Nhà đèn Hà Nội và câu chuyện tiết kiệm

(Dân trí) - Thiếu điện do cung không đủ cầu, ngành điện ra rả kêu gọi người dân thực hành tiêu dùng tiết kiệm, vậy bản thân nhà đèn thực hiện việc tuyên truyền và tiết kiệm điện thế nào?

Nhà đèn Hà Nội và câu chuyện tiết kiệm
 
Tổn thất điện năng ở Việt Nam được cho rằng gấp khoảng 4-5 lần trên thế giới và gấp khoảng 2-3 lần các nước trong khu vực. Chính vì thế, các chuyên gia cho rằng đây là một trong những nhân tố gây lên áp lực lỗ của ngành điện trong thời gian qua. Để cải thiện được điều này, cần một khoản đầu tư lớn để nâng cấp, cải tạo lưới điện, đặc biệt là lưới điện nông thôn. Nhưng bối cảnh hiện nay vốn cho ngành điện đang rất khó khăn.

 

Thiếu vốn để đầu tư, biện pháp trước mắt và có thể làm ngay của ngành điện chính là giảm tổn thất điện năng bằng các biện pháp trong quản lý kỹ thuật và kinh doanh.
 
Nhà đèn Hà Nội và câu chuyện tiết kiệm

 

Trao đổi với Dân trí, ông Trần Đức Hùng Tổng Giám đốc Tổng Công ty Điện lực TP Hà Nội (EVN Hà Nội) cho biết, để tuyên truyền cho người dân thực hiện tốt việc tiết kiệm điện thì trước hết bản thân ngành điện phải là người đi tiên phong. Và một trong những nhức nhối hiện nay mà xã hội yêu cầu mà ngành điện nói chung và EVN Hà Nội nói riêng phải hành động là thực hiện tốt công tác tiết kiệm điện và giảm tổn thất điện năng trên lưới điện.

 

Để thực hiện mục tiêu này, ngoài việc thành lập Ban chỉ đạo Chương trình giảm tổn thất điện năng từ Tổng công ty đến các Công ty Điện lực để giao kế hoạch chỉ tiêu tổn thất điện năng cho các đơn vị, EVN Hà Nội còn tăng cường các biện pháp kỹ thuật và kinh doanh trong việc thực hiện chỉ tiêu tổn thất lưới trung thế và trạm công cộng.

 

Lãnh đạo EVN Hà Nội thông tin thêm, đơn vị này đã củng cố và lắp đặt toàn bộ công tơ điện tử tại các đầu nguồn, xuất tuyến các trạm 110 kV và ranh giới giữa các Công ty Điện lực, thực hiện phương án áp dụng công nghệ đo xa đầu nguồn các trạm 110 kV, đồng thời khắc phục sự cố đo đếm, không để tồn đọng công tơ mất, chết cháy trên lưới.

 

Với việc thực hiện đồng loạt các biện pháp trong quản lý kỹ thuật và kinh doanh, đến nay tỷ lệ tổn thất điện năng của lưới điện Hà Nội từ 8,84 % năm 2007 giảm xuống còn 7,69% năm 2011 (thấp hơn 0,91% so với kế hoạch được giao), trong khi đó với thời kỳ năm 1986 là 31%. Con số của chung của ngành điện hiện nay là 9,5% vào năm 2011.

 

Mục tiêu tỷ lệ tổn thất điện trong năm 2012 mà EVN Hà Nội đề ra là 7,5%còn ngành điện nói chung tiếp tục giữ con số 9,5%.

 

“Đây là nỗ lực rất lớn của EVN Hà Nội trong bối cảnh ngành điện đang thiếu hụt so với nhu cầu, đặc biệt chúng tôi phải tiếp nhận hạ tầng lưới điện cũ nát trên một địa bàn rộng lớn khi tỉnh Hà Tây cũ, huyện Mê Linh và 4 xã thuộc huyện Lương Sơn (Hoà Bình) được sát nhập về Hà Nội vào tháng 8/2008, ông Hùng chia sẻ.
 
Nhà đèn Hà Nội và câu chuyện tiết kiệm

 

Thế nhưng, với việc xử lý nhanh các điểm mất an toàn, đầu tư xây dựng mới các đoạn đường dây trung áp, hạ áp, tổn thất lưới điện khu vực nông thôn trên địa bàn Hà Nội đã giảm từ gần 30% xuống còn 12,34%, giúp ngành điện giảm bớt gánh nặng đầu tư thêm các nhà máy điện. Với thành tích này, EVN Hà Nội đã được tặng Bằng khen của Bộ Công Thương trong công tác tiếp nhận lưới điện hạ áp để bán điện trực tiếp tới hộ dân nông thôn.

 

Ngoài việc tiết kiệm trong sản xuất, vận hành, EVN Hà Nội còn triển khai sâu rộng phong trào tiết kiệm điện trong mọi tầng lớp nhân dân thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, phát tờ rơi, poster,... Đặc biệt, EVN Hà Nội còn tuyên truyền tiết kiệm điện tại 205 trường tiểu học nhằm nâng cao ý thức và tạo ra thói quen tiết kiệm điện trong học sinh, thế hệ tương lai; tổ chức tuyên truyền tiết kiệm điện tại 60 tổ dân phố và hơn 100 cuộc họp của các ngành các cấp, triển khai Cuộc vận động phong trào Hộ gia đình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; Giờ Trái đất hàng năm…

 

“Để việc tuyên truyền có hiệu quả, thì bản thân cán bộ, công nhân EVN Hà Nội cũng phải đi đầu trong việc tiết kiệm điện, như sử dụng tiết kiệm điện tại nơi làm việc, còn gia đình chuyển sang sử dụng toàn bộ thiết bị tiết kiệm điện”, bà Nguyễn Hoành Anh, Phó Chánh Văn phòng EVN Hà Nội nói.

 

Nhờ sự ủng hộ tích cực của người dân và doanh nghiệp mà trong Giờ Trái đất 2012 vừa qua, Hà Nội đã tiết kiệm được 196.000 kWh, chiếm 36% trong tổng số điện cả nước tiết kiệm được từ chương tình này (546.000 kWh). Còn tính riêng trong năm 2011, Hà Nội đã tiết kiệm được 108 triệu kWh tương đương 130 tỷ đồng. Số này đủ để đầu tư xây dựng một trạm biến áp 110kV. Do đó, EVN Hà Nội được nhận bằng khen của UBND Thành phố Hà Nội trong việc thực hiện chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2006- 2011.
 
Nhà đèn Hà Nội và câu chuyện tiết kiệm

 

Cùng với việc nỗ lực tiết kiệm điện, EVN Hà Nội cũng không ngừng xây dựng, nâng cấp hệ thống truyền tải điện. Trong 4 năm qua, đơn vị này đã đầu tư cải tạo và nâng cấp lưới điện theo hướng hiện đại hoá với giá trị gần 4.800 tỷ đồng. EVN Hà Nội đã hoàn thành hầu hết các dự án quan trọng phục vụ công tác quản lý vận hành lưới điện. Riêng năm 2009, EVN Hà Nội đẩy mạnh đầu tư các công trình trọng điểm để đảm bảo cấp điện cho Thành phố Hà Nội trong giai đoạn 2010 – 2011, đặc biệt phục vụ Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội.

 

Ngoài ra, EVN Hà Nội cũng đã triển khai áp dụng phương pháp quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001-2008, đặc biệt đối với công tác quản lý kỹ thuật, như áp dụng thiết bị tự động đóng lại Recloser trên lưới điện để giảm suất sự cố thoáng qua trên đường dây nổi, công nghệ tự động hoá lưới điện trung thế DAS để có thể cách ly chính xác đoạn sự cố trên lưới điện, tự động cấp điện trở lại tại các đoạn lưới điện không có sự cố,…

 

EVN Hà Nội hiện đứng vị trí 68/500 trong bảng xếp hạng Top 500 Doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam và là một trong những doanh nghiệp mạnh của Thủ đô.

 

Nguyễn Anh