1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

TPHCM:

"Nhà tôi vui vẻ dù có chuyện nồi canh không hành, nước mắm thiếu ớt"

Đại Việt

(Dân trí) - "Trưa nay nhà tôi ăn thịt luộc nhưng không có rau sống, nấu canh không có hành, nước mắm thiếu ớt. Dù không đầy đủ như bình thường nhưng cả nhà vẫn vui vẻ" - chị Ngân chia sẻ khi đi chợ thời Covid.

Thực phẩm tại TPHCM dồi dào nhưng vẫn có tình trạng "nồi canh không hành, nước mắm thiếu ớt".

Rau ăn lá, hành ngò "khan hiếm cục bộ"

Sáng 11/7, tại siêu thị Big C Miền Đông (quận 10), người dân đến mua sắm khá đông trong thời gian giãn cách xã hội nhưng trong trật tự, các mặt hàng thiết yếu tương đối đầy đủ. Tuy nhiên, lượng mua một số thực phẩm như thịt heo, thịt gà ta, cá nước ngọt… tăng cao nên liên tục "trống kệ".

Nhà tôi vui vẻ dù có chuyện nồi canh không hành, nước mắm thiếu ớt - 1

Nguồn cung hàng hóa tại TPHCM khá dồi dào (Ảnh: Đại Việt).

Bà Huỳnh Thị Ngon kể đi mua thịt ba rọi heo nhưng tủ mát siêu thị hết hàng. Thịt đùi, thịt vai cũng không còn, chỉ có chân giò heo và thịt ba rọi bò Úc là nhiều.

"Người dân mua thịt heo nóng nhiều nên mình ít sự lựa chọn hơn, hoặc phải chấp nhận mua thịt heo đông lạnh nhập khẩu. Gà ta thả vườn cũng không có, chỉ có gà dai đông lạnh Hàn Quốc mà loại gà này gia đình tôi không ăn", bà Ngon nói.

Nhà tôi vui vẻ dù có chuyện nồi canh không hành, nước mắm thiếu ớt - 2

Gà đông lạnh Hàn Quốc còn nhiều, trong khi gà ta trong nước đã "hết sạch" (Ảnh: Đại Việt).

Theo ghi nhận của PV Dân trí, không chỉ thịt heo và gà ta "khan hiếm cục bộ", các loại cá nước ngọt như chép, điêu hồng, cá lăng cũng hết hàng.

Các loại rau ăn lá, như: rau cải, rau muống, rau dền, mồng tơi, rau lang… cũng liên tục "sạch kệ". Người dân đến trễ phải mua một số loại rau củ khác thay thế như súp lơ, ớt chuông, cà rốt…

Nhà tôi vui vẻ dù có chuyện nồi canh không hành, nước mắm thiếu ớt - 3

Các loại rau ăn lá có sức mua mạnh khiến hàng nhanh "cạn" (Ảnh: Đại Việt).

Tại cửa hàng Bách Hóa Xanh Nguyễn Xí và Co.opFood Nơ Trang Long (quận Bình Thạnh), một số loại rau ăn lá, xà lách, rau thơm… cũng xảy ra tình trạng "khan hiếm cục bộ".

Chị Thiên Ngân (ngụ quận Bình Thạnh), kể trong 2 ngày cuối tuần đến cửa hàng tiện lợi của Bách Hóa Xanh và Co.opFood mua xà lách, rau thơm, hành ngò, ớt, nhưng không được, các cửa hàng chủ yếu còn các loại củ.

"Trưa nay nhà tôi ăn thịt luộc nhưng không có rau sống, nấu canh không có hành, nước mắm thiếu ớt. Dù không đầy đủ như ngày bình thường nhưng cả nhà vẫn vui vẻ chấp nhận. Dịch bệnh kéo dài nên đành chịu", chị Ngân nói.

Thiếu hàng "cục bộ" do sức mua tăng, hệ thống phân phối suy giảm

Đại diện một số hệ thống siêu thị, cửa hàng lớn tại TPHCM thừa nhận, việc hàng hóa "khan hiếm cục bộ" xảy ra trong những ngày qua do sức mua của người dân tăng mạnh.

Trong khi đó, việc "tiên lượng" sức mua tại các điểm bán trong thời gian ngắn là rất khó khăn.

"Sau khi dự đoán được sức mua, việc phân bổ hàng hóa sẽ được khắc phục. Hiện tại việc cung cấp hàng hóa về các điểm bán diễn ra ổn định", đại diện một hệ thống nói.

Nhà tôi vui vẻ dù có chuyện nồi canh không hành, nước mắm thiếu ớt - 4

Sức mua tăng mạnh và hệ thống phân phối bị suy giảm đã khiến việc thiếu hàng hóa cục bộ xảy ra (Ảnh: Đại Việt).

Ông Nguyễn Anh Đức - Tổng giám đốc Tổng giám đốc Liên hiệp HTX Thương mại TPHCM (Saigon Co.op) - cho biết, có những thời điểm rau xanh của siêu thị bị thiếu cục bộ, tuy nhiên chỉ xảy ra trong thời gian ngắn.

"Buổi sáng rau rất nhiều thì buổi trưa hết, nhưng đầu giờ chiều hàng lại được bổ sung đầy kệ", ông Đức nói.

Đại diện Saigon Co.op chia sẻ, các hệ thống siêu thị của đơn vị đã chuẩn bị nhiều mặt hàng bình ổn giá với lượng dự trữ lớn, có thể phục vụ liên tục 1-3 tháng. Người dân không nên mua sắm dồn dập, tụ tập quá đông sẽ tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh, tắc nghẽn kênh mua sắm.

Nhà tôi vui vẻ dù có chuyện nồi canh không hành, nước mắm thiếu ớt - 5

Lượng hàng hóa nhu yếu phẩm tại TPHCM vẫn khá dồi dào (Ảnh: Đại Việt).

Theo đại diện Sở Công Thương TPHCM, việc thiếu hàng hóa trong các ngày qua chỉ là cục bộ. Nhu cầu của người dân tăng lên đột biến trong thời gian ngắn khiến lượng hàng hóa không thể đáp ứng được ngay.

Cũng theo Sở Công Thương, việc hơn 150 chợ truyền thống và đầu mối tạm đóng cửa đã gây áp lực mua sắm rất lớn lên các siêu thị, cửa hàng tiện lợi.

Ngoài ra, một lực lượng lớn lao động tại các chợ, siêu thị, cửa hàng phải tạm ngưng công việc do thuộc diện cách ly tập trung, hoặc theo dõi sức khỏe tại nhà, khiến việc phân phối hàng hóa gặp nhiều khó khăn.

Sở Công Thương TPHCM cho rằng, dù lượng hàng hóa dự trữ của thành phố đã tăng gấp 2-3 lần để bảo đảm nguồn cung, nhưng với hệ thống phân phối đang bị giảm sút đã khiến việc cung cấp hàng hóa cho người dân bị ảnh hưởng.

Tuy nhiên, Sở Công Thương khẳng định, tình hình này sẽ được cải thiện tốt hơn trong những ngày tới, do việc "khơi thông" hàng hóa vào thành phố đang được triển khai đồng bộ với sự hỗ trợ của nhiều lực lượng chức năng.

Hiện nay, thành phố đã lập đoàn thanh, kiểm tra về giá bán hàng hóa, nếu phát hiện việc tăng giá không đúng quy định sẽ xử lý nghiêm.