1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Nguyên đơn kháng nghị đòi sàn vàng ACB 250 tỉ đồng

Ngày 2/7, luật sư Nguyễn Minh Thuận, Giám đốc Công ty Luật Hợp danh Sài gòn Việt Nam cho biết ông Trần Trọng Nghĩa, ngụ quận Phú Nhuận – TPHCM), vừa gửi đơn đề nghị giám đốc thẩm vụ kiện sàn vàng ACB đòi bồi thường 250 tỉ đồng.

Theo đơn, ngày 1/12/2007, ông Nghĩa ký hợp đồng giao dịch vàng với ACB để kinh doanh trên sàn vàng. Sáng 24/12/2007, ông Nghĩa đặt lệnh bán 3.000 lượng với giá 15,69 triệu đồng/lượng. Sau đó, ông Nghĩa được nhân viên ACB thông báo đã khớp được 150 lượng, còn 2.850 lượng chưa khớp. Tiếp đó, ông Nghĩa đặt lệnh hủy 2.850 lượng chưa khớp rồi đặt tiếp lệnh bán 2.850 lượng, giá lúc này chỉ còn 15,66 triệu đồng/lượng và được thông báo lệnh bán đã được khớp.

Tuy nhiên, cuối giờ chiều cùng ngày, nhân viên ACB điện thoại thông báo lệnh buổi sáng bị nhầm lẫn. Cụ thể, khi ông Nghĩa đặt lệnh bán 3.000 lượng thì đã khớp lệnh bán 2.850 lượng, không phải chỉ 150 lượng. Sự nhầm lẫn này dẫn đến hậu quả là ông Nghĩa đã đặt lệnh bán... khống 2.850 lượng vàng. Do ngay trước thời điểm bán khống 2.850 lượng vàng này trong tài khoản của ông Nghĩa chỉ còn 150 lượng vàng nên lệnh bán khống 2.850 lượng này khớp lệnh thì tài khoản của ông Nghĩa bị âm đến 2.700 lượng vàng (quy thành tiền thì số vàng này trị giá trên 42 tỉ đồng).

Vì vậy ông Nghĩa đã kiện ACB ra toà và yêu cầu toà tuyên bố giao dịch trên là vô hiệu do nhầm lẫn và yêu cầu ACB hoàn trả cho ông Nghĩa 2.700 lượng vàng còn ông Nghĩa có nghĩa vụ phải hoàn trả cho ACB trên 42 tỉ đồng. Nếu quy đổi giá vàng vào thời điểm xét xử thì 2.700 lượng vàng có giá 126,9 tỉ đồng. Lấy số tiền này cấn trừ phần tiền hơn 42 tỉ mà ông Nghĩa đã nhận từ việc bán khống thì số tiền chênh lệch mà ông Nghĩa yêu cầu ACB phải hoàn trả là hơn 84 tỉ đồng.

Để chứng minh cho việc ACB đã bán nhầm 2.700 lượng vàng, ông Nghĩa đã trưng ra nhiều chứng cứ như các phiếu đặt lệnh, hóa đơn giá trị gia tăng số VM/2007N 0028367 mà ông cho rằng ACB xuất để “hợp thức hóa” chuyện bán nhầm 2.700 lượng vàng. Trong đó, đáng chú ý là đoạn băng ghi âm buổi làm việc giữa ông Nghĩa và những người có trách nhiệm làm bằng chứng. Thế nhưng, hai cấp xét xử (TAND TPHCM và Toà phúc thẩm TAND Tối cao tại TPHCM) đều bác đơn của ông Nghĩa vì cho rằng chưa đủ căn cứ để chứng minh ACB bán nhầm 2.700 lượng vàng.

Theo ông Nghĩa, một tình tiết mới đặc biệt quan trọng đã xuất hiện tại phiên toà cấp phúc thẩm là ý kiến của đại diện Viện Phúc thẩm – VKSND Tối cao tại TPHCM về vụ án. Theo đó, vị đại diện Viện Phúc thẩm đã đề nghị HĐXX cấp phúc thẩm chấp nhận yêu cầu của ông Nghĩa khi đòi ACB phải trả 2.700 lượng vàng, còn ông Nghĩa có trách nhiệm hoàn trả cho ACB hơn 42 tỉ đồng. Cần trừ hai số này, ACB có nghĩa vụ hoàn trả cho ông Nghĩa hơn 84 tỉ đồng. Tuy nhiên, lời đề nghị này của đại diện Viện Phúc thẩm không được tòa chấp nhận.

Ngoài việc kiện đòi hơn 84 tỉ đồng trên, ông Nghĩa còn yêu cầu ACB bồi thường thêm 166 tỉ đồng vì cho rằng ACB đã có lỗi khi thông báo chấm dứt hợp đồng trái pháp luật, gây thiệt hại cho ông. Tuy nhiên, yêu cầu này cũng không được tòa án hai cấp chấp nhận.

Quốc hội đề nghị giải quyết

 
Ban Dân nguyện của Ủy Ban Thường vụ Quốc hội vừa chuyển đơn kiếu nại của ông Trần Trọng Nghĩa đến TAND Tối cao và VKSND Tối cao đề nghị giải quyết theo thẩm quyền và thông báo kết quả về Ban Dân nguyện.
Trước đó, ông Nghĩa đã có đơn gửi Chủ tịch Quốc hội khiếu nại bản án phúc thẩm ngày 22/3/2012 của Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TPHCM về việc tranh chấp giữa ông và sàn vàng ACB vì cho rằng xét xử không khách quan.

Theo Bích Phượng
Người Lao Động

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm