Nhà nhập khẩu đến Việt Nam: Không có chỗ xem hàng

Chúng ta chưa mời được các nhà nhập khẩu đến Việt Nam nhưng có mời đến được thì cũng không biết đưa họ đi xem hàng ở đâu. Đến nay, Việt Nam vẫn chưa có lấy một hội chợ "bán buôn" đúng nghĩa và một trung tâm triển lãm hàng hoá chuyên nghiệp tầm cỡ quốc tế thì còn quá xa vời.

Trao đổi tại Hội nghị Thương mại toàn quốc mới đây, nhiều DN cho rằng, các cơ quan nhà nước, DN đang nỗ lực xúc tiến thương mại theo chiều đưa hàng Việt Nam ra nước ngoài để bán.

Tuy nhiên, trong chiều ngược lại là mời các nhà nhập khẩu tiềm năng đến Việt Nam để giới thiệu nguồn hàng, năng lực sản xuất... thuyết phục họ phân phối hàng cho Việt Nam thì chúng ta chưa làm được.

Theo các DN, bên cạnh đưa hàng Việt Nam ra giới thiệu trên thị trường thế giới thì việc mời các nhà nhập khẩu đến Việt Nam tìm hiểu mua hàng cũng có nhiều cái lợi. Trước hết là chúng ta có thể lựa chọn được những nhà nhập khẩu lớn và uy tín trên từng mặt hàng để tiếp cận.

Khi các nhà nhập khẩu đến Việt Nam, DN Việt Nam không chỉ có điều kiện giới thiệu sản phẩm mà còn có cơ hội chứng minh năng lực sản xuất thực tế của mình. Khi nhà nhập khẩu vào Việt Nam họ có thể đi khảo sát nhiều DN để có 1 cái nhìn tổng thể về năng lực sản xuất của một ngành hàng ở Việt Nam.

Hơn nữa, khách đến Việt Nam, tiêu tiền và dùng dịch vụ Việt Nam hẳn là tốt hơn chúng ta tốn tiền đi ra nước ngoài.

Cái lợi là thế nhưng thực hiện không hề dễ, ông Nguyễn Hữu Thắng - Tổng giám đốc, Tổng Công ty Thương mại Hà Nội cho biết, khu vực Đông và Đông Nam Á quanh ta như Trung Quốc, Thái Lan, Singapore... mỗi năm đón hàng triệu thương nhân đến tìm cơ hội làm ăn, tìm kiếm nguồn hàng để phân phối...

Họ mất 10-20 tiếng đồng hồ để bay từ Âu - Mỹ đến khu vực này để tìm kiếm cơ hội nhưng hầu như rất ít người mà chúng tôi được gặp đồng ý mất thêm 1,5 giờ bay nối tiếp để sang Việt Nam tìm kiếm cơ hội. Phải nói rằng chúng ta đang lãng phí điều này trong khi thực hiện xúc tiến thương mại.

Tuy nhiên, theo đại diện một DN xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ: chúng ta muốn mời khách đến Việt Nam nhưng lấy gì cho họ xem khi mà cả nước chưa có lấy một hội chợ lớn - dạng hội chợ bán buôn đúng nghĩa để khách đến tham quan.

Theo DN này thì hàng năm, các nhà nhập khẩu lớn đều có hẳn lịch trình đi tìm hàng nhưng sự kiện để thu hút như các hội chợ lớn, các hoạt động thương mại tầm cỡ quốc tế... để đến một điểm xem được nhiều nguồn hàng từ đó mới quyết định bàn bạc - làm ăn. Chúng ta không có lấy 1 sự kiện nào tầm cỡ quốc tế thì không thể hút khách đến với mình được.

Tuy nhiên, nói đến tổ chức hội chợ tầm cỡ quốc tế thì Việt Nam lại vướng vào vấn đề hạ tầng. Cả nước hiện không có lấy một trung tâm triển lãm tầm cỡ quốc tế để tổ chức một hội chợ lớn.

Từ mấy năm nay, Bộ Thương mại đang nỗ lực để tiến hành xây dựng một trung tâm triển lãm hội chợ tầm cỡ quốc tế ở Hà Nội. Nhưng theo lời Bộ trưởng Trương Đình Tuyển thì dự án này đang gặp rất nhiều trắc trở trong quá trình triển khai.

Được biết, đề nghị xây dựng một trung tâm triển lãm - hội chợ tầm cỡ quốc tế theo đề nghị của Bộ Thương mại được Chính phủ ủng hộ và giao cho chính Bộ Thương mại triển khai thực hiện.

Tuy nhiên, sau đó lại có một quyết định khác giao cho Bộ Văn hoá - Thông tin cũng đầu tư một trung tâm triển lãm hội chợ tương tự. Thế là hai Bộ, 2 quyết định, hai dự án nhưng... đến nay vẫn chưa cái nào thành hiện thực.

Trong khi đó, vấn đề đất đai cũng là một câu chuyện dài khó khăn. Lúc đầu Hà Nội có ý định giao cho dự án của Bộ Thương mại một khu đất hoành tráng đến hơn 50ha, còn có cả hồ nước điều hoà.

Nhưng rồi vì nhiều lý do khu đất định giao để xây trung tâm triển lãm bị thu hẹp mãi xuống còn hơn 3ha và nghe nói còn nhỏ hơn. Với diện tích này thì việc xây dựng một trung tâm hội chợ triển lãm tầm cỡ là không thể. Vì thế, một trung tâm triển lãm, hội chợ vẫn còn là một niềm mơ ước.

Theo Phước Hà
VietNamnet