TPHCM:

Nhà dưới 1 tỷ đồng: Cung không đủ cầu

(Dân trí) - Theo đánh giá của HoREA, hiện nay, nguồn cung các dự án nhà ở và căn hộ vừa túi tiền, nhà ở xã hội vẫn trong tình trạng cung không đủ cầu

Đánh giá tình hình thị trường Bất động sản 6 tháng đầu năm 2015, Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) cho rằng có những khởi sắc đáng kể. HoREA cũng khẳng định chưa có nguy cơ xảy ra bong bóng Bất động sản trong năm 2015 và 2016.

Thiếu nhà vừa túi tiền

Theo HoREA, thị trường Bất động sản (BĐS) 6 tháng đầu năm 2015 tiếp tục đà hồi phục mạnh hơn so với 6 tháng cuối năm 2014 trên tất cả các phân khúc thị trường. Trong đó, phân khúc nhà ở có quy mô vừa và nhỏ (căn hộ 1 - 2 phòng ngủ) với giá bán vừa túi tiền (trên dưới 1 tỷ đồng/căn hộ) vẫn là phân khúc phát triển bền vững. Đây chính là trụ cột của thị trường BĐS, đáp ứng nhu cầu thật của đông đảo người tiêu dùng là người có thu nhập trung bình và thu nhập thấp đô thị. Tuy nhiên, hiện nay, nguồn cung các dự án nhà ở và căn hộ vừa túi tiền, nhà ở xã hội vẫn trong tình trạng cung không đủ cầu.

bds-1-0913e

Bất động sản đang thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài

Phân khúc BĐS thương mại, văn phòng cho thuê, dịch vụ, du lịch nghỉ dưỡng, công nghiệp tăng trưởng tốt.

Đặc biệt, có sự phát triển rất mạnh của phân khúc BĐS cao cấp với rất nhiều dự án được khởi công xây dựng, chào bán trên thị trường. Trong phân khúc BĐS cao cấp hiện nay đang có xu thế phát triển sang phía đông thành phố.

Hoạt động mua bán chuyển nhượng dự án (M&A), hợp tác đầu tư phát triển dự án BĐS diễn ra rất mạnh giữa các doanh nghiệp, trong đó nổi bật vai trò thống lĩnh của các doanh nghiệp trong nước, đang dần dần hình thành những tập đoàn phát triển BĐS lớn cả về quy mô hoạt động, năng lực tài chính, sản phẩm đa dạng.

Thông qua hoạt động M&A, các doanh nghiệp đã tự giải quyết một phần quan trọng hàng tồn kho, nợ xấu trên thị trường BĐS. Lượng hàng tồn kho trên thị trường TPHCM theo thống kê của 36 dự án năm 2012 đến hết tháng 06/2015 đã bán được 8.501 căn, giảm 58,67 %.

Hiện nay, TPHCM có 1407 dự án phát triển BĐS, trong đó có 689 dự án tạm ngưng triển khai, 85 dự án bị thu hồi chủ trương đầu tư. Đây cũng là một nguồn dự án tiềm năng cho hoạt động M&A trong thời gian tới.

Thị trường BĐS đứng thứ 3 trong thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Các nhà đầu tư nước ngoài thường thực hiện đầu tư vào các doanh nghiệp BĐS trong nước thông qua các phương thức chủ yếu là mua lại cổ phần, góp vốn đầu tư trực tiếp vào dự án, hoặc cho vay…

Bong bóng” chưa thể quay lại

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA cho biết, nguyên nhân thúc đẩy sự hồi phục của thị trường BĐS bắt nguồn từ hiệu quả công tác quản lý Nhà nước tạo điều kiện để nền kinh tế hồi phục và phát triển, ổn định vĩ mô, kiểm soát được lạm phát... Đặc biệt là việc hoàn thiện hệ thống pháp luật có liên quan đến thị trường BĐS, trong đó có những quy định thông thoáng cho Việt kiều được mua và sở hữu nhà như người trong nước, cho người nước ngoài nhập cảnh hợp pháp được mua và sở hữu nhà trong các dự án nhà ở thương mại, thực hiện bảo lãnh trong bán, cho thuê mua BĐS hình thành trong tương lai.

Nhưng trước hết, đó là nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp BĐS trong việc tái cấu trúc doanh nghiệp, tái khởi động lại các dự án “trùm mền”, niềm tin của người tiêu dùng và của các nhà đầu tư kinh doanh thứ cấp được tăng cường dẫn đến giao dịch tăng mạnh trên thị trường BĐS…

bds-2-1ab97

Dự án sân bay quốc tế Long Thành mới chấp thuận chủ trương nhưng BĐS đã lên cơn "sốt"

Tuy nhiên, ông Châu cũng cho rằng, đà hồi phục chưa thật sự vững chắc; sự phát triển chưa đồng đều, chưa cân đối trên tất cả các phân khúc thị trường BĐS, sức mua còn hạn chế; kết quả giải ngân gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng còn thấp, chưa đạt như kỳ vọng nên chưa hỗ trợ được nhiều cho người tiêu dùng.

Về quan ngại nguy cơ lập lại tình trạng bong bóng BĐS như đã từng xảy ra năm 2007, năm 2010, HoREA nhận định chưa có nguy cơ xảy ra bong bóng BĐS trong năm 2015 và 2016.

Ông Châu cho rằng, nhận định trên hoàn toàn có cơ sở, bởi lẽ, nền kinh tế đất nước chỉ mới đang trên đà hồi phục, Chính phủ giữ vững được ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát được lạm phát, chính sách tiền tệ, tín dụng chặt chẽ và linh hoạt, đang tái cấu trúc hệ thống ngân hàng thương mại, không có tình trạng buông lỏng tín dụng, nợ xấu được kiểm soát và đang dần trở về mức hợp lý. Hơn nữa, phân khúc BĐS cao cấp đang có chiều hướng phát triển rất lớn, rất nhiều, rất mạnh nhưng có thể nhận định vẫn còn trong tầm kiểm soát; giao dịch BĐS vẫn đang diễn ra bình thường và chưa xuất hiện hiện tượng đầu cơ, đẩy giá ảo trên thị trường BĐS.

“Tôi tin với những chính sách kiềm chế lạm phát, kiểm soát các nguy cơ rủi ro như hiện nay thì trong thời gian gần, chưa xuất hiện “bong bóng” trong lĩnh vực bất động sản”, ông Châu khẳng định.

Công Quang

Nhà dưới 1 tỷ đồng: Cung không đủ cầu - 3