Nhà đầu tư than lỗ khi rót tiền đầu tư quỹ trái phiếu Techcom

Thảo Thu

(Dân trí) - Hàng loạt nhà đầu tư cá nhân đầu tư quỹ trái phiếu Techcom "té ngửa" khi một tháng trở lại đây tài khoản âm tới 10-20%.

Nhà đầu tư "té ngửa" khi tài khoản âm tiền

Hoạt động phát hành và mua bán trái phiếu doanh nghiệp trên thị trường tài chính Việt Nam đang trở thành chủ đề được bàn luận nhiều hơn từ đầu năm tới nay, đặc biệt là sau những động thái nhằm thanh lọc và minh bạch thị trường từ cơ quan chức năng.

Từ đầu tháng 10, hàng nghìn tỷ đồng đã bị rút khỏi các quỹ trái phiếu, trong đó có thể kể đến Quỹ Trái phiếu Techcom (TCBF) của Techcombank Securities (TCBS), công ty chứng khoán của Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank - mã chứng khoán: TCB).

Song song với đó, một loạt nhà đầu tư cá nhân cũng "té ngửa" khi phát hiện ra tài khoản của mình âm nặng, tiền "bốc hơi" mạnh khỏi tài khoản một tháng trở lại đây. Trong đó, một bộ phận phải ngậm ngùi chốt lời với mức lỗ trước khi mất tiền nhiều hơn do lo thị trường lao dốc. 

Nhưng không chỉ dừng lại ở đó, một số nhà đầu tư phản ánh đến ngân hàng mục đích gửi tiết kiệm, song lại được nhân viên ngân hàng tư vấn mua chứng chỉ quỹ trái phiếu với cam kết lợi nhuận lên tới 10%. "Họ chỉ giới thiệu lãi suất cao hơn lãi suất trên thị trường mà không hề cảnh báo việc có thể lỗ", Văn Bình, một nhà đầu tư quỹ TCBF, nói với Dân trí.

Anh Bình cho biết đem tiền ra Techcombank với mục đích gửi tiết kiệm cách đây 3 tháng. Tuy nhiên, anh được nhân viên ngân hàng này hướng dẫn đầu tư vào quỹ trái phiếu. "Họ giới thiệu đây là hình thức gửi tiết kiệm linh hoạt, gửi tiền ở đó một thời gian khoảng trên một tháng thì rút ra lúc nào cũng được mà không mất phí, lãi suất cao hơn lãi suất tiết kiệm bình thường", anh nhớ lại.

"Tôi cảm giác tin tưởng Techcombank nên cũng đồng ý gửi theo hình thức này, ra quầy nộp tiền vào tài khoản. Hôm sau, bạn tư vấn của ngân hàng hẹn đến tận chỗ làm việc của tôi để thao tác tải app TCBS và sử dụng trên điện thoại. Tôi cũng không biết tại sao lại không làm ở việc ở trong ngân hàng luôn mà đến tận chỗ làm việc", anh nói. Anh Bình đầu tư khoảng 140 triệu đồng và may mắn rút ra kịp thời nên lỗ không đáng kể.

Nhà đầu tư than lỗ khi rót tiền đầu tư quỹ trái phiếu Techcom - 1

Nhà đầu tư cho biết đến ngân hàng để phản ánh tình trạng gặp phải và được Techcombank cho biết nhận thông tin và sẽ chuyển yêu cầu của khách hàng tới TCBS (Ảnh: Nhà đầu tư cung cấp).

Chị Ngọc Linh, một nhà đầu tư khác cũng kể rót hơn 1 tỷ đồng vào chứng chỉ quỹ của TCBS. Vài tuần trở lại đây, thấy tài khoản "bốc hơi", chị rốt ráo ra ngân hàng rút tiền tránh lỗ thêm, bất chấp lời khuyên chờ đợi thị trường hồi phục. Tuy nhiên, chị không thể rút được toàn bộ tiền mà chỉ được rút một phần nhỏ mỗi lần.

"Nhiều bạn bè của tôi rút từ trước đó vẫn rút được hết nhưng tôi rút sau lại không rút được. Vậy là giờ muốn cắt lỗ cũng không được, phải nhìn tài khoản âm tiền", chị nói.

Chị Linh nói số tiền này là mẹ chị bán đất ở quê cho chị để "phòng thân". "Ban đầu tôi muốn dành để mua bất động sản nhưng vốn ít, nếu muốn mua phải vay thêm ngân hàng mà lãi vay cao. Nhìn kênh đầu tư vàng không thấy lãi. Thấy Techcombank là ngân hàng tốt nên mang ra gửi tiền tiết kiệm mà giờ tiền của mình lại thành mua chứng chỉ quỹ", chị nói. Chị thừa nhận bản thân đã không tìm hiểu kỹ và chỉ thao tác theo hướng dẫn của nhân viên ngân hàng.

NAV quỹ giảm gần 20% trong một tháng

Bản chất, đầu tư vào chứng chỉ quỹ là ủy thác vốn cho công ty quản lý quỹ. Kênh này có những ưu điểm như không cần kiến thức và thời gian mà vẫn có khả năng đạt được lợi nhuận tốt, rủi ro thấp vì danh mục đầu tư của quỹ được phân bố cho nhiều ngành và công ty. Quỹ cũng thường được quản lý bởi đội ngũ chuyên gia có kinh nghiệm lâu năm. Bên cạnh đó, chứng chỉ có tính thanh khoản cao tương đương với cổ phiếu, trái phiếu...

Tuy nhiên, nhà đầu tư không tham gia vào việc lựa chọn đầu tư mà giao hoàn toàn cho đội ngũ chuyên gia của công ty quản lý quỹ. Đặc biệt, không có chuyện đầu tư chỉ có lãi mà nhà đầu tư vẫn phải chấp nhận rủi ro đầu tư theo thị trường.

Hàng loạt nhà đầu tư thời gian vừa rồi bị tác động bởi "hiệu ứng đám đông", bằng mọi cách muốn bán trái phiếu, cũng như chứng chỉ quỹ trái phiếu để thu tiền về. Tính đến hết tháng 11, chỉ số giá trị tài sản ròng/chứng chỉ quỹ (NAV/CCQ) của TCBF chỉ còn gần 13.228 đồng/CCQ, giảm 19,8% trong vòng một tháng gần nhất (16.498 đồng/CCQ).

Tổng giá trị tài sản ròng (NAV) của quỹ còn gần 9.684 tỷ đồng, thấp nhất trong vòng nhiều năm trở lại đây. Cuối tháng 10, giá trị tài sản ròng đạt 15.307,7 tỷ đồng. Trên thực tế, NAV của TCBF liên tục tăng kể từ khi bắt đầu có mặt trên thị trường trước khi lập đỉnh vào cuối tháng 10 vừa qua và bị giảm đột ngột. Con số này thậm chí còn hụt đến hơn 11.000 tỷ đồng nếu so với thời điểm đầu năm.

Theo tìm hiểu của Dân trí, quỹ trái phiếu TCBF đầu tư chủ yếu vào trái phiếu doanh nghiệp. Ngoài ra, TCBF có thu phí bán lại 0,5-1% nếu đầu tư dưới 1 năm nên sẽ phù hợp và tối ưu nhất cho những khoản đầu tư dài hạn từ 1 năm trở lên. Mức vốn đầu tư tối thiểu là 10.000 đồng.

Tính đến hết tháng 11, quỹ trái phiếu TCBF đang đầu tư tới 97,91% tài sản tại các trái phiếu doanh nghiệp. Còn lại hơn 2% được dự trữ dưới dạng tiền mặt và tài sản thanh khoản. Top các khoản đầu tư có tỷ trọng lớn của quỹ gồm gần 2.606,85 tỷ đồng trái phiếu Vinhomes (VHM121024 và VHM121025), tương ứng 27,93% tổng đầu tư; hơn 1.314 tỷ đồng trái phiếu Vincom Retail (VRE12007), chiếm 14,09%; 1.120,35 tỷ đồng trái phiếu của Masan high - Tech Materials (MSR11808), chiếm 12%; hơn 674 tỷ đồng trái phiếu Novaland (NVL122011), chiếm 7,22%...

Nhà đầu tư than lỗ khi rót tiền đầu tư quỹ trái phiếu Techcom - 2

Danh mục đầu tư quỹ trái phiếu TCBF (Ảnh: TCBS).

Việc dòng vốn chảy khỏi TCBF trùng thời điểm nhà đầu tư rút ròng mạnh trong khi giá trị huy động rất thấp. Bên cạnh đó, lãi suất tiền gửi tiết kiệm tăng mạnh cũng khiến dòng vốn chuyển hướng sang các kênh an toàn hơn thay vì lựa chọn các quỹ mở trái phiếu, đặc biệt trong bối cảnh thị trường có nhiều biến động khó lường như hiện nay.

Phía Techcombank cho biết Ban điều hành quỹ TCBF đã có những khuyến cáo các nhà đầu tư tiếp tục nắm giữ chứng chỉ quỹ trong thời gian này và không nên bán lại chứng chỉ quỹ để tránh thiệt hại không đáng có. Các quỹ đầu tư trái phiếu đều có đội ngũ đầu tư chuyên nghiệp, nắm giữ các trái phiếu của các doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực mà doanh nghiệp hoạt động. Hoạt động đầu tư của các quỹ này cũng được đa dạng hóa và được thẩm định, quản trị rủi ro theo chuẩn mực chuyên nghiệp. Quỹ đầu tư cũng được giám sát bởi Techcombank.

Ban điều hành của quỹ TCBF cũng kỳ vọng khi thị trường bình ổn hơn trong thời gian tới, giá giao dịch trái phiếu trên thị trường dự kiến về đúng với giá trị thật và cao hơn hiện nay, thì giá chứng chỉ quỹ sẽ trở lại đúng giá trị thật và lợi nhuận kỳ vọng của quỹ có thể đạt đến 10%/năm như kế hoạch.

Về câu chuyện nhiều nhà đầu tư phản ánh nhân viên ngân hàng tư vấn chưa đầy đủ cho nhà đầu tư, nhằm câu kéo khách hàng, phía ngân hàng cho biết sẽ tiếp nhận tất cả phản ánh của nhà đầu tư và rà soát, kiểm tra lại trước khi đưa ra thông tin cụ thể.