Nguyên thống đốc NHNN: USD sẽ không vượt mốc 22.000

Nếu tăng dự trữ bắt buộc từ 3-5% hiện nay lên 10%, Ngân hàng Nhà nước sẽ có hồ điều tiết chống lũ, chống hạn cho thanh khoản. Căng thẳng USD cuối năm sẽ không gay gắt và giá tự do không thể vượt mốc 22.000 đồng.

Đó là nhận định của ông Lê Đức Thúy, nguyên thống đốc NHNN.

 

Mỡ nó rán nó

 

Thưa ông, cuộc chạy đua lãi suất vừa qua  đã làm dấy lên nỗi lo ngại về tính thanh khoản của hệ thống ngân hàng. Ngân hàng Nhà nước đã áp dụng mức dự trữ bắt buộc là 3-5%. Ông có khuyến nghị gì về mức này?

 

Tôi vẫn cho rằng, Ngân hàng Nhà nước cần tăng dự trữ bắt buộc lên 10%, so với mức 3-5% hiện nay. Tôi đã nêu ý kiến này từ thời ông Nguyễn Văn Giàu làm Thống đốc.

 Nếu tăng lên mức 10%, NHNN sẽ có trong tay lượng vốn tương đương với 250.000 tỷ đồng. Số tiền đó sẽ được sử dụng như điều tiết hồ thủy điện ở Sơn La, Lai Châu, đủ điều tiết lũ hoặc chống hạn thanh khoản cho cả hệ thống ngân hàng.

 

Nếu chỉ để tỉ lệ dự trữ bắt buộc từ 3- 5% thì mỗi ngân hàng chỉ đủ sức lo cho chính họ. Ngân hàng lớn cũng phải lo giữ vốn, cho dù không cần đến cũng vẫn phải giữ.  Cái "hồ điều tiết" thanh khoản bé, ông ngân hàng lớn chỉ sợ ông ngân hàng nhỏ sang "đục ao" nhà mình để lấy mất "nước". Thế là sẽ diễn ra một cuộc đua giữ vốn giữa các ngân  hàng.

 

Sẽ xuất hiện nghịch lý có những ông ngân hàng không cần giữ vốn vẫn thì vẫn phải giữ và có những ông ngân hàng thiếu vốn thì không biết xoay ở đâu và có thể chiếm vốn của ngân hàng khác bằng bất cứ giá nào.

 

Thưa ông, hiện chúng ta đang muốn hạ lãi suất ngân hàng, việc tăng dự trữ bắt buộc có thể làm gia tăng chi phí cho ngân hàng. Ngoài ra, trong bối cảnh các ngân hàng đang thanh khoản kém, thiếu vốn thì làm sao có thể tăng dự trữ bắt buộc được? Ông lý giải về điều này thế nào?

 

Tôi cho rằng, nếu chúng ta áp dụng tăng dự trữ bắt buộc cao như vậy thì cần phải trả lãi suất cho chính khoản dự trữ bắt buộc ấy. Về nguyên tắc, không ai bắt Ngân hàng Nhà nước phải trả lãi suất cho khoản tiền gửi dự trữ này nhưng cũng không có quy định nào cấm điều này.

 

Nếu trả lãi suất cho những khoản tiền gửi bắt buộc ấy thì sẽ thu hút được lượng tiền nhàn rỗi của các ngân hàng thừa và cho vay lại đối với những ngân hàng thiếu ở mức lãi suất cao hơn, vừa đảm bảo bù đắp chi phí lại vừa không phải bơm tiền ra nền kinh tế.

 

Giả dụ, chúng ta có thể trả mức 12% - 13% lãi suất cho tiền gửi dự trữ bắt buộc, vì hiện nay, các ngân hàng còn đi mua Trái phiếu Chính phủ ở mức lãi 12% mà, sau đó, cho những ngân hàng thiếu vốn vay lại với mức lãi suất khoảng 15% chẳng hạn.

 

Như vậy, ngân hàng thừa vốn không những không bị thiệt mà còn lãi chút ít, chi phí vốn không tăng, đồng thời, cách này không gây ra tăng cung tiền cho nền kinh tế. Trong bối cảnh hiện nay, cách lấy mỡ nó rán nó như thế sẽ là một cách có lợi.

 

Tất nhiên, tôi hiểu nhiều nơi lo ngại, tăng dự trữ bắt buộc sẽ gây áp lực lớn cho các ngân hàng thiếu thanh khoản. Tuy nhiên, ngân hàng nào thiếu vốn thì vẫn thiếu rồi. Chính thế, cơ chế trên có thể giúp cho các ngân hàng đó một con đường là đến vay chính nguồn tiền dự trữ bắt buộc từ Ngân hàng Nhà nước. Như vậy, lãi suất trên thị trường sẽ không bị đẩy lên cao và vẫn ổn định được.

 

Đương nhiên làm như vậy thì Ngân hàng Nhà nước phải giám sát hết sức chặt chẽ. Ngân hàng nào có vấn đề về thanh khoản, không an toàn thì Ngân hàng Nhà nước không bảo lãnh cho vay với bất kỳ giá nào.

 

Liệu khi Ngân hàng Nhà nước cho vay tính khoản tiền gửi dữ trữ bắt buộc thì các ngân hàng sẽ phải có thế chấp như thế nào để ràng buộc trách nhiệm, tránh bị xù nợ?

 

Nếu cho vay vốn như vậy, có ngân hàng có trái phiếu để thế chấp nhưng cũng sẽ có những ngân hàng không có để thế chấp, cho vay sẽ có rủi ro.

 

Một cách khác có thể tính tới là yêu cầu thế chấp bằng vốn điều lệ, làm thế thì các ngân hàng sẽ phải "sợ" hơn nhiều. Ngân hàng nào hiện ít nhất cũng có 1.000 - 3.000 tỷ vốn điều lệ, giờ vay mỗi lần chỉ cho vài chục tỷ đồng thôi. Nếu vay đến 2 kỳ không trả thì vốn điều lệ đem ra thế chấp ấy sẽ trở thành vốn của Chính phủ. Quy định như vậy thì tôi cho là, sẽ không ngân hàng nào dám quỵt nợ của NHNN.

 

Tôi thấy như vậy là an toàn và thực tế đã cho làm như vậy khi còn là Thống đốc. Tháng 5/2007, tôi thấy vốn vào nhiều quá nên đã cho tăng dự trữ bắt buộc từ 5% lên 10% và giữ mức này đến hết năm 2007.

 

Đầu năm 2008 tôi không làm nữa Thống đốc nữa, Ngân hàng Nhà nước tăng dự trữ bắt buộc thêm 1% cộng với 23.000 tỷ đồng tín phiếu bắt buộc. Hiệu quả là có. Nhìn ra thì Trung Quốc, dự trữ bắt buộc của họ là trên 20% mà lạm phát của họ có 6%.

 

Nguyên thống đốc NHNN: USD sẽ không vượt mốc 22.000 - 1
Yêu cầu thế chấp bằng vốn điều lệ, làm thế thì các ngân hàng sẽ phải "sợ" hơn nhiều.

 

Áp lực tỉ giá cuối năm không quá gay gắt

 

Một vấn đề khác đang nóng trên thị trường tài chính hiện nay là tỷ giá. Ông đánh giá ra sao về áp lực tỷ giá từ nay tới cuối năm?

 

Tôi cho là áp lực đó không lớn như mọi người nghĩ. Biểu hiện thị trường cho thấy như vậy. Trong tương lai sẽ tiếp tục có sự gia tăng tỷ giá và điều này đã được cảnh báo từ đầu năm chứ không phải bây giờ, nhưng không phải diễn ra gay gắt như vào thời kỳ trước tháng 2.

 

Tôi cho rằng từ nay đến hết năm, NHNN sẽ không có điều chỉnh gì lớn ngoài mức 1% cơ quan này đưa ra mà dùng chưa hết. Chênh lệch tỷ giá trong và ngoài thị trường chính thức cũng sẽ doãng ra nhưng không quá nhiều.

 

Đó là bởi lãi suất tiền đồng vẫn ở mức cao và vẫn là cái "neo" để không đẩy tỷ giá lên quá cao. Tình hình này sẽ diễn ra đến hết năm 2011và thậm chí đến Tết Âm lịch. Nếu chính sách vĩ mô được quản khéo thì có khi đến Tết, tỷ giá còn giảm, ổn định chứ không hẳn đã là bất ổn.

 

Tỷ giá chợ đen có thể lên đến 22.000 đồng/USD nhưng sẽ không vượt quá mốc này. Sau Tết, nếu nguồn cung ngoại tệ khá hơn thì diễn biến thị trường có thể khác đi.

 

Khi các nước lớn đang gặp khó khăn, nguồn cung ngoại tệ sẽ có ảnh hưởng tới tỷ giá như thế nào, thưa ông?

 

Nguồn cung ngọai tệ chưa chắc đã dồi dào nhưng lãi suất ngoại tệ thời gian tới chắc chắn tăng. Lý do là luồng vốn vào các nước mới nổi đều sụt giảm, ở những nước kinh tế vĩ mô bất ổn như Việt Nam còn giảm hơn. Những nước lớn đang phát triển có khó khăn về thanh khoản nên họ buộc phải rút tiền về để đảm bảo an toàn. Thậm chí có ngân hàng ở các nước đang phát triển đã sang khu vực mới nổi để vay tiền.

 

Vì thế, nếu khủng hoảng nợ công tăng cao thì càng gây khó khăn về tài chính, dẫn đến việc vay vốn ngoại tệ cũng khó khăn hơn. Tại Việt Nam, dù với chính sách gì thì cũng không dễ cho vay với lãi suất như hiện nay.

 

Ông Lê Đức Thúy: Tái cấu trúc nhưng tránh đổ vỡ hệ thống

 

Thời điểm hiện nay là cơ hội tốt để tái cơ cấu không chỉ là ngân hàng mà cả nền kinh tế. Nhưng đây không thể là việc diễn ra trong thời gian ngắn, cần có những bước đi khôn ngoan. Tái cơ cấu hệ thống tài chính, trong đó có ngân hàng là một việc nhạy cảm, vì vậy, phải giải quyết trước hết là lành mạnh về tài chính, ngăn chặn nợ xấu.

 

Trước hết phải làm sao để hệ thống ngân hàng không đổ vỡ ngoài tầm kiểm soát và đừng nên để ai bị đổ vỡ. Trên cơ sở đó, Ngân hàng Nhà nước mới đặt lên bàn cân, xem anh nào yếu anh nào mạnh, anh nào xấu anh nào tốt để có những chương trình cụ thể.

 

Phải nói là tỷ lệ nợ xấu trong ngân hàng đang cao hơn con số chính thức, chắc ai cũng tưởng tượng được. Đấy là chưa kể đến những vụ rủi ro đạo đức mà gần đây bục ra rất nhiều. Nhưng chắc chắn còn những vụ chưa bục ra. Nếu chúng ta không chặn thì sẽ còn phải trả giá đắt hơn.

 

Sau đó mới nói chuyện có sáp nhập hay giải thể hay không. Khi tôi còn làm Thống đốc, tôi sáp nhập, giải thể 17 ngân hàng cổ phần bằng cách này hay cách khác. Khi tôi lên có 53 ngân hàng, lúc xuống chỉ còn 36. Nhưng các bạn gần như không biết được anh nào bị sáp nhập, anh nào bị đóng cửa. Đấy cũng là một cách làm. Bấy giờ, Bộ Chính trị nói là phải xử lý, giảm thiểu tổn thất tài chính và không để ngân hàng đổ vỡ ngoài tầm kiểm soát.

 

Có những anh phải có cơ chế quản lý thứ 2, tăng cường quản trị nội bộ, để không có chuyện khoán cho cấp dưới huy động được một tỷ thì cho thưởng bao nhiều tiền như vừa qua, rồi lãi suất cưa đôi với người gửi tiền, Kiểm soát được cái đó mới tránh được những rủi ro về đạo đức trong ngàng ngân hàng, mới làm cho lành mạnh được chất lượng tín dụng.

 

Theo Phạm Huyền

VEF