1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Nhà giàu “nứt đố đổ vách”, con trai nữ tỷ phú USD vẫn khởi nghiệp

(Dân trí) - Tuần qua, thông tin về một startup công nghệ vừa phát triển giải pháp kết nối di chuyển bằng đường bộ và đường hàng không trên toàn khu vực Đông Nam Á đã gây nhiều sự chú ý. Điều đáng nói, giám đốc công ty này lại là một thiếu gia, con trai của nữ tỷ phú USD doanh nhân người Việt.

Đại gia “hụt” gần 8.400 tỷ đồng trong 1 ngày

Vốn hoá thị trường sàn HSX trong trong phiên giảm 6/8 sụt 60.563 tỷ đồng, còn khoảng 3,28 triệu tỷ đồng. Trong đó, vốn hoá Vingroup giảm 15.056,7 tỷ đồng; vốn hoá Vinhomes giảm 16.747,6 tỷ đồng và vốn hoá thị trường Vin Retail giảm 2.911 tỷ đồng.

Nhà giàu “nứt đố đổ vách”, con trai nữ tỷ phú USD vẫn khởi nghiệp - 1

Ông Phạm Nhật Vượng - Chủ tịch Vingroup là người giàu nhất Việt Nam, theo Forbes

Tính ra, trong ngày đầu tuần, vốn hoá thị trường của nhóm cổ phiếu Vingroup đã bị “bốc hơi” 34.715 tỷ đồng. Theo đó, giá trị tài sản trên sàn chứng khoán của ông Phạm Nhật Vượng - Chủ tịch Vingroup cũng sụt giảm 8.393 tỷ đồng do VIC mất 4.500 đồng/cổ phiếu.

Bất ngờ về con trai của nữ tỷ phú USD giàu nhất Việt Nam

Trong phiên 10/8, cổ phiếu VJC của hãng hàng không VietJet tăng 600 đồng, tương ứng 0,46% lên 131.700 đồng/cổ phiếu. Đây là phiên tăng thứ 3 liên tiếp của mã này trong tuần.

Nhà giàu “nứt đố đổ vách”, con trai nữ tỷ phú USD vẫn khởi nghiệp - 2

Đồng sáng lập Swift247 - Tommy Nguyễn (ảnh: VietJet)

VJC diễn biến tích cực sau khi ký kết thoả thuận hợp tác toàn diện với Grab cùng startup công nghệ cung cấp dịch vụ chuyển phát hàng không siêu tốc Swift247 nhằm phát triển các giải pháp kết nối di chuyển bằng đường bộ và đường hàng không cho khách hàng trên toàn khu vực Đông Nam Á, đồng thời cung cấp dịch vụ giao nhận hàng hoá siêu hỏa tốc tại Việt Nam.

Đáng chú ý, Swift247 là startup do Tommy Nguyễn - con trai bà Nguyễn Thị Phương Thảo , CEO Vietjet - đồng sáng lập.

“Di sản Trịnh Xuân Thanh” lại thất bại

Hội đồng quản trị PVC đã quyết định cho thôi chức Phó Tổng giám đốc đối với ông Nguyễn Thanh Bình để chuyển công tác ông này về Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN).

Ngay trước đó, vào cuối tháng 7, Hội đồng quản trị PVC cũng đã quyết định bổ nhiệm ông Lương Đình Thành thay thế cho ông Nguyễn Đình Thế ở “ghế” Tổng Giám đốc . Ông Lương Đình Thành sinh năm 1972, là Thành viên phụ trách Hội đồng quản trị ở Công ty cổ phần Bất động sản Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC Land).

“Tỷ phú đôla” Trần Bá Dương chính thức là cổ đông lớn của bầu Đức

Ông Trần Bá Dương - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Ô tô Trường Hải (THACO) công bố thông tin cho hay, trong ngày 7/8/2019, vị tỷ phú USD này đã mua vào 50 triệu cổ phiếu HNG của Công ty cổ phần Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico).

Nhà giàu “nứt đố đổ vách”, con trai nữ tỷ phú USD vẫn khởi nghiệp - 3

Theo Forbes, tại ngày 8/8, giá trị tài sản của ông Trần Bá Dương và gia đình đạt khoảng 1,7 tỷ USD

Giao dịch này khiến sở hữu của ông Trần Bá Dương tại HAGL Agrico tăng từ 30 triệu cổ phiếu HNG tương ứng tỷ lệ 3,38% vốn cổ phần lên 80 triệu cổ phiếu HNG tương ứng tỷ lệ 9,02% vốn cổ phần và chính thức đưa Chủ tịch THACO trở thành cổ đông lớn của HAGL Agrico.

Cùng với giao dịch này, ông Trần Bá Dương và các tổ chức có liên quan hiện nắm giữ tổng cộng 166,35 triệu cổ phiếu HNG, tương ứng tỷ lệ nắm giữ tại HAGL Agrico là 18,76% vốn cổ phần.

Vì sao đại gia Mai Hữu Tín quyết “giết chết” thương hiệu Gỗ Trường Thành

Ngày 8/8 TTF có phiên tăng thứ hai trong tuần, hồi phục thêm 1,69% lên 3.000 đồng/cổ phiếu.

Lãnh đạo TTF - ông Mai Hữu Tín mới đây đã có phát biểu đáng chú ý tại diễn đàn M&A 2019, trong đó cho biết, khi mua lại Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành, ông và cộng sự buộc phải tính toán để “giết chết” thương hiệu đó vì có nhiều vấn đề, nhiều lỗi, không thể giữ lại; nếu giữ lại sẽ ảnh hưởng xấu đến doanh nghiệp hậu M&A cũng như quyền lợi cổ đông.

Nhà giàu “nứt đố đổ vách”, con trai nữ tỷ phú USD vẫn khởi nghiệp - 4

Ông Mai Hữu Tín vốn được coi là một "võ sĩ" trên thương trường

Để có thể giữ mã chứng khoán TTF, U&I Group (đơn vị bỏ vốn ra để mua lại cổ phần TTF, nơi ông Mai Hữu Tín là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc) đã quyết định đổi tên tiếng Anh của TTF là ToTal Furniture Corporation.

Thêm một kế hoạch “gây sốc” của đại gia Trịnh Văn Quyết

Cổ phiếu FLC hôm qua giảm giá 2,56% còn 3.810 đồng/cổ phiếu. Ngày 5/8 vừa rồi, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã cấp giấy chứng nhận đăng ký chào bán cổ phiếu ra công chúng cho FLC.

Nhà giàu “nứt đố đổ vách”, con trai nữ tỷ phú USD vẫn khởi nghiệp - 5

Ông Trịnh Văn Quyết

Theo đó, tập đoàn của ông Trịnh Văn Quyết sẽ chào bán hơn 299,6 triệu cổ phần cho cổ đông hiện hữu với giá trị theo mệnh giá trên 2.996 tỷ đồng. Với tỷ lệ thực hiện là 42,2%, cổ đông sở hữu 1.000 cổ phiếu sẽ có quyền mua thêm 422 cổ phiếu phát hành thêm. Thời gian phân phối trong vòng 90 ngày kể từ ngày 5/8.

Đồng thời, HĐQC FLC cũng ban hành nghị quyết chốt ngày đăng ký cuối cùng để thực hiện quyền mua cổ phiếu phát hành tỷ lệ 42,2% là ngày 20/8.

Nếu đợt chào bán trên được thực hiện thành công, FLC sẽ nâng vốn điều lệ từ mức xấp xỉ 7.100 tỷ đồng hiện nay lên 10.100 tỷ đồng.

Thế Hưng

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm