu về 5 đồng ngay sau khi xuống tiền, hay khám phá tại sao có tài sản x2 và x10. Thậm chí là cách tạo lợi nhuận triệu đô la chỉ trong một thương vụ", ông T hứa hẹn về khóa học của mình.

Hay ông Đ.T. cũng được nhiều người biết đến với hàng loạt khóa học đầu tư online. Người này giới thiệu bản thân là CEO một công ty cổ phần và là một chuyên gia chứng khoán, IPO. Đặc biệt, ông được giới thiệu là người sáng lập và chia sẻ phương pháp đầu tư chứng khoán theo... luật nhân quả.

"Phương pháp này đã giúp ông đạt được lợi nhuận 171% trong 12 tháng đầu tiên áp dụng (trước khi theo nghiệp đào tạo), đồng thời sở hữu một trạng thái tâm lý "an lạc" trong suốt quá trình đầu tư. Không còn thua lỗ! Không còn lo lắng! Khi mua đã thắng! Kiếm tiền đều đặn và sống một cuộc đời thật sự vui vẻ!", một website bán khóa học đầu tư giới thiệu.

Làm sao để không "mắc bẫy" của các khóa học "lùa gà"?

Kiếm tiền từ việc đầu tư tài chính, chứng khoán và bất động sản đang trở nên phổ biến, đặc biệt là giới trẻ nhằm đạt "tự do tài chính", "nghỉ hưu sớm". Đánh vào tâm lý đó, hàng loạt khóa học dạy đầu tư tài chính làm giàu đã ra đời kèm theo những cam kết lợi nhuận hấp dẫn.

Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Tạ Thanh Tùng, chuyên gia hoạch định tài chính cá nhân tại Công ty Cổ phần Tư vấn đầu tư và Quản lý Tài sản FIDT đánh giá kiến thức tài chính cá nhân ngày càng trở nên quan trọng.

"Bằng chứng là những năm gần đây, các vụ lừa đảo về tài chính, trái phiếu, bán sản phẩm tài chính theo kiểu "treo đầu dê bán thịt chó" hay "lùa gà" đầu tư... ngày càng xuất hiện nhiều", ông nói.

Theo vị chuyên gia, dấu hiệu nhận biết khóa học đầu tư, tài chính "lùa gà" là cam kết lợi nhuận cực kỳ cao, hiệu suất đảm bảo. Trước thực trạng nhiều khóa học dẫn dụ người học bằng cách chia sẻ video hoặc tài liệu miễn phí, ông cho rằng thực chất chỉ là một cách marketing (truyền thông) tạo phễu.

Nhan nhản khóa học dạy làm giàu như Mr Pips, làm sao để tránh bị lùa gà? - 2

TikToker Mr Pips thường xuyên khoe cuộc sống giàu có, lãi khủng từ đầu tư tài chính trên mạng xã hội để dụ dỗ "con mồi" (Ảnh: Facebook nhân vật).

"Bản chất cách làm này không sai và không vi phạm pháp luật, tuy nhiên nó sẽ phụ thuộc vào hành động đằng sau cái phễu đó là gì. Có thể là đưa người nghe đến một khóa học cao cấp hơn hoặc huy động vốn với những hợp đồng, thỏa thuận rất lỏng lẻo mà những điều bất lợi luôn nằm ở phía người tiêu dùng", ông Tùng lưu ý.

Theo ông Tùng, hiện nay trên thị trường có rất nhiều khóa học về đầu tư tài chính. Do đó, trước khi tham gia khóa học phải tìm hiểu người dạy khóa học đầu tư tài chính, bất động sản... có chuyên môn, kinh nghiệm về lĩnh vực đó hay không.

"Bởi thực tế, một số người không có chuyên môn về tài chính nhưng lại giỏi marketing hoặc hiểu biết chung về kinh tế tài chính nhưng không phải đầu tư", vị này nhìn nhận.

Đồng thời ông Tùng cho rằng phải xem người tổ chức lớp học có thực sự có kiến thức thực chiến ở Việt Nam hay không, điều này cực kỳ quan trọng. "Bởi nói về lý thuyết đầu tư, về quỹ ETF, thị trường chứng khoán, cách đầu tư tích sản hay nói về đầu tư bất động sản... thì không thể sử dụng lý thuyết chung của thế giới áp dụng vào giảng dạy cho thị trường Việt Nam", ông Tùng nói.

Theo ông, một khóa học đầu tư cũng cần được bảo chứng về chất lượng chuyên môn. Thực tế, ở Việt Nam hiện nay không có nhiều khóa học và không có nhiều đơn vị tư vấn được bảo chứng chuyên môn từ các trường đại học lớn hoặc các tổ chức nghề nghiệp uy tín.

"Một khóa học cung cấp kiến thức tổng quát về đầu tư không khó tìm trên thị trường hiện nay nhưng điều quan trọng là phải tìm được đơn vị cung cấp các thông tin về đầu tư phù hợp với thị trường Việt Nam. Người có nhu cầu cũng cần phải có kiến thức để lựa chọn các khóa học uy tín", ông Tùng lưu ý.

iMoney là dòng sản phẩm chuyên các bài viết về tư vấn đầu tư, tư vấn tiêu dùng, được đăng tải vào thứ 4 mỗi tuần trên báo Dân trí.

iMoney sẽ giải đáp thắc mắc của độc giả về đầu tư, tiêu dùng, tư vấn tài chính, các kênh đầu tư như chứng khoán, bất động sản, tiền mã hóa, tư vấn tiêu dùng cũng như chia sẻ các tip tiêu dùng thông minh, hiệu quả...